LTS: Trước những hạn chế, yếu kém đang trở thành nút thắt làm chậm đi tiến trình, mục tiêu đổi mới giáo dục của phương pháp dạy học ở các trường sư phạm hiện nay, tác giả Sông Trà đã có những chia sẻ trước vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời chúng tôi học đại học sư phạm những năm 1992-1996 và bao nhiêu thế hệ sinh viên sư phạm sau này, mặc dù có bộ môn phương pháp dạy học với số học phần, học trình được bắt đầu học từ năm thứ 3, thế nhưng hầu hết thầy cô giáo, giảng viên ở đây vẫn dạy “chay”, sinh viên học “chay” là chính.
Sinh viên chúng tôi không có khái niệm của việc làm và sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học. Các phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học hiện đại cũng chỉ được các thầy cô nói qua về mặt lý thuyết. Soạn giáo án điện tử, bài giảng e-learning…càng trở nên xa lạ.
Việc đổi mới phương pháp dạy học đối với nhà trường, thầy cô giáo phổ thông được đề cập, bồi dưỡng, tập huấn và áp dụng vào giảng dạy hàng chục năm nay. Song, chủ yếu do các giáo viên tự mày mò, tìm hiểu, đúc kết kinh nghiệm lẫn nhau và thực hiện.
Trường đào tạo sư phạm, các giáo trình và giảng viên gần như biệt lập hoàn toàn với những gì đang diễn ra ở trường phổ thông.
Phương pháp dạy học của giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Phần lớn các giảng viên của “lò” sư phạm từ sinh viên ở đó được giữ lại trường, học tiếp lên thành thạc sĩ, tiến sĩ, rồi ra giảng dạy sinh viên, chưa từng kinh qua môi trường dạy học ở phổ thông, không hề biết làm đồ dùng dạy học, soạn giảng giáo án điện tử, bài học e-learning…
Như vậy, làm sao chỉ bảo, hướng dẫn các sinh viên sư phạm của mình làm quen, vận dụng được những phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học hiện đại vào thực tiễn khi tốt nghiệp ra trường.
Đây là hệ quả tất yếu dẫn đến việc nhiều thầy cô phổ thông sử dụng phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học hiện đại trong dạy học còn lúng túng, không thường xuyên và kém hiệu quả.
Trên thực tế, phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học tích cực mới chủ yếu được sử dụng khi giáo viên dạy minh họa trong sinh hoạt chuyên môn hoặc thi giáo viên dạy giỏi các cấp.
Việc sử dụng phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học tích cực trong các giờ thi giáo viên dạy giỏi mới chủ yếu là “trình diễn” của giáo viên; chưa chú ý đến thực chất hoạt động học của học trò, thể hiện như sau:
Các hoạt động học trong một bài học chưa thể hiện được “tiến trình sư phạm” của phương pháp dạy học tích cực mà giáo viên sử dụng.
Các hoạt động học chủ yếu được chia theo nội dung kiến thức trong sách giáo khoa: Mục 1 là hoạt động 1, Mục 2 là hoạt động 2…
Trong 1 tiết tổ chức nhiều hoạt động, mỗi hoạt động cho các em thời gian từ 3 – 5 phút khiến cho hoạt động trở nên hình thức; chỉ có một vài học sinh khá, giỏi xong là coi như cả lớp xong.
Thiết bị dạy học, công nghệ thông tin, “phiếu học tập” được sử dụng không hiệu quả, còn lạm dụng. Về hình thức dạy học, chủ yếu diễn ra ở trên lớp…
Các hạn chế, yếu kém cơ bản nêu trên đã, đang là nút thắt, lực cản làm chậm đi tiến trình, mục tiêu đổi mới đề ra.
Về mặt chủ trương đổi mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng tung ra toàn những lời lẽ "có cánh" như: tiếp tục tạo cơ chế quản lí phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của người thầy, tổ nhóm chuyên môn, nhà trường.
Phát triển công tác giáo dục nhà trường, thông qua Sở, Phòng để thực hiện; giáo viên, tổ/nhóm chuyên môn được chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chuyên đề dạy học để thực hiện ở nhiều tiết học; mỗi tiết học chỉ tổ chức 1 – 2 hoạt động học.
Hướng dẫn xây dựng chuyên đề dạy học; thiết kế bài học; tiêu chí phân tích, rút kinh nghiệm bài học đã được Bộ hướng dẫn trong Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014.
Đi làm công tác thanh, kiểm tra ở nhiều cơ sở giáo dục, qua hồ sơ chuyên môn của tổ, nhóm, cá nhân giáo viên, chúng tôi nhận thấy chẳng mấy thầy, cô giáo, tổ/nhóm thực hiện thiết kế giáo án và tổ chức dạy học theo Công văn nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực cách đây gần 4 năm.
Giữa mặt lý thuyết, văn bản và việc tổ chức thực hiện vẫn còn là một khoảng cách khá xa.
Chương trình giáo dục mới đã ban hành, đang lấy ý kiến rộng rãi và sẽ triển khai đại trà từ năm 2019 với hình thức cuốn chiếu ở 3 cấp học phổ thông. Thế mà, không hiểu sao các trường đào tạo sư phạm vẫn đứng ngoài cuộc, dạy học theo cách của riêng mình.
Nhiều cán bộ quản lý, chuyên viên, giáo viên cốt cán ở các Sở Giáo dục khẳng định rằng, đến bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có một động thái nào buộc các trường sư phạm phải đổi mới, cải tiến mạnh mẽ về phương pháp dạy học tích cực, hiện đại.
Các nhà trường, giảng viên sư phạm toàn là dạng “thầy bói xem voi” thì làm sao và đến bao giờ các sinh viên đào tạo ở đó và các thầy cô giáo phổ thông hiện nay cần đào tạo, bồi dưỡng lại để đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục mới?
Câu hỏi này xin gửi đến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đào tạo sư phạm sớm có câu trả lời trước dư luận xã hội.
Gốc, rễ không vững, thậm chí èo uột thì lấy gì thân cây, lá xanh tươi, phát triển tốt được. Trường sư phạm không chăm lo đào luyện họ theo cách dạy học mới thì hà cớ gì bắt họ phải thực hiện nó khi ra trường, đi dạy phổ thông?