Áp lực rất lớn nên nhiều giáo viên ngại bị điều động đi chấm thi

17/07/2019 07:15
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Chế độ chi trả cho giáo viên đi chấm thi thấp nhưng chưa phải là lý do cơ bản mà chính là áp lực trong quá trình chấm thi hiện nay rất lớn.

Nếu không phải vì trách nhiệm, vì sự điều động của cấp trên thì không mấy giáo viên xung phong đi làm giám khảo chấm môn tự luận ở kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và thi tuyển sinh 10.

Những thầy cô trong những lần đầu đi chấm còn háo hức nhưng qua vài lần thì ai cũng cố gắng tìm cách rút lui. Nếu rút không được thì phải đi chứ thực lòng đa phần họ không hề muốn.

Chế độ chi trả cho giáo viên đi chấm thi thấp nhưng chưa phải là lý do cơ bản mà chính là áp lực trong quá trình chấm thi hiện nay đang rất lớn.

Áp lực trong chấm thi hiện nay rất lớn (Ảnh minh họa: Báo Lao động).
Áp lực trong chấm thi hiện nay rất lớn (Ảnh minh họa: Báo Lao động).

Áp lực trong quá trình chấm thi

Những ngày qua, trên một số trang mạng xã hội và một số tờ báo đã đăng tải, phản ánh về việc chấm thi ở Sơn La khiến cho nhiều người ái ngại khi thấy hình ảnh giáo viên vào khu vực chấm thi được cán bộ an ninh quét các thiết bị điện tử.

Nhìn hình ảnh những cô giáo giơ tay lên để cho cán bộ an ninh “quét” như hành khách đi máy bay thấy mà…nản vô cùng. Nói thật, giáo viên đi chấm thi chẳng có ai dại gì mà lại đem các thiết bị điện tử đã cấm vào khu vực làm nhiệm vụ của mình.

Nhìn lại sự việc tiêu cực ở năm 2018 ta thấy toàn lãnh đạo can thiệp, nâng sửa điểm chứ giáo viên chấm bài làm sao biết bài nào mà nâng, mà sửa điểm.

Việc 3 giáo viên Ngữ văn ở Hòa Bình bị truy tố cũng là sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở thì họ mới biết được số mật mã của các bài cần nâng điểm bởi những người có con, cháu, người thân tham dự kỳ thi thì giáo viên đâu được phân công đi coi thi, chấm thi.

Vậy mà, khi vào khu vực chấm thi đã gặp công an, thanh tra, lên khu vực chấm thì bị quét thiết bị điện tử, vào phòng chấm thì khắp phòng đều có camera giám sát, phía trên thì tổ trưởng, tổ phó chấm thi ngồi quan sát, hành lang thì thanh tra, bảo vệ đi lại liên tục.

Áp lực xung quanh như vậy nhưng vấn đề quan trọng nhất là thầy cô khi đối diện với từng bài thi của học trò phải đảm bảo được tính chính xác và khách quan khi cho điểm.

Những sai sót bao giờ cũng bị góp ý, thậm chí còn bị kỷ luật như chơi, trong khi ngồi chấm bài thì có nhiều con mắt cả vô hình, hữu hình đang quan sát chặt chẽ mọi động thái của thầy cô chấm thi.

Áp lực rất lớn nên nhiều giáo viên ngại bị điều động đi chấm thi ảnh 2Cán bộ chấm thi quốc gia ở Sài Gòn nói bị bớt xén thù lao chấm tự luận

Từ sau tiêu cực năm 2018, việc chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để đối phó với tiêu cực là cần thiết nhưng có lẽ lãnh đạo Bộ và địa phương đã có những đề phòng đôi khi quá mức.

Nhiều giám khảo không chỉ thấy ngột ngạt trong phòng chấm thi mà việc giơ tay lên cho cán bộ an ninh quét thiết bị điện tử cũng khiến nhiều thầy cô…chạnh lòng.

Chính vì áp lực như vậy nên nhiều giáo viên họ tìm cách thoái thác việc đi làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi.

Sự thoái thác không phải là không có trách nhiệm với ngành mà chính những áp lực khiến nhiều người họ ngại ngùng và có có cả sợ hãi khi phải làm việc trong nhiều ngày  ở một môi trường gò bó và quá căng thẳng.

