Theo lộ trình thì từ ngày 1/7/2020 tới đây, phụ cấp thâm niên của giáo viên sẽ không còn nữa nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của hàng trăm ngàn giáo viên trên cả nước, nhất là những giáo viên có thâm niên công tác trong ngành lâu năm.
Chính vì thế, một số bài viết về chế độ tiền lương đăng trên giaoduc.net.vn trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Song, nhìn nhận khách quan thì việc bỏ thâm niên nhà giáo cũng là điều cần thiết. Nó không chỉ tạo ra sự công bằng so với một số ngành nghề khác và cũng tạo ra sự công bằng cho chính những người trong nghề.
Bởi, bên cạnh những thầy cô lớn tuổi đang là “cây đa, cây đề” trong trường học, là tấm gương cho giáo viên trẻ noi theo thì vẫn có một số thầy cô lớn tuổi lương cao gấp nhiều lần giáo viên trẻ nhưng đang thiếu động lực phấn đấu, làm tàng tàng…chờ nghỉ hưu.
Các nhà giáo sẽ không còn phụ cấp thâm niên từ ngày 1/7/2020 tới đây (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại). |
Không phải giáo viên lớn tuổi nào cũng nhiều kinh nghiệm và là tấm gương cho giáo viên trẻ
Từ ngày 1/7/2020 tới đây, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực thì giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nữa. Tất nhiên, đây sẽ là thiệt thòi cho hàng trăm nghìn nhà giáo đã công tác trong ngành giáo dục hàng chục năm trời.
Vậy nên, sau những bài viết về việc bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo thì chúng ta vẫn thấy nhiều phản hồi của bạn đọc cho rằng giáo viên già có kinh nghiệm, giáo viên trẻ không có kinh nghiệm mà bỏ phụ cấp thâm niên là không công bằng và gây thiệt thòi cho giáo viên lớn tuổi.
Chúng tôi cho rằng ý kiến này chỉ đúng có một nửa. Giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm thật- chúng tôi không phủ nhận điều này nhưng kinh nghiệm phải đi đôi với công việc thực tế giảng dạy tại trường và phải có khát khao được cống hiến chứ không thể chỉ tồn tại trên lý thuyết viển vông mà thôi.
Nhiều thầy cô lớn tuổi vừa có thâm niên trong nghề cao, vừa truyền lửa nghề và chia sẻ kinh nghiệm cho giáo viên trẻ, họ vẫn không ngừng học tập, trau dồi những kiến thức chuyên ngành, am hiểu công nghệ thông tin- những thầy cô như vậy khiến cho giáo viên trẻ cảm phục.
Nhưng, cũng không ít giáo viên lớn tuổi hiện nay rất bảo thủ và không chịu làm việc, không chịu làm mới mình.
Ngoài chuyện dạy các tiết được phân công thì Ban giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn giao cho việc gì cũng toàn tìm cách thoái thác.
Giao cái gì thì họ cũng thường tìm lý do để chối từ, nhiều người lấy lý do lớn tuổi, để cho các em trẻ làm. Một số giáo viên lớn tuổi xin không chủ nhiệm lớp, xin dạy ít tiết và họ thường đùn đẩy công việc cho giáo viên trẻ.
Trong giảng dạy thì vẫn có những thầy cô ngồi đọc từng dòng giáo án cho học sinh chép bài và không biết gì về công nghệ thông tin, không chịu đổi mới phương pháp giảng dạy.
Thậm chí có những giáo viên phải thuê đồng nghiệp soạn, in giáo án vì bản thân không làm được…
Nếu gặp những thầy cô như vậy mà lương cao gấp vài lần giáo viên trẻ nhiệt tình giỏi phương pháp, giỏi công nghệ thông tin liệu có công bằng hay không?
Thực tế trong trường phổ thông hiện nay có nhiều thầy cô có hệ số lương vượt khung, mỗi tháng trên chục triệu đồng nhưng làm việc thua xa những thầy cô lương 3-4 triệu đồng!
Những ngày qua, khi mà học sinh phải nghỉ học ở nhà, ngành giáo dục đang thực hiện việc dạy trực tuyến, nếu phụ huynh và giáo viên trên cả nước để ý xem có mấy giáo viên lớn tuổi cáng đáng được việc này.
Đa phần là giáo viên trẻ tuổi dạy trực tuyến. Phần vì công nghệ thông tin của những thầy cô lớn tuổi yếu, phần vì những thầy cô này vẫn “nhường phần” cho giáo viên trẻ làm thay.
Câu nói: “thầy già con hát trẻ” bây giờ có lẽ chỉ còn đúng một phần mà thôi. Bởi ngày xưa người thầy phải tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm mới có được.
Bây giờ, chỉ vài năm là giáo viên trẻ họ làm tốt được công việc của mình vì họ năng động và họ có thể học tập, bắt chước nhiều phương pháp dạy học hay đang hiện hữu trên mạng Intenet…
Chính vì thế, học sinh bao giờ cũng thích giáo viên trẻ tuổi, họ không chỉ tâm lý với học trò mà cái chính là cách dạy, cách tiếp cận vấn đề, cách truyền đạt của giáo viên trẻ thường giúp học sinh dễ hiểu, dễ tiếp cập hơn.
Bỏ phụ cấp thâm niên sẽ rút ngắn khoảng cách về lương
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 25/5/2018 thì từ năm 2021, phụ cấp thâm niên chỉ có công an, quân đội… là còn được hưởng. Giáo viên sẽ không còn khoản tiền phụ cấp này nữa và sau ngày 1/7/2020 tới đây thì sẽ bị cắt.
|
Tuy nhiên, giáo viên vẫn còn phụ cấp đặc thù nghề (phụ cấp ưu đãi ngành) dao động khoảng 30-45 % (tùy từng cấp học) nên đây cũng được xem là chính sách đãi ngộ so với các ngành nghề khác.
Cùng với việc cắt giảm phụ cấp thâm niên thì tới đây các thầy cô giáo sẽ được trả lương theo vị trí việc làm. Điều này cũng đồng nghĩa là hết cái thời cứ nhiều năm công tác là có lương cao, miễn là mình đã vào được biên chế hay hợp đồng không xác định thời hạn.
Chế độ tiền lương mới sẽ là động lực cho mọi người phấn đấu, tạo sự bứt phá cho mọi ngành nghề chứ không riêng gì ngành giáo dục.
Nó sẽ làm cho mọi người phải cố gắng vươn lên nếu không muốn mình bị bỏ lại phía sau. Những tư tưởng bằng lòng, không có động lực phấn đấu, không chịu làm việc ắt sẽ bị đào thải.
Không có chính sách nào có thể làm vui lòng tất cả mọi người, nhất là đối với ngành giáo dục đang có hơn 1 triệu giáo viên công tác, chiếm hơn một nửa biên chế cả nước.
Vì thế, việc bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo có lẽ khiến nhiều người buồn nhưng cũng sẽ có lắm người vui vì nó tiệm cận đến chữ... công bằng trong quá trình công tác.
Ai rồi cũng sẽ già- điều đó đã là quy luật khắc nghiệt của tự nhiên nhưng cứ già là lương cao như hiện nay sẽ tạo ra nhiều bất công và cũng tạo ra sức ì cho nhều người.
Vì thế, việc bỏ phụ cấp thâm niên của nhà giáo cũng là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.