Giáo sư Nguyễn Đình Đức và những nhận định đặc biệt về bỏ Bộ chủ quản

15/06/2018 08:30
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng xóa bỏ bộ chủ quản là phù hợp với thông lệ quốc tế và sự thành công của 2 đại học quốc gia là minh chứng thực tiễn.

LTS: Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu ba trường đại học đang thí điểm cơ chế tự chủ xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản, trình bộ này trong tháng 8/2018.

Ba trường này gồm Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trước chủ trương này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội). 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Phóng viên: Thưa Giáo sư, việc thực hiện xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản giáo dục đại học có cần thiết hay không? Kinh nghiệm và thực tiễn đại học trên thế giới khi sang mô hình đại học tự chủ, không trực thuộc bộ mang lại hiệu quả như thế nào?

Nếu chúng ta thực hiện được thì theo thầy, điều kiện cần và đủ cho hệ thống đại học “không bộ chủ quản”là gì?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức:
Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản xuất phát từ vấn đề tự chủ đại học. 

Trên thế giới, tự chủ đại học có nhiều mô hình như bán tự chủ, tự chủ trong một số lĩnh vực và tự chủ hoàn toàn.

Và ở một số nước phát triển, xu hướng tự chủ đại học ngày càng cao do đó xóa bỏ bộ chủ quản hay tự chủ đại học chính là xu hướng tất yếu của giáo dục đại học trên thế giới. 

Khi nhìn nhận từ thực tế, chúng ta thấy giáo dục đại học của Việt Nam những năm qua đã có một số mô hình tự chủ hoàn toàn ở các trường đại học dân lập như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Duy Tân hay Đại học Nguyễn Tất Thành... và mô hình của hai Đại học Quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). 

Từ những mô hình thực đó cho thấy, khi các trường được tự chủ thì họ được quyết định mọi vấn đề từ tài chính, nhân sự, vượt qua khỏi cách quản lý hành chính quan liêu bao cấp trước đó, do đó trường có nhiều cơ hội trong quá trình phát triển và nắm bắt được cơ hội rất tốt.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai với 3 cơ sở giáo dục tốp đầu, có uy tín để thí điểm bỏ bộ chủ quản như đề xuất là hoàn toàn hợp lý, thận trọng. (Ảnh: Giáo sư Đức cung cấp)
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai với 3 cơ sở giáo dục tốp đầu, có uy tín để thí điểm bỏ bộ chủ quản như đề xuất là hoàn toàn hợp lý, thận trọng. (Ảnh: Giáo sư Đức cung cấp)

Là người gắn bó với Đại học Quốc gia Hà Nội suốt cả chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, tôi nhận thấy, khi mới thành lập 2 đại học quốc gia đã nhận được sự ủng hộ rất cao của Bộ Chính trị bởi chủ trương tự chủ của Đảng và Nhà nước mong muốn thành lập 2 trung tâm đại học lớn, có tự chủ cao để nhanh chóng bứt phá vươn lên thành các trường đại học đẳng cấp, hội nhập với thế giới.

Ấy thế mà tại thời điểm đó cũng còn nhiều ý kiến còn băn khoăn, thậm chí có những ý kiến cho rằng Đại học Quốc gia Hà Nội phải trở lại tên cũ là Đại học Tổng hợp, thậm chí có trường còn xin ra.  

Tôi kể ra điều này để thấy rằng, việc nâng cao quyền tự chủ cho các trường và bỏ bộ chủ quản là quá trình không phải bây giờ mới diễn ra mà đó là chủ trương từ lâu của Đảng và Nhà nước ta nhưng khi áp dụng không phải mọi thứ sẽ suôn sẻ ngay từ đầu mà sẽ có ý kiến hoài nghi, lo ngại. Việc đó là đương nhiên và không tránh khỏi trong quá trình đổi mới.

Thế nhưng, quá trình phát triển và đóng góp của 2 đại học quốc gia trong 25 năm qua là minh chứng phát triển vượt bậc khi bỏ bộ chủ quản. Thực tế cho thấy 2 đại học quốc gia đã  luôn tiên phong đổi mới sáng tạo và thực sự giữ vai trò nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. 

