Bớt đầu điểm, giảm tải áp lực và trao quyền chủ động cho giáo viên là cần thiết

23/05/2020 06:47
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Thông tư 58 là phù hợp với thực tiễn, khi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiếp cận khác với chương trình cũ.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ánh Hoàng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, dự thảo thông tư đã tiếp cận theo xu hướng đổi mới trong kiểm tra, đánh giá, phù hợp với tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thầy Nguyễn Ánh Hoàng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: A.H

Thầy Nguyễn Ánh Hoàng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: A.H

Thầy Hoàng chia sẻ: “Ở các trường đại học đã có quy chế đào tạo theo tín chỉ, nội dung kiểm tra đánh giá đã được giải quyết cơ bản, triệt để. Nhưng ở các trường phổ thông thì rất khó để điều chỉnh được ngay.

Thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Thông tư 58 là phù hợp với thực tiễn, khi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiếp cận khác với chương trình cũ. Vì vậy, sự thay đổi trong nhận xét, kiểm tra đánh giá là thiết yếu”.

Một trong những thay đổi quan trọng của dự thảo là giảm số đầu điểm cho mỗi môn học. Có nhiều đầu điểm quá sẽ rất vất vả cho giáo viên. Đặc biệt là với giáo viên chấm các bài tự luận.

Một lớp có 40-45 học sinh, mỗi học sinh viết 1-2 tờ giấy. Một giáo viên có thể dạy 6 lớp, nhân lên con số không nhỏ. Giáo viên phải chấm, nhận xét trả bài trong vài hôm sẽ rất vất vả.

Thầy Hoàng phân tích, dự thảo mới cho phép đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Có thể theo hình thức hỏi đáp, thuyết trình, nộp sản phẩm…trao quyền chủ động cho giáo viên, kết hợp linh hoạt giữa điểm số và nhận xét.

“Cái hay của dự thảo là kết hợp được cả định tính và định lượng, coi trọng sự tiến bộ, nỗ lực của người học, đánh giá cả quá trình, coi việc đánh giá là một công cụ quản lý học tập hiệu quả. Đó là những ưu điểm mà ai cũng nhận ra của dự thảo.

Dự thảo đề cập đến hình thức đánh giá qua máy tính, khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin, nhiều nơi có thể băn khoăn vì cơ sở vật chất của các trường chưa đáp ứng được hết.

Nhưng thông tư ban hành thì phải có tính dài hạn, quy định có tính mở như vậy là phù hợp. Vì thế, nơi nào đủ điều kiện hoàn toàn có thể áp dụng ngay”, thầy Hoàng nêu quan điểm.

Cùng với đó, dự thảo quy định thời gian cho kiểm tra bài giữa kỳ và cuối kỳ cũng được điều chỉnh, phụ thuộc vào từng môn học.

Đối với những môn học có dưới 70 tiết/năm học thì đề kiểm tra giữa kỳ chỉ dưới 45 phút, đề cuối kỳ không vượt quá 60 phút. Những môn nhiều tiết hơn thì đề giữa kỳ không quá 60 phút và cuối kỳ không quá 90 phút.

Trước đây, không có hướng dẫn chi tiết và độ mở như dự thảo mới.

Ngoài ra, một số thuật ngữ được thay đổi so với Thông tư cũ cũng là phù hợp với thực tiễn. Ví dụ như thay thế từ “yếu” bằng “cần rèn luyện thêm” tránh gây tổn thương trẻ.

Thầy Hoàng đánh giá cao tinh thần đổi mới, tiến bộ, giảm tải áp lực cho học sinh, giáo viên của dự thảo.

Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, thầy Nguyễn Ánh Hoàng bày tỏ một số điểm băn khoăn

Dự thảo đã đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá người học nhưng hiện tại các kỳ thi mang tính chuẩn hóa như kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh vào đại học lại thiên về định lượng là điểm số. Chủ yếu là kiểm tra qua hình thức viết, tự luận.

Việc đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá là rất tốt nhưng trong điều kiện thực tế lại chưa tiệm cận xuyên suốt trong công tác quản lý, điều hành.

Vì thế, thầy Hoàng e ngại, dù đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá nhưng các cơ sở giáo dục sẽ vẫn có thiên hướng là coi trọng kiểm tra viết nhiều hơn, để rèn học sinh.

Bởi hình thức kiểm tra viết sẽ trùng với hình thức kiểm tra, đánh giá của các kỳ thi vào lớp 10, tốt nghiệp, tuyển sinh đại học.

Các hình thức đánh giá mới có thể sẽ được các cơ sở giáo dục vận dụng nhiều cho các môn không thi tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp hoặc với khối lớp dưới. Đến gần năm cuối cấp, các giáo viên sẽ có thiên hướng quay trở lại cách kiểm tra, đánh giá cũ.

"Các trường sẽ có thiên hướng tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ trùng với kiểm tra đánh giá cấp cao hơn sau này để các em rèn kỹ năng làm bài tốt hơn, không bị bỡ ngỡ.

Điều này sẽ gây không ít khó khăn khi thực hiện các đổi mới trong đánh giá, nhận xét học sinh khi thực hiện.

Cùng với đó, việc đánh giá nhận xét học sinh cần một quá trình theo dõi nhưng trong điều kiện nhiều nơi thiếu, xáo trộn giáo viên thì hiệu quả sẽ chỉ có thể ở một mức độ nhất định.

Thay đổi cách đánh giá người học từ việc cho điểm sang động viên, khen, khích lệ, ghi chép, nhận xét cụ thể nhưng nếu không có hướng dẫn cụ thể, khoa học, phù hợp thì tinh giản được bài kiểm tra, số đầu điểm nhưng ghi chép, nhận xét của giáo viên cần chi tiết hơn. Giáo viên có thể sẽ vất hơn trước", thầy Hoàng chia sẻ.

Đỗ Thơm