Bộ muốn sửa thông tư, cần lắng nghe ý kiến các trường, cha mẹ học sinh

11/07/2020 07:04
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quy định đóng cửa trường học nghỉ cả 3 tháng hè thì giống như mỗi năm một lần “đại họa” lại giáng xuống các trường ngoài công lập".

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian tập trung học sinh, để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9. Các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng.

Với các trường tư thục, Bộ sẽ xem xét sửa đổi Thông tư 13/2011 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.

Trước những thông tin như vậy nhiều trường tư thục tỏ ra lo lắng, hoang mang khi không được dạy trước khai giảng.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu mở đầu buổi Tọa đàm. Ảnh: Tùng Dương.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu mở đầu buổi Tọa đàm. Ảnh: Tùng Dương.

Tại buổi Tọa đàm “Nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh, nhà trường và quy định ngày tựu trường đối với khối phổ thông tư thục” do Giáo dục Việt Nam tổ chức, nhiều Đại biểu Quốc hội cùng các nhà quản lý trường tư thục đã tham dự và đóng góp ý kiến về vấn đề này.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Marie Curie (Hà Nội) cho biết: “Dịch Covid-19 làm không ít trường tư thục phá sản hoặc đứng trước nguy cơ này.

Rất nhiều trường tư thục phải rất cố gắng mới có thể vượt qua và giờ đây đang dần từng bước hồi phục lại mặc dù thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Đặc thù của trường tư thục là “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ". Dịch Covid-19 là một đại họa ảnh hưởng đến các trường và đời sống của các giáo viên nhưng xác suất cả thế kỷ mới gặp một lần.

Nhưng bây giờ quy định đóng cửa trường nghỉ cả 3 tháng hè thì giống như mỗi năm một lần “đại họa” lại giáng xuống các trường ngoài công lập.

Những năm gần đây, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn cho con nghỉ hè ngắn thôi và đi học sớm vì thuận tiện hơn cho công việc gia đình, đồng thời cũng yên tâm hơn khi con không bị căng thẳng về khối lượng kiến thức sau đợt nghỉ dài.

Nhiều trường tư thục khác cũng hoạt động tương tự, điều đó cho thấy nhu cầu của các gia đình rất lớn.

Trước những thực tế và nhu cầu của cha mẹ học sinh như vậy, thầy Khang kiến nghị: “ Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên quy định trường tư thục được phép tựu trường, học trước trường công lập 4 tuần như thông tư 13/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành”.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Marie Curie (Hà Nội) đang trình bày kiến nghị. Ảnh: Tùng Dương.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Marie Curie (Hà Nội) đang trình bày kiến nghị. Ảnh: Tùng Dương.

Đồng quan điểm trên, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi không ham chuyện đưa kiến thức mới vào cho học sinh trước ngày khai giảng năm học.

Trong những năn qua, trường tôi đón rất nhiều đoàn học sinh từ các nước tiên tiến sang giao lưu, mặc dù các em lần đầu tới một đất nước xa lạ nhưng với tấm bản đồ trên tay là các em đã có thể tự đi khắp nơi mà không bị trở ngại gì.

Điều đó cho thấy những kỹ năng sống tồn tại của các em rất tốt, trong khi học sinh của chúng ta hiện nay rất thiếu điều đó, thực sự trẻ em của chúng ta rất thiệt thòi.

Chúng tôi thực hiện chương trình cùng với cha mẹ học sinh để đào tạo kỹ năng sống cho các em, tất nhiên là vào những tháng nghỉ hè ngoài chương trình học chính khóa.

Cha mẹ học sinh là người nắm giữ kinh phí và tự đi tìm người có chuyên môn giỏi về phòng vệ, phòng cháy chữa cháy, kỹ năng sinh tồn, tâm sinh lý lứa tuổi…mượn địa điểm trường để mở lớp ngoại khóa này.

Vậy có thể nói suốt 12 năm học phổ thông, các em học sinh có rất nhiều kiến thức cuộc sống cần phải được đào tạo ngoài những kiến thức trong nhà trường.

Theo tôi phần kiến thức trong nhà trường của chúng ta hiện nay cần có sự bổ sung, chứ không phải đào tạo một em ra đời nhưng chưa chắc đã ứng phó với mọi việc một cách thuận lợi.

Có thể nói hệ thống trường tư thục hơn hẳn những trường ngoài chỉ biết gói gọn trong chương trình với mục đích thi đỗ.

Còn chúng tôi khác, làm thế nào để khi tốt nghiệp trong nhà trường ra các em học sinh còn có thêm nhiều kỹ năng khác nữa phục vụ cuộc sống hội nhập toàn cầu.

Chính vì cần thiết phải trang bị những kỹ năng đó nên chúng tôi rất cần có thời gian ngoài chương trình chính khóa”.

Các đại biểu đến dự buổi Tọa đàm :“Nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh, nhà trường và quy định ngày tựu trường đối với khối phổ thông tư thục” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức. Ảnh: Tùng Dương.

Các đại biểu đến dự buổi Tọa đàm :“Nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh, nhà trường và quy định ngày tựu trường đối với khối phổ thông tư thục” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức. Ảnh: Tùng Dương.

Theo thầy Cường: “Một bộ phận lớn cha mẹ học sinh hiện nay rất lúng túng với việc trông nom các con trong những đợt nghỉ dài.

Rất nhiều giáo viên trường tôi cũng vậy, khi con được nghỉ một thời gian là họ lúng túng, mặc dù công tác trong ngành giáo dục, biết trước quy luật nghỉ trong năm học nhưng họ cũng không biết phải xoay xở thế nào.