Hiện Đại học Quốc gia Hà Nội có đội ngũ, số lượng cán bộ khoa học đầu ngành đông đảo bậc nhất trong các trường đại học của Việt Nam. 

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có nhiều giáo sư tham gia các hội đồng chuyên môn của quốc gia, quốc tế; tham gia các hội đồng ngành xét, công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư.

Rất nhiều giáo sư đầu ngành có uy tín trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế là của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hơn nữa, nhờ cơ chế tự chủ mà Đại học Quốc gia Hà Nội luôn tiên phong, phát triển nhanh quy mô đào tạo từ lúc chỉ có mấy chục chương trình đào tạo thì đến nay đã có 136 chương trình đào tạo đại học; 144 chương trình đào tạo thạc sĩ; 112 chương trình đào tạo tiến sĩ, trong đó có 30 ngành, chuyên ngành hoàn toàn mới, thí điểm, chưa có trong danh mục đào tạo hiện tại.

Nếu như trước kia chủ yếu nghiên cứu khoa học cơ bản thì giờ đây cấu ngành nghề cũng có sự chuyển hướng kịp thời với các ngành liên ngành, liên lĩnh vực, những ngành công nghệ, kỹ thuật đáp yêu cầu đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (công nghệ vũ trụ, robotics,...)

Đồng thời, nhờ được tự chủ nên cơ sở giáo dục huy động được nhiều nguồn lực và kết quả là đến nay 2 đại học quốc gia đã lọt top 1000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS).

Khi công bố bảng xếp hạng này mặc dù nhiều người nghĩ rằng trường lớn như 2 đại học quốc gia thì được xếp hạng là đương nhiên, nhưng tôi cho rằng, việc được xếp hạng như thế là có sự đóng góp rất lớn của tự chủ.

Nói thẳng ra, nếu không có tự chủ cao thì chưa chắc hai đại học quốc gia đã đạt được kết quả như vậy. 

Do đó, tôi cho rằng xóa bỏ bộ chủ quản là phù hợp với thông lệ quốc tế và sự thành công của 2 đại học quốc gia là minh chứng thực tiễn cho bỏ bộ chủ quản, phát huy tính tự chủ là hướng đi hoàn toàn đúng đắn. 

Giáo sư Nguyễn Đình Đức và những nhận định đặc biệt về bỏ Bộ chủ quản ảnh 23 trường đại học danh tiếng sẽ tách khỏi Bộ Giáo dục

Tôi đánh giá cao đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bỏ bộ chủ quản, thực chất là Bộ đã dám mạnh dạn đổi mới, dám bỏ bớt quyền quản lý của mình, đồng nghĩa với không ôm việc, bỏ cơ chế xin cho, bỏ cung cách quản lý hành chính quan liêu để vì sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học, tạo điều kiện cho các trường đại học phát triển và đổi mới nhanh và mạnh hơn nữa. 

Tuy nhiên nhiều người lo rằng tự chủ là buông lỏng. Nhưng điều này không đúng bởi lẽ cơ sở giáo dục muốn được tự chủ thì phải đáp ứng nhiều điều kiện đảm bảo chất lượng và quản trị đại học. 

Thế giới cũng thế và Việt Nam cũng như vậy, chứ không phải trường nào chưa đủ đội ngũ, quản trị đại học chưa quy củ... cũng được tự chủ, nếu vậy sẽ dẫn tới thả nổi chất lượng. 

Mặc dù hiện nay chúng ta cứ nói với vai trò của hậu kiểm, tuy nhiên đối với các lĩnh vực khác thì xử lý hậu kiểm có thể nhanh nhưng với giáo dục thì là hoạt động đào tạo, mỗi một khóa đào tạo là từ 4-5 năm, nên mỗi sơ suất không thể một sớm một chiều là thực hiện được, cho nên tự chủ phải gắn với các điều kiện, tiêu chí, cùng với cơ chế giám sát, kiểm tra và hậu kiểm một cách thường xuyên, minh bạch. 

Mỗi khóa sinh viên phải mất ít nhất 4 năm, thậm chí 4,5 đến 5, 6 năm (đối với đào tạo kỹ sư, y bác sĩ...) do đó muốn bỏ bộ chủ quản thì điều kiện tối thiểu của trường là phải đảm bảo kiểm định chất lượng với những tiêu chí từ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, quản lý sinh viên,.. 

