Sứ mạng của các trường cao đẳng sư phạm địa phương trong bối cảnh hiện nay

01/09/2019 07:51
Nguyễn Đình Anh
(GDVN) - Chúng tôi cho rằng, chúng ta chưa nên vội vàng sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm vào các trường đại học có đào tạo sư phạm hoặc các trường đại học sư phạm.

LTS: Trước chủ trương tiến hành quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm của Bộ Giáo dục, Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh đã có bài viết đưa ra quan điểm và góc nhìn của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngay từ lúc vừa nhận chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tiến hành ngay một số phiên họp của các vụ chức năng của Văn phòng Bộ để đưa ra tuyên bố là sẽ tiến hành quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm.

Hướng sắp xếp là sẽ chọn và giữ lại một số trường đại học để chủ trì việc đào tạo giáo viên, còn hệ thống các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm địa phương thì sẽ sáp nhập vào các trường đại học sư phạm khác.

Việc sáp nhập sẽ được diễn ra theo 2 hướng: sáp nhập trực tiếp vào một trường đại học sư phạm, hướng thứ 2 là các trường cao đẳng sư phạm sẽ thành vệ tinh của các trường đại học sư phạm.

Nghe qua nhiều người có vẻ đồng tình với chủ trương mới của Bộ Giáo dục và xem đây như là một chủ trương mới đúng đắn của Bộ để thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhưng chúng tôi thì cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo hình như đang quá vội vàng khi đề xuất chủ trương có liên quan tới một phạm vi rất lớn và một vấn đề rất hệ trọng của nền giáo dục nước nhà đó là việc quy hoạch sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm.

Quy hoạch lại các trường sư phạm để nâng cao chất lượng (Ảnh minh họa: vov.vn).
Quy hoạch lại các trường sư phạm để nâng cao chất lượng (Ảnh minh họa: vov.vn).

Bộ Giáo dục và Đào tạo vội vàng là vì khi Bộ đưa ra chủ trương quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm mà chưa đưa ra được những căn cứ khoa học và căn cứ về thực tiễn cho việc quy hoạch lại các trường sư phạm.

Muốn giải thể hoặc sáp nhập các trường sư phạm với nhau Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiến hành nghiên cứu khoa học để xác định rõ nguyên nhân vì sao phải quy hoạch lại. Bộ phải trả lời được hàng loạt câu hỏi sau đây rồi mới đưa ra chủ trương:

Có phải chỉ riêng các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang rơi vào tình trạng không tuyển được sinh viên hay kể cả các trường đại học sư phạm cũng đang nơi vào tình trạng đó?

Ai có thẩm quyền trong việc quy hoạch lại các trường đại học sư phạm?

Ai có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm trong việc giải quyết số phận của các trường cao đẳng sư phạm địa phương?

Nguồn lực tài chính nào để giải quyết những hệ lụy do việc quy hoạch lại đặt ra?

Tiêu chí nào để làm căn cứ chọn lựa các trường đại học sư phạm được giữ lại làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên?

Căn cứ vào đâu để giải thể các trường sư phạm hoặc căn cứ vào đâu để buộc các trường cao đẳng sư phạm địa phương phải sáp nhập vào trường đại học sư phạm khác trong khu vực?

Nhập các trường cao đẳng sư phạm vào các trường đại học sư phạm có làm tăng thêm năng lực cạnh tranh, tăng thêm khả năng thu hút sinh viên cho các trường đại học sư phạm hay không?

Khi sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghĩ tới giải pháp bố trí việc làm của hàng chục ngàn giảng viên cao đẳng sư phạm địa phương và ngân sách trả lương cho số giảng viên đó?

Lương của hàng chục ngàn giảng viên đó lâu nay do ai chi trả?

Việc sáp nhập nên tiến hành theo phương án nào là hợp lý, là thuận lợi trên địa bàn của từng địa phương, cho việc xử lý việc dôi dư đến hàng chục ngàn giảng viên của khối các trường cao đẳng địa phương; trong khi đó đội ngũ giảng viên các trường cao đẳng sư phạm là một bộ phận nhân lực trình độ cao của các tỉnh?