Nhu cầu của cha mẹ học sinh là có nghỉ một thời gian nào đó ngắn thôi, đồng thời họ cũng có nhu cầu cho các con học thêm kỹ năng sống và còn nhiều môn năng khiếu khác nữa”.

Thầy Cường cho biết: “Trong thông tư 13 của Bộ Giáo dục tại khoản 3 có 2 ý là trường Trung học được làm còn trường Tiểu học không được làm.

Vậy nên tôi muốn Bộ sửa cho Tiểu học cũng được làm, bởi vì 3 tháng hè như vậy rất nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con tham gia các lớp năng khiếu của trường, các cháu Tiểu học cũng rất cần chứ đâu phải chỉ có Trung học.

Phải sửa thêm là các trường phổ thông tư thục chứ không phải chỉ có các trường Trung học, mà phải theo hướng tốt lên chứ không phải là sửa theo hướng tiêu cực”.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (người đầu tiên bên phải ảnh) và các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Tùng Dương.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (người đầu tiên bên phải ảnh) và các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Tùng Dương.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, chia sẻ quan điểm: “ Nếu để học sinh nghỉ học 3 tháng hè và đóng cửa trường thì hoàn toàn không phải là hướng đi hội nhập.

Nhiều nước trên thế giới họ không làm như vậy mà chia làm nhiều kỳ nghỉ ngắn trong năm, nếu nghỉ dài quá học sinh dễ vướng vào các tệ nạn và đặc biệt là không có ai trông.

Tôi đồng tình với Bộ Giáo dục là không nên dạy trước kiến thức mới, nhưng như vậy không có nghĩa là không tập hợp các em để tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo yêu cầu của phụ huynh trong 3 tháng hè.

Các em rất cần những kỹ năng phát triển toàn diện mà trong năm học các em không có thời gian dành cho việc đó”.

Theo thầy Lâm: “Trường công lập cũng nên tổ chức các hoạt động hè như vậy chứ không phải chỉ riêng tư thục, học sinh cần sự phát triển toàn diện như nhau, không nên đóng cửa trường trong 3 tháng hè.

Các trường nên tận dụng cơ sở vật chất để tránh lãng phí, mục tiêu của chúng ta là phát triển nhân cách học trò, chứ không phải là cho các em nghỉ ngơi dài trong khi lứa tuổi này rất cần học tập.

Em nào cần nghỉ ngơi hoặc đi chơi với gia đình trong dịp hè thì là việc khác, còn nhìn chung diện rộng thì nhà trường vẫn phải tổ chức các lớp ngoại khóa, đây là việc chung của ngành giáo dục đáng phải lưu tâm.

Ngay như trường của tôi trong mấy tháng hè các em được tham gia học tất cả các môn mình thích, như học bơi, học khiêu vũ thể thao, học bóng rổ, học nhạc, học vẽ, học thiết kế đồ họa…

Tâm lý cha mẹ học sinh cũng yên tâm hơn hẳn vì đã đến trường là con em mình được nhà trường trông nom an toàn, phòng tránh được nhiều tệ nạn”.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13: "Bộ nên lắng nghe ý kiến đóng góp khảo sát trước rồi mới làm Luật, và trong trường hợp cụ thể này Bộ nên lắng nghe đối tượng bị tác động bởi Thông tư hoặc quy chế Bộ ban ra, đối tượng ở đây là học sinh và cha mẹ các em, cũng như các giáo viên bị ảnh hưởng". Ảnh: Tùng Dương.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13: "Bộ nên lắng nghe ý kiến đóng góp khảo sát trước rồi mới làm Luật, và trong trường hợp cụ thể này Bộ nên lắng nghe đối tượng bị tác động bởi Thông tư hoặc quy chế Bộ ban ra, đối tượng ở đây là học sinh và cha mẹ các em, cũng như các giáo viên bị ảnh hưởng". Ảnh: Tùng Dương.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13 chia sẻ quan điểm:“Tôi hoàn toàn đồng tình với nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh.

Tôi thấy Giáo dục Việt Nam lựa chọn chủ đề này là rất đúng và rất thiết thực với các em.

Tôi không đồng tình việc dạy kiến thức mới trước ngày khai giảng, nhưng rất ủng hộ các trường đáp ứng nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh.

Tựu trường sớm có thể đảm bảo được việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, kỹ năng... cũng như triển khai các chương trình hợp tác quốc tế.

Đây thực sự là nhu cầu của cha mẹ học sinh khi xác định cho con theo học tại trường tư thục, chưa kể việc quản lý trẻ trong thời gian hè khi gia đình không có ai chăm sóc trẻ”.

Bà An cho rằng: “Khi Bộ sửa đổi, ban hành một Thông tư hay quy chế thì nên đánh giá tác động và đối tượng của việc thay đổi để có tính toán khả thi, không nên quy định cứng nhắc tư thục phải giống như công lập, trong khi Luật cho phép họ tự chủ.

Bộ nên lắng nghe ý kiến đóng góp khảo sát trước rồi mới làm Luật, và trong trường hợp cụ thể này Bộ nên lắng nghe đối tượng bị tác động bởi Thông tư hoặc quy chế Bộ ban ra.

Đối tượng ở đây là học sinh và cha mẹ các em, cũng như các giáo viên bị ảnh hưởng.

Tôi đề nghị Bộ nên sửa Thông tư 13/2011 cho thật chuẩn theo hướng tích cực, tránh phải sửa đi sửa lại gây hoang mang không đáng có cho các đối tượng chính bị tác động ảnh hưởng”.

Tùng Dương