Ngoài ra, các loại hình trường đại học hiện nay của nước ta rất nhiều, trong đó có những trường đại học trực thuộc một bộ ngành khác (không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo) do đó, bài học trên thế giới cho thấy họ tiến hành bỏ bộ chủ quản cũng rất thận trọng, từng bước, trường nào có đẳng cấp cao, có đội ngũ tốt, có chất lượng và uy tín thì mức độ tự chủ càng cao. 

Vì vậy việc Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai với 3 cơ sở giáo dục tốp đầu, có uy tín để thí điểm bỏ bộ chủ quản như đề xuất là hoàn toàn hợp lý, thận trọng. 

Tôi hi vọng, thông qua bài học và kinh nghiệm thực tiễn từ mô hình của 2 đại học quốc gia và các đại học trên thế giới, cũng như các trường được chọn thí điểm tới đây, chúng ta sẽ tìm ra một hướng đi tốt nhất trong quá trình bỏ bộ chủ quản đối với các trường đại học ở Việt Nam. 

Nhiều người lo ngại bỏ Bộ chủ quản sẽ kéo theo bỏ sự giám sát của Nhà nước, sẽ dẫn đến mở rộng quy mô đào tạo tràn lan, làm suy giảm chất lượng giáo dục đại học. Xin thầy cho biết, mô hình quản lý đại học sẽ như thế nào nếu không có bộ chủ quản?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức:
Theo tôi, đây là vấn đề xã hội quan tâm nhất. Và tôi thực sự chia sẻ với những ý kiến lo lắng của xã hội khi bỏ bộ chủ quản thì vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ bị buông lỏng. 

Tuy nhiên, khi nhìn nhận một cách khái quát thì chúng ta thấy, khi bỏ bộ chủ quản thì vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là ban hành khung pháp lý (chuẩn đầu ra, kiểm định chất lượng,...) và chính sách.

Còn nhiệm vụ của các trường là phải công khai minh bạch các thông tin liên quan tới nhân lực, cơ sở vật chất, chuẩn đầu ra, điều kiện đảm bảo chất lượng, tỷ lệ có việc làm... để phụ huynh, học sinh nắm được và giám sát.

Như vậy có nghĩa là, lúc này vai trò kiểm tra, giám sát không chỉ là vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà phụ huynh, người học, cũng như người sử dụng lao động chính là những người giám sát hoạt động của nhà trường. 

Trường nào đào tạo tốt, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt, được khẳng định bởi doanh nghiệp và người sử dụng lao động, thì trường đó sẽ thu hút được người học. 

Ngược lại, nếu trường không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng điều kiện đã cam kết với người học, sinh viên ra không xin được việc làm thì cơ sở đào tạo sẽ bị mất uy tín, khó tuyển sinh, thậm chí người học hoàn toàn có thể khởi kiện cơ sở giáo dục đó vì đã không đáp ứng được đúng như chuẩn đầu ra và cam kết ban đầu. 

Do đó, tự chủ cũng sẽ tạo nên sự cạnh tranh và sự tự đào thải, tức là tạo nên áp lực sống còn với sự tồn vong và phát triển của nhà trường. 

Giáo sư Nguyễn Đình Đức và nghiên cứu sinh đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ (Ảnh: Giáo sư Đức cung cấp)
Giáo sư Nguyễn Đình Đức và nghiên cứu sinh đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ (Ảnh: Giáo sư Đức cung cấp)

Và cũng do vậy, khi tự chủ và bỏ bộ chủ quản, thì Hội đồng trường sẽ là hội đồng thực sự quyền lực và hoạt động hiệu quả, sẽ là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường, có quyền quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm Hiệu trưởng. 

Theo nguyên lý quyền tự chủ (autonomy) của các trường đại học là tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính, đào tạo và dưới sự giám sát của Hội đồng trường tuy nhiên bao năm qua hội đồng trường không hoạt động được, mãi đến nay cả nước số lượng trường có hội đồng trường đếm trên đầu ngón tay.