Theo ý chúng tôi, trước tình hình dôi thừa giáo viên lâu dài, sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, chỉ tiêu đào tạo giáo viên hàng năm có sụt giảm và chuẩn giáo viên tiểu học là phải đạt trình độ đại học việc sắp xếp lại mạng lưới hệ thống các trường sư phạm trong cả nước là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Sắp xếp lại trường sư phạm không được làm suy giảm năng lực của ngành giáo dục
Sắp xếp lại trường sư phạm không được làm suy giảm năng lực của ngành giáo dục

Nhưng, sắp xếp như thế nào cho hợp lý và không làm ảnh hưởng nhiều tới việc làm của hàng chục ngàn giảng viên các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm phải là điều được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Chính quyền các địa phương quan tâm hàng đầu.

Chứ không thể giải thể các trường cao đẳng sư phạm địa phương một cách dễ dàng như cách đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo vậy.

Bởi vì, các địa phương phải mất hàng chục năm trời, phải mất rất nhiều công sức tiền của để xây dựng đội ngũ giáo viên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nên phải có một phương án khoa học nhất, phải có bước đi và sự tính toán một cách hết sức thận trọng cho công việc này.

Hơn nữa các trường cao đẳng sư phạm phần đông là trường của các địa phương, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể tự ý mà đưa ra chủ trương quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm theo ý riêng của mình mà còn phải có sự lựa chọn của chính quyền địa phương cấp tỉnh đối với các phương án liên quan tới việc giải quyết sứ mạng của các trường cao đẳng sư phạm để tránh được sự lãng phí ngân sách, lãng phí nguồn lực mà các tỉnh đã đầu tư vào các trường cao đẳng sư phạm trong hàng chục năm qua một cách không cần thiết.

Giải quyết tình huống bế tắc mang tính lịch sử đang đặt ra cho các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm nên chăng chúng ta phải nhìn nhận xác định cho đúng nhiệm vụ trọng tâm của các trường sư phạm trong giai đoạn hiện nay và thực hiện các bước đi sau đây:

Hiện nay, các trường đại học sư phạm và các trường cao đẳng sư phạm địa phương vẫn đang phải gánh vác một nhiệm vụ hết sức nặng nề chứ họ không phải đã hoàn toàn rơi vào tình trạng bế tắc là không có việc làm.

Nhiệm vụ của các trường sư phạm trong giai đoạn hiện nay có một trọng trách lớn là đảm nhận bồi dưỡng giáo viên phục vụ cho việc triển khai chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới.

Mỗi tỉnh hiện nay cũng cần phải bồi dưỡng cho hàng chục ngàn giáo viên các cấp để thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

Kiến thức bồi dưỡng cho giáo viên dạy thay sách mới không phải là một khối lượng kiến thức tương đương của một khóa đào tạo trình độ đại học cho nên các trường cao đẳng sư phạm địa phương vẫn đảm nhận được nhiệm vụ này trong vòng ít nhất là 5 năm nữa.

Trong số các trường cao đẳng sư phạm của các địa phương đến thời điểm này tuy chưa làm thủ tục nâng lên thành trường đại học sư phạm nhưng rất nhiều trường đã có đủ các điều kiện và năng lực đào tạo ngang hàng với các trường sư phạm hiện hành và ngược lại còn có năng lực và kinh nghiệm đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hơn hẳn rất nhiều trường đại học sư phạm và các trường đại học có khoa đào tạo ngành sư phạm.

Tương lai nào cho các trường và sinh viên cao đẳng sư phạm?
Tương lai nào cho các trường và sinh viên cao đẳng sư phạm?

Các trường cao đẳng sư phạm đã thực sự đủ các điều kiện để nâng lên đại học thì Thủ tướng Chính phủ cần làm thủ tục nâng lên đại học cho các trường đó.