Chế độ chi trả cho những thầy cô đi chấm thi có cao không?

Nhiều người cứ tưởng đi chấm thi như vậy chắc sẽ được chi trả chế độ thù lao cao lắm bởi cường độ làm việc liên tục trong nhiều ngày kể cả thứ bảy, chủ nhật.

Nhưng, thực tế những giám khảo được trả công rất bèo bọt kể cả chấm thi trung học phổ thông quốc gia và thi tuyển sinh 10, kể cả những thành phố lớn và những tỉnh còn khó khăn.

Theo Thông tư liên tịch số 66/2012/TTLT-BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục ngày 26/4/2012 thì mức chi cho chấm thi trung học phổ thông được quy định tối đa là 15 000 đồng.

Theo Công văn 2584/BGDĐT-KHTC năm 2015 hướng dẫn định mức chi lệ phí dự thi, dự tuyển và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 29 tháng 05 năm 2015 có thay đổi hơn một chút.

Bởi, Công văn 2584 hướng dẫn mức chi tối đa cho chấm tự luận là 18.000 đồng/bài; Bài thi trắc nghiệm, mức chi tối đa 4.000 đồng/bài (bao gồm cả máy móc, thiết bị chấm thi trắc nghiệm).

Từ Thông tư liên tịch và các văn bản hướng dẫn hiện hành, các địa phương xây dựng mức chi trả cho các kỳ thi ở địa phương mình.

Áp lực rất lớn nên nhiều giáo viên ngại bị điều động đi chấm thi ảnh 3Áp lực và căng thẳng của thầy cô chấm thi tuyển sinh lớp 10 không kém học trò

Vì vậy, chế độ chấm thi cho 2 kỳ thi này ở đa phần các tỉnh thường dao động từ 8000- 15 000 đồng/1 bài thi tự luận/ 2 giám khảo, rất ít địa phương chi ở mức tối đa.

Tuy nhiên, số tiền này không phải chi toàn bộ cho giám khảo mà còn chi cho một số bộ phận gián tiếp nữa.

Chẳng hạn như thành phố Hồ Chí Minh chi cho mỗi bài chấm tự luận Ngữ văn năm nay là 10.500 đồng/ 1 bài/ 2 giám khảo. Như vậy, mỗi giám khảo được 5.250 đồng/1 bài.

Tuy nhiên, thực tế thì những giám khảo chấm không nhận đủ số tiền trên số bài chấm vì Hội đồng chấm thi còn có một số bộ phận trung gian nữa cũng nằm trong số chi 10.500 đồng này.

Vì thế, sau khi chấm thi ở thành phố Hồ Chí Minh thì đã có ý kiến bớt xén thù lao của giám khảo.

Một số giáo viên đang công tác ở An Giang đã chia sẻ với chúng tôi về việc họ được phân công đi chấm thi tuyển sinh 10 môn Ngữ văn năm nay vẫn được Sở chi ở mức 8 000/ 1 bài/ 2 giám khảo.

Vì thế, mỗi giám khảo chấm thi môn Ngữ văn được 974 000 đồng/ 7 ngày chấm thi. Như vậy, mỗi ngày những thầy cô đi chấm chưa được 140 000 đồng. Trong khi phải tự túc hoàn toàn phương tiện đi lại, tiền gửi xe, cơm nước, nơi nghỉ ngơi (đối với người ở xa).

Phải nói rằng mức chi trả cho giám khảo nói riêng và những người tham gia trong hội đồng coi thi, chấm thi hiện nay chưa tương xứng với công sức và áp lực của công việc.

Bởi, trong khi giá cả leo thang như hiện nay mà những hướng dẫn chi trả cho các kỳ thi đã ra đời từ nhiều năm trước vẫn đang còn áp dụng thì có lẽ không còn phù hợp với thực tiễn.

Một vài trăm nghìn cho một ngày công với muôn vàn áp lực như vậy, nếu để xảy ra sai sót còn ảnh hưởng đến uy tín, công việc về sau nên những giáo viên được điều động đi chấm thi họ không mặn mà và tìm cách thoái thác cũng là một điều dễ hiểu.

NGUYỄN NGUYÊN