Hơn nữa, tuy có nhưng nhiều Hội đồng trường lại rất hình thức. Vậy theo Giáo sư, khi xóa bỏ bộ chủ quản thì vai trò của Hội đồng trường sẽ phải như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức:
Hiện nay, với các trường dân lập, Hội đồng trường hoạt động theo mô hình hội đồng quản trị, thành viên là những người đầu tư cho nhà trường, do vậy là hội đồng quyền lực và hiệu quả.
 
Trong khi với các trường công lập, hội đồng trường còn mang tính hình thức, ít phát huy hiệu quả, vì thành viên hội đồng trường có tính cơ cấu, hình thức. 

Thậm chí nhân sự Hiệu trưởng chưa chắc do Hội đồng trường quyết định, do vậy sự phát triển của nhà trường cũng ít gắn với quyền lợi và trách nhiệm của Hội đồng trường.

Khi tự chủ, bỏ bộ chủ quản, Hội đồng trường sẽ là cơ quan quyền lực nhất, xem xét hoạch định chính sách phát triển, sứ mệnh mục tiêu và cơ cấu tổ chức, nhân sự của nhà trường. 

Vai trò của Hội đồng trường rất lớn. Thành viên của Hội đồng trường sẽ không thể là cơ cấu, hình thức, mà phải thực sự là những người tiêu biểu đóng góp cho sự phát triển của nhà trường, trong đó các giáo sư đầu ngành làm nên uy tín của trường đại học sẽ có tiếng nói rất quan trọng.

Do đó, tôi xin nhắc lại, khi tự chủ hoàn toàn, bỏ bộ quản thì nhất định Hội đồng trường phải là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường. 

Mặc dù Nghị quyết 14 và Luật Giáo dục đại học cũng bỏ cơ chế bộ chủ quản, nhưng trên thực tế cho đến nay chúng ta vẫn thực hiện mô hình bộ chủ quản. 

Giờ đây khi ngành giáo dục quyết tâm thực hiện chủ trương này thì theo thầy trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi sắp tới cần sửa đổi, bổ sung gì liên quan tới vấn đề này, thưa ông?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức:
Tôi thấy rằng, nội dung trong dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi lần này đã giao quyền tự chủ cho các trường rất nhiều so với trước. 

Nếu như trước đây, mặc dù Điều lệ trường đại học năm 2005 rồi Luật giáo dục đại học 2012 cũng nói tới tự chủ nhưng thực tế các trường vẫn chưa phát huy vai trò của tự chủ bởi lẽ chúng ta vẫn thực hiện quản lý hành chính tập trung, còn chồng chéo các quy định, loay hoay trong cơ chế là được tự chủ nhưng lại không được tự quyết nhiều vấn đề như tài chính, nhân sự,...cho nên chưa tạo ra sức bật. 

Giáo sư Nguyễn Đình Đức và những nhận định đặc biệt về bỏ Bộ chủ quản ảnh 4Tự chủ đại học đương nhiên sẽ xóa vai trò của bộ chủ quản

Lần sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học lần này đã có nhiều đổi mới và cải cách, đã trao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học nhiều hơn, mạnh dạn hơn, sẽ giúp cơ sở giáo dục đại học được “cởi trói” và phát huy cũng như thu hút được nguồn lực về con người, cơ sở vật chất thông qua đổi mới về hình thức, thời gian đào tạo, cách tính, thu học phí,….

Tóm lại là đã thực sự đổi mới theo triết lý kiến tạo cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, hoạt động của các đại học, trường đại học vẫn còn bị chi phối bởi các luật khác, ví dụ, nếu trường công lập được tự chủ, nhưng các giảng viên, các giáo sư của các trường công lập sẽ là viên chức hay theo hợp đồng lao động, hay nên áp dụng hình thức mới nào? 

Vì nếu giảng viên là công chức, viên chức thì bậc lương lại do Bộ Nội vụ quy định, đâu phải do Hội đồng trường hoặc Hiệu trưởng quyết định mà được?

Vì vậy, Luật giáo dục đại học lần này có được ban hành, đổi mới như thế nào đi chăng nữa thì các văn bản luật khác cũng cần bổ sung, sửa đổi đồng bộ thì mới có thể tạo điều kiện cho các trường đại học cất cánh được. 

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Đình Đức.

Thùy Linh (ghi)