Để trong thời gian sắp tới khi tỉnh có nhu cầu đào tạo tiếp giáo viên thì họ sẽ được quyền tiếp nhận sinh viên để đào tạo trình độ đại học.

Các tỉnh vừa có trường cao đẳng sư phạm và có trường đại sư phạm vùng đang cùng tồn tại trên địa phương thì không nên vội vàng sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào trường đại học sự phạm hoặc trường đại học có khoa đào tạo sư phạm.

Chưa vội vàng sáp nhập là vì những lý do sau:

Nếu sáp nhập thì các trường đại học sư phạm sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết các vấn đề liên quan của một đơn vị sau sáp nhập (lương của giáo viên của bộ phận cao đẳng sư phạm lấy từ nguồn ngân sách nào: lấy từ Bộ Giáo dục và Đào tạo hay các tỉnh lại tiếp tục cấp ngân sách trả lương cho họ… trong lúc đó hàng chục năm qua ngân sách đầu tư cho các trường đại học là do Trung ương, ngân sách đầu tư cho các trường cao đẳng sư phạm là do các địa phương).

Luật ngân sách có cho phép các trường đại học trả lương cho số giáo viên cao đẳng sư phạm chuyển sang vì dôi dư giáo viên không?

Sau khi sáp nhập các trường cao đẳng vào các trường đại học đóng trên cùng một địa phương mà tình trạng thiếu nguồn tuyển sinh, giảng viên vẫn tiếp tục không có việc làm thì đội ngũ giảng viên dôi dư có hướng nào để giải quyết để bảo đảm việc làm cho họ? Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải quyết được không hay lại trả về cho các tỉnh?

Trong bối cảnh thiếu nguồn tuyển sinh lâu dài thì việc sáp nhập cao đẳng sư phạm vào đại học sư phạm có đưa các trường đại học sau sáp nhập mạnh lên được không?

Có thực hiện được quyền tự chủ để chăm lo đời sống cho một đội ngũ giảng viên gần gấp đôi trước khi sáp nhập hay không?

Đó là chưa nói tới việc các trường đại học sư phạm vùng này đã chuyển đổi thành trường đại học đa ngành. Năng lực sư phạm của các trường đó không còn giữ nguyên được thương hiệu như trước đây nữa thì có nên sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm vào các trường đại học đa ngành có đào tạo ngành sư phạm hay không?

Chúng tôi cho rằng, chúng ta chưa nên vội vàng sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm vào các trường đại học có đào tạo sư phạm hoặc các trường đại học sư phạm mà để các trường cao đẳng sư phạm tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:

Đào tạo theo đơn đặt hàng, hướng đi thiết thực cho các trường sư phạm
Đào tạo theo đơn đặt hàng, hướng đi thiết thực cho các trường sư phạm

Tập trung mọi tiềm lực cho việc bồi dưỡng và bồi dưỡng lại cho giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phục vụ cho việc triển khai chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới.

Tiếp tục xây dựng các điều kiện để nâng lên đại học.

Cử một bộ phận lớn giảng viên của trường đi đào tạo trình độ tiến sỹ, giáo sư và một bộ phận giáo viên khác của trường cao đẳng sư phạm đi học thêm bằng 2 (đại học, thạc sỹ, tiến sỹ) 2 ngành Ngoại ngữ, Tin học góp phần nâng chất lượng đội ngũ giảng viên để các trường cao đẳng sư phạm nâng lên đại học.

Khi cần thiết sẽ chuyển dần số giảng viên có trình độ cao và giáo viên có trình độ về các trường thuộc hệ thống trường đào tạo nghề nghiệp hoặc các trường trung học phổ thông của tỉnh.

Bởi, không có lý nào chúng ta lại loại bỏ đội ngũ giảng viên các trường cao đẳng sư phạm trong chiến lược tinh giản biên chế mà cả nước hiện nay đang triển khai.

Nếu sáp nhập cao đẳng sư phạm vào các trường đại học thì chắc chắn các trường đại học sẽ không đủ điều kiện để giải quyết thỏa đáng những bất cập này.

Nguyễn Đình Anh