Phải chấm dứt tình trạng giáo viên chủ nhiệm ở Tiểu học xin điều chỉnh kết quả

10/06/2020 06:28
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều em không thể xếp được ở mức “T” nhưng vì giáo viên chủ nhiệm xin, thành ra họ phải sửa để nâng từ mức “H” lên mức “T” - dù trong lòng họ không hề muốn.

Thời điểm này, đối với các trường tiểu học đã hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập giữa kỳ cho học sinh nhưng chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là các trường sẽ tổng kết năm học.

Điều mà mọi người vẫn chứng kiến hàng năm là ở buổi tổng kết năm học thì luôn thấy tình trạng loạn khen thưởng học sinh với vàn các danh hiệu khác nhau.

Để có được những danh hiệu này, có những học sinh tự thân phấn đấu, học tập nhưng cũng có một số lượng lớn học sinh được thầy cô chủ nhiệm lớp xin các thầy cô bộ môn.

Chính vì thế, ngày 5/6/2020 vừa qua thì Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã ra công văn chấn chỉnh về sự việc này và chúng tôi cho rằng đây là điều bắt buộc các địa phương phải cần chấn chỉnh chứ không riêng gì Khánh Hòa.

Tình trạng "xuất sắc" ảo ở Tiểu học hiện nay rất nhiều (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Tình trạng "xuất sắc" ảo ở Tiểu học hiện nay rất nhiều

(Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Tại công văn số 1335 /SGDĐT-GDMNTH hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối năm học cấp tiểu học ngày 5 tháng 6 năm 2020 đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa hướng dẫn khá cụ thể.

Công văn viết: “Để việc khen thưởng học sinh cuối năm học đảm bảo thực chất và có ý nghĩa thiết thực, Phòng Giáo dục – Đào tạo cần chỉ đạo sâu sát và yêu cầu các cơ sở giáo dục tiểu học, các giáo viên thực hiện đúng quy định.

Chấm dứt hiện tượng giáo viên chủ nhiệm xin giáo viên bộ môn điều chỉnh kết quả đánh giá học tập để nâng mức khen thưởng cho học sinh; kiên quyết khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, tránh khen tràn lan gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong xã hội và phụ huynh học sinh.

Các cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở giáo dục tiểu học chịu trách nhiệm trước các cấp quản lý giáo dục về việc minh bạch, khách quan, trung thực trong đánh giá kết quả giáo dục và khen thưởng học sinh cuối năm học”.

Rõ ràng, việc Sở Giáo dục Khánh Hòa ra công văn chỉ đạo các Phòng Giáo dục, các nhà trường chấm dứt tình trạng xin điểm trong các trường tiểu học là hoàn toàn chính xác và họ đã nhìn thấy vấn đề bất cập ở cơ sở.

Từ đây, tiến tới chấm dứt tình trạng nhức nhối hàng năm là giáo viên các môn chuyên liên tục phải sửa kết quả giảng dạy của mình theo ý kiến của giáo viên chủ nhiệm từ mức hoàn thành “H” sang mức hoàn thành tốt “T” để khen thưởng học trò.

Vì theo Thông tư 22 của Bộ Giáo dục thì học sinh được khen thưởng danh hiệu “Xuất sắc” bắt buộc các môn cho điểm phải đạt từ 9 điểm trở lên, các môn nhận xét phải được mức “T”.

Chính vì quy định như vậy nên nhiều giáo viên bộ môn: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục phải điều chỉnh kết quả giảng dạy của mình theo đề nghị của giáo viên chủ nhiệm.

Nhiều em không thể xếp được ở mức “T” nhưng vì giáo viên chủ nhiệm xin, thành ra họ phải sửa để nâng từ mức “H” lên mức “T”- dù trong lòng họ không hề muốn.

Nếu giáo viên bộ môn không cho thì sức ép của Ban giám hiệu và những lời không mấy hay ho của giáo viên chủ nhiệm cho rằng mấy môn phụ mà này nọ… khiến cho nhiều giáo viên bộ môn cảm thấy nản lòng.

Nhiều học sinh được giáo viên chủ nhiệm lên danh sách trước để gửi cho giáo viên bộ môn nhưng cũng có học sinh sau khi kiểm tra học kỳ các môn cho điểm được 9 thì lại đến xin bổ sung thành ra họ phải kết quả đánh giá, xếp loại.

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua và gần như trường nào cũng có tình trạng này.

Bởi một thực tế không mấy em học “xuất sắc” được tất cả các môn học, trong khi nhà trường lại luôn trọng thành tích để báo cáo, tổng kết, khen thưởng cho học trò.

Vì thế, xếp loại cuối năm ở tiểu học bây giờ có nhiều trường học đến 2/3 lớp được xếp loại xuất sắc, có những lớp gần hết lớp được xếp loại xuất sắc

Những trường ở khu vực có điều kiện, những học sinh tham gia đi học thêm nhà thầy cô chủ nhiệm nhiều thì lớp được khen thưởng nhiều. Hiện tượng xin xỏ kết quả đánh giá cuối kỳ, cuối năm càng lắm.

Vì ở tiểu học thì thầy cô chủ nhiệm ra đề, gác kiểm tra, chấm kiểm tra và tổng kết điểm cho học trò nên thực tế muốn em nào được khen thưởng là nằm trong tầm tay của họ.

Một số giáo viên chủ nhiệm không hề ngại ngùng khi cuối năm lập danh sách gửi cho giáo viên bộ môn về những em cần được xếp loại T để khen thưởng- dù biết rằng có nhiều em không hề xứng đáng với danh hiệu được khen.

Hậu quả của việc làm này là có nhiều em học sinh học lơ mơ nhưng vì học thêm, vì em đó là con của vị này, vị kia…nên cuối năm vẫn đề nghị khen thưởng.

Học sinh có danh hiệu cao nhất rồi nên cũng lơ là trong học tập, một số phụ huynh thì cứ ngỡ con mình học “xuất sắc” nên năm nay được khen, sang năm không được khen là đổ lỗi tại giáo viên này dạy yếu hơn giáo viên kia…

Vì thế, có lẽ không chỉ Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa mà chúng tôi hy vọng ngành Giáo dục và tất cả các địa phương trên cả nước cần chấn chỉnh tình trạng này càng sớm càng tốt.

Hãy để cho giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục có cái quyền được đánh giá chính xác học trò mà mình dạy.

Ban giám hiệu đừng tác động, đừng chỉ đạo điều chỉnh kết quả học tập của học trò, giáo viên chủ nhiệm hãy trung thực đừng vì một lý do nào đó mà góp phần làm cho ngành Giáo dục mất đi niềm tin của xã hội.

Đánh giá kết quả học tập của học sinh đúng, chính xác, khách quan ngay từ cấp tiểu học sẽ giúp cho phụ huynh có cái nhìn nhận đúng về kết quả học tập của con em mình để có những định hướng cần thiết.

Các thầy cô dạy ở các cấp học sau cũng đỡ phải vất vả hơn khi mà nhận học trò đầu lớp 6 thì đa phần là xuất sắc mà kiểm tra khảo sát đầu năm thì phần lớn là điểm yếu kém, nhiều học sinh không nắm được kiến thức sơ đẳng nhất của kiến thức môn học.

Tài liệu tham khảo:

//sgddt.khanhhoa.gov.vn/upload/19969/20200605/1335-GDMNTH-05-6-2020_1a58638c69.pdf

THANH AN