Lâu nay, trường đại học địa phương có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương và khu vực phụ cận; nghiên cứu khoa học, hợp tác và chuyển giao công nghệ để giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương, của doanh nghiệp; trở thành trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và trung tâm văn hoá của địa phương.
Trường đại học địa phương ra đời vì nhu cầu giáo dục của địa phương và hiện hữu để góp phần phát triển địa phương. Phục vụ kinh tế - xã hội địa phương, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, vừa là lý do tồn tại, vừa là động lực để phát triển bền vững của các trường đại học địa phương.
Được biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chương trình, đề án quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trong đó có quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm.
Trước đề án này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dương Đức Hùng – Đại học Hải Phòng đã phân tích rất cụ thể về vai trò của trường đại học địa phương trong việc đào tạo giáo viên phục vụ phát triển giáo dục địa phương.
Giả thiết, nếu trung bình mỗi giáo viên công tác 33 năm thì tỷ lệ nghỉ hưu trên tổng số giáo viên là 3%, tức là mỗi năm có 3% x 1.354.005 = 40.620 người. (Ảnh minh họa: Báo Than tra) |
Cụ thể, thầy Hùng nêu, theo số liệu thống kê năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy:
Cán bộ quản lý và giáo viên mầm non: 374.835 người.
Cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học: 431.568 người.
Cán bộ quản lý và giáo viên trung học cơ sở: 330.054 người.
Cán bộ quản lý và giáo viên trung học phổ thông: 158.524 người.
Cán bộ quản lý và giáo viên các trung tâm giáo dục thường xuyên và Hiệu trưởng cao đẳng: 43.408 người.
Cán bộ quản lý giáo dục khối phòng, sở, Bộ: 15.900 người.
Tổng số cán bộ quản lý và giáo viên: 1.354.005 người, trong đó biên chế là: 1.170.047 người, hợp đồng là: 183.958 người.
Trong khi hiện tổng số cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông: 133; trong đó có 15 trường đại học sư phạm; 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 30 trường cao đẳng sư phạm; 19 cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp sư phạm. Các cơ sở đào tạo phân bố dài trải ở tất cả vùng, miền, địa phương trong cả nước.
Tương lai nào cho các trường và sinh viên cao đẳng sư phạm? |
Từ số liệu nêu trên thầy Hùng nêu giả thiết, nếu trung bình mỗi giáo viên công tác 33 năm thì tỷ lệ nghỉ hưu trên tổng số giáo viên là 3%, tức là mỗi năm có 3% x 1.354.005 = 40.620 người.
Tốc độ gia tăng dân số khoảng 1%, mỗi năm nước ta có thêm khoảng 1.000.000 người, tương ứng với số giáo viên cần tăng thêm khoảng 40.000 người.
Giả thiết giáo viên rời khỏi ngành (chuyển ngành, thôi việc, nghỉ hưu sớm...) là 1% thì số giáo viên thiếu hụt do việc này là: 13.540 người.
Như vậy, tổng số giáo viên cần bổ sung hàng năm là: 94.160 người.
Số cơ sở có đào tạo giáo viên: 133
Do đó, quy mô tuyển sinh trung bình hàng năm theo nhu cầu xã hội: 94.160/133 = 708 thí sinh/năm.
Với quy mô này là khá ổn với các trường đa ngành nhưng là quá ít đối với các trường chuyên ngành. Vì vậy mô hình trường đa ngành, trong đó có đào tạo giáo viên dường như là con đường tất yếu để các trường phát triển bền vững.
Trong khi thực tế là hiện vẫn còn 183.958 người ngoài biên chế trong các trường mầm non và phổ thông.
Mặt khác vẫn còn khoảng 65.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp, tức là tổng số người cần việc chính thức khoảng 250.000 người.
Nếu mỗi năm ngành giáo dục bổ sung được 50.000 biên chế (một con số không dễ thực hiện trong bối cảnh tinh giản biên chế) trong đó có 10.000 biên chế mới, 40.000 thay thế giáo viên về hưu thì cũng phải mất 5 năm nữa, trong điều kiện các trường dừng đào tạo, chúng ta mới giải quyết xong số dôi dư này.
Nhưng các trường thì không thể dừng đào tạo. Vậy giải pháp nào cho vấn đề này.
Từ đó, thầy Hùng cho rằng, nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2024 cần tập trung vào bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên theo chương trình phổ thông mới và Sắp xếp mạng lưới các trường có đào tạo giáo viên.
Đào tạo theo đơn đặt hàng, hướng đi thiết thực cho các trường sư phạm |
Theo thầy Hùng, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra yêu cầu bắt buộc phải bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Giai đoạn 2019 - 2024 cần giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm hệ tập trung, cần tập trung vào bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên theo chương trình phổ thông mới.
Với hơn 1.200.000 giáo viên, khối lượng công việc bồi dưỡng, đào tạo lại rất lớn, đòi hỏi cả hệ thống các trường có đào tạo giáo viên phải tích cực vào cuộc mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường sư phạm trọng điểm có trách nhiệm tập huấn cho đội ngũ giảng viên các trường đại học địa phương có đào tạo giáo viên và cán bộ cốt cán của các sở giáo dục. Các trường đại học địa phương sẽ trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên trên địa bàn theo chương trình phổ thông mới.
Giai đoạn sau 2024, về cơ bản đã giải quyết xong giáo viên dôi dư và sinh viên sư phạm thất nghiệp, việc tuyển sinh sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội như tính toán ở trên”, thầy Hùng nói.
Trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp lại là cần thiết. Thầy Hùng cho rằng, sắp xếp theo 4 tiêu chí sau sẽ vừa đảm bảo yêu cầu trước mắt, vừa lâu dài.
Thứ nhất, đối với các trường Trung cấp sư phạm cần chuyển đổi mô hình sang loại hình khác như Trung tâm học tập cộng đồng hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên... Nếu không chuyển đổi được thì nên giải thể.
Thứ hai, đối với các trường Cao đẳng sư phạm trước mắt chỉ đào tạo giáo viên mầm non (theo Luật giáo dục sửa đổi, trình độ chuẩn giáo viên từ bậc tiểu học trở lên tối thiểu là đại học), về lâu dài nên chuyển đổi mô hình sang loại hình trường khác hoặc làm vệ tinh cho các trường sư phạm trọng điểm.
Thứ ba, đối với các trường đại học địa phương cần tập trung vào đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời đảm nhận việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn.
Thứ tư, đối với các trường đại học sư phạm lớn, trọng điểm cần tập trung vào đào tạo giáo viên trung học phổ thông và sau đại học; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên các trường đạị học địa phương và cốt cán giáo viên phổ thông; nghiên cứu khoa học sư phạm
Ngoài ra, trên nhiều diễn đàn có tranh luận về tính hợp pháp của việc tồn tại các trường thực hành trong các trường có đào tạo giáo viên.
Có ý kiến cho rằng, Luật giáo dục đại học quy định các trường đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, vì thế giáo dục trình độ phổ thông là sai, mà đã sai luật thì phải dẹp bỏ.
Theo thầy Hùng, trường đại học nào cũng phải có cơ sở thí nghiệm, thực hành, phòng mô phỏng.... để gắn đào tạo với thực tiễn. Trường thực hành cũng là một dạng "xưởng thực hành" của ngành đào tạo giáo viên, vì vậy không cần phải tranh luận nó có hợp pháp hoặc cần thiết hay không, mà cần khẳng định nó hợp pháp và cần thiết.