LTS: Tác giả Đỗ Tấn Ngọc - một cây bút quen thuộc của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trong bài viết lần này của mình đã nêu ra một vài kiến nghị trong việc giải quyết chế độ phụ cấp cho giáo viên.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 4504/BGD-NGCBQLGD ngày 27/9/2017 về tham gia góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Các Nghị định, quyết định và Thông tư nói trên đã được triển khai, thực hiện từ nhiều năm nay, thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với đời sống của đội ngũ nhà giáo ở các cơ sở giáo dục công lập.
Nhờ có chế độ phụ cấp đứng lớp từ 30-70% (tùy theo đối tượng, bậc học, vùng miền) và chế độ thâm niên (1% năm) nên đời sống vật chất của đại đa số thầy cô giáo được cải thiện, giảm bớt khó khăn thiếu thốn.
Thế nhưng, sau hơn 12 năm thực hiện chế độ phụ cấp đứng lớp và 6 năm thực hiện chế độ thâm niên nhà giáo thì đến thời điểm này các chính sách này không còn phù hợp, hấp dẫn nữa đối với giáo viên nữa khi mà kinh tế xã hội của nước nhà có nhiều thay đổi, vật giá không ngừng leo thang, đời sống của nhiều thầy cô giáo tiếp tục gặp khó khăn.
Hình minh họa, nguồn: Báo Quân đội Nhân dân. |
Các nhà giáo như chúng tôi làm sao quên được lời cam kết của Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, đến năm 2010, đội ngũ nhà giáo của chúng ta sẽ sống được bằng lương.
Nghĩa là Nhà nước sẽ quan tâm, đãi ngộ, có chế độ lương bổng cao hơn. Nói thì nói thế thôi, từ năm 2010 tới nay, nhiều giáo viên vẫn phải sống một cuộc sống chật vật, khốn khó.
Hàng năm ở thành phố Hồ Chí Minh, có đến cả ngàn giáo viên, chủ yếu bậc mầm non xin nghỉ dạy, chuyển sang làm công việc khác, vì mức lương không thể sống nổi giữa một thành phố “đụng” cái gì cũng phải có tiền.
Có biết bao thầy cô giáo dạy mấy chục năm trong nghề hay cả đời vẫn phải ở nhà thuê, nhà tạm bợ. Vài minh chứng thôi mà khiến chúng ta đau lòng, xót xa về sự thật các thầy giáo Thứ thời hiện đại.
Khi ban giám hiệu chúng tôi đề nghị tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường tham gia góp cho 2 Dự thảo trên theo Công văn chỉ đạo của Sở Giáo dục Đào tạo và hỏi thêm một số thầy cô giáo các trường bạn ở trong và ngoài tỉnh, họ đều có chung một mong muốn Nhà nước cần tăng mức đãi ngộ cho nhà giáo trong thời gian tới.
Chế độ phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo |
Theo các thầy cô giáo, chế độ phụ cấp ưu đãi đứng lớp nên tăng thêm khoảng 10-15% nữa tương ứng với từng bậc học, đối tượng, vùng miền.
Còn chế độ phụ cấp thâm niên 1% lương cho mỗi năm là ít, cần tăng thêm 1,5% lương và giáo viên tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập thì ngay từ năm đầu tiên được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên thay vì sau 5 năm như quy định hiện hành.
Các lĩnh vực như quân đội, công an khi học tập trong nhà trường chuyên nghiệp thì đã được tính phụ cấp thâm niên rồi, tại sao nhà giáo lại bị thua thiệt quá vậy?
Tăng lương, tăng các chế độ phụ cấp đứng lớp, thâm niên để nhà giáo cải thiện chất lượng cuộc sống bản thân, gia đình và từ đó có thêm động lực gắn bó, tâm huyết với “sự nghiệp trồng người”, không “có thực” làm sao vực được “đạo” đây?
Ngày 19/04/2017, trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả Sông Trà có bài viết “Vì sao cán bộ, giáo viên sợ lên Phòng, về Sở?”.
Bài viết đã phản ánh rất đúng những bất công cũng như những thiệt thòi về việc hưởng chế độ phụ cấp đứng lớp và thâm niên đối với các đối tượng đang làm công việc gián tiếp ở các cơ sở giáo dục công lập như kế toán, văn thư, y tế, thư viện và các giáo viên, cán bộ quản lý ở các trường học được điều động, thuyên chuyển về làm chuyên viên, các trưởng, phó phòng ở Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo, kể cả các viện nghiên cứu, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy họ không trực tiếp giảng dạy trên lớp nhưng họ làm những công việc, bộ phận, hành chính khác cũng đầy vất vả, cực nhọc.
Thời gian 2 tháng hè, các thầy cô giáo thì được nghỉ trọn vẹn trong khi đó các chuyên viên, cán bộ ở Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo… phải làm việc liên tục mà công việc quản lý, hành chính bây giờ rất bề bộn, thậm chí phức tạp nữa. Đã thế, họ thuộc diện “ba không”: phụ cấp công vụ, phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên.
Chế độ đối với cán bộ làm công tác kiêm nhiệm y tế trường học |
Thực tế, mức thu nhập của bộ phận gián tiếp ở các cơ sở giáo dục khá thấp, ngoài lương cơ bản ra, nhà trường chẳng có khoản nào khác để hỗ trợ, chia sẻ...
Đối với giáo viên được điều động lên làm chuyên viên ở Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo…theo quy định thì chế độ phụ cấp thâm niên chỉ được bảo lưu, hưởng thêm 36 tháng, sau đó là cắt luôn.
Đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở trường học được điều động lên làm trưởng, phó phòng gì đó thì chế độ phụ cấp thâm niên bị cắt ngay, lấy lý do cấp cán bộ quản lý đã có phụ cấp trách nhiệm, từ 0,2 đến 0,5 rồi ( tùy vào từng cấp).
Có người còn suy diễn, đồn thổi rằng trưởng, phó phòng thiếu gì bổng lộc cần gì đến các chế độ phụ cấp nữa.
Cách đối xử bất công đối với các đối tượng trên, chính là lý do cơ bản khiến nhiều giáo viên, cán bộ quản lý ở nhà trường rất sợ, rất nản khi được tổ chức, cấp trên điều động, thuyên chuyển lên Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Chúng tôi tha thiết đề nghị Nhà nước, Chính phủ sớm điều chỉnh những bất cập đang tồn tại trong các Văn bản pháp quy nói trên và có sự quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng, tương đương nhà giáo đối với đối tượng, bộ phận làm việc gián tiếp, hành chính ở các trường, phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Nếu nhà nước, Chính phủ vẫn tiếp tục “bỏ quên” họ thì sẽ còn mấy ai say mê, nhiệt tình, trách nhiệm cao với mọi công việc được giao phó?