Thuở xưa, ông cha ta chỉ có một bộ phận rất ít ỏi nam giới được học hành, được tham gia vào chế độ khoa cử. Thế nhưng, chỉ một số vụ việc gian lận thi cử ở chốn trường thi vẫn được “lưu danh” đến tận bây giờ.
Ngày nay, gần như tất cả người dân được học hành, Internet được nối mạng toàn cầu, không gian sống đã được mở rộng chứ không phải là không gian làng xã giống thuở xưa.
Vì thế, sự việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã được thông tin đến mọi người trong cả nước. Thậm chí là báo chí nước ngoài cũng đã đưa tin.
Sau này, thế hệ con cháu chúng ta sẽ nhắc, sẽ kể mãi về câu chuyện này- về một vết nhơ hôm nay của giáo dục nước nhà.
Câu chuyện tiêu cực thi cử hôm nay, cháu con chúng ta sẽ còn nhắc mãi (Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn) |
Sự việc tiêu cực của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 không chỉ là một vài trường hợp cá biệt mà nó trở thành một sự kiện chấn động đối với ngành giáo dục.
Nó diễn ra ít nhất là ở 3 tỉnh với hơn 200 thí sinh đã được phát hiện, với hàng chục quan chức của các địa phương vướng vào vụ tiêu cực này.
Điều đáng xấu hổ nhất là có nhiều thí sinh được nâng điểm khống một cách trắng trợn, chà đạp lên cả lý và tình.
Khi mà ở Hà Giang, có thí sinh được sửa và nâng đến 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Kế tiếp là Sơn La 26,55 điểm/3 môn, Hòa Bình là 26,45 điểm/3 môn.
Những thí sinh có học lực như vậy nhưng vẫn đường hoàng bước vào các trường đại học uy tín. Thậm chí có có thí sinh đã “vươn lên” để trở thành “thủ khoa”.
Những nhà giáo vướng vào vụ việc tiêu cực này có rất nhiều, trong đó có 01 Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Sơn La, 02 Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Giang bị truy tố. Những Trưởng, Phó phòng thì rất nhiều.
Sau vụ việc tiêu cực này, một số tỉnh thiếu cán bộ ngành giáo dục trầm trọng, phải bổ nhiệm gấp thêm Phó Giám đốc Sở để làm việc như ở Hà Giang.
Những người là phụ huynh của các thí sinh được sửa điểm cũng đa phần là cán bộ lãnh đạo, họ có thể “thét ra lửa” ở địa phương.
Bởi họ là Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, là Cục trưởng, Phó Chủ tịch huyện, thành phố...
Trớ trêu nhất là có nhiều phụ huynh đang công tác trong ngành công an- những người đang là những “cánh tay đắc lực” cho nhà nước chống tiêu cực! Nếu sự việc này được xử lý nghiêm minh, các địa phương sẽ phải loại bỏ không ít cán bộ.
Những ngày qua, có người đã mượn câu thơ của Giang Nam: “Không tin được dù đó là sự thật” để nói về vụ tiêu cực này.
Làm sao tin được một sự “vô tình” lại trùng khít với nhau khi những thí sinh được nâng điểm lại đều là con cháu quan chức địa phương và những gia đình giàu có, có thế lực, địa vị.
Bây giờ, giải bài toán tiêu cực này dù bằng giải pháp tối ưu nào thì vết nhơ cũng khó gột rửa sạch cho ngành giáo dục cả trong hiện tại và tương lai.
Bởi những người tham gia sửa điểm là những nhà giáo- những cán bộ đầu ngành giáo dục của các địa phương này.
Những phụ huynh có con là những thí sinh được nâng điểm lại là những cán bộ lãnh đạo, thậm chí có nhiều người đứng đầu các ban ngành.
Họ có thể thanh minh mình không biết, không tác động, không nhờ vả, nhưng ai tin, ai có thể cảm thông cho sự “trong sáng” của họ trong hoàn cảnh trớ trêu như thế này?
Vụ việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã gây ra “vết thương lòng” cho ngành giáo dục và xã hội hôm nay.
Nó chỉ có thể nguôi ngoai khi Bộ Giáo dục- Đào tạo và các cơ quan chức năng ở các địa phương này xử lý những cá nhân liên quan đến vụ việc một cách nghiêm minh, khách quan.
Nhưng nó sẽ mưng mủ nếu những người tham gia vào hành vi sửa điểm không bị nghiêm trị, không được công khai trước công luận.
Vụ bê bối điểm thi này theo cá nhân người viết, sẽ để lại dư âm rất lâu trong sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà. Sau này, con cháu chúng ta sẽ kể, sẽ nhắc lại câu chuyện hôm nay như bây giờ chúng ta đang nhắc về những câu chuyện ngày xưa của ông cha ta đã mắc phải.
Thiết nghĩ, bài học này sẽ cảnh tỉnh cho tất cả những ai có ý định làm những việc tương tự như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong các kỳ thi tiếp theo.