Ngày 17/7/2020, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Hoài Nam đã ký văn bản 2239/GDĐT-KHTC, về thực hiện phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7 của Chính phủ.
Theo đó, Sở này có tiếp nhận một số ý kiến thắc mắc của Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, các cơ sở giáo dục có liên quan đến nội dung thực hiện chế độ tiền lương (trong đó có chế độ thâm niên) đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khi thực hiện Luật giáo dục đã được Quốc hội chính thức thông qua, có hiệu lực từ 1/7, có nhiều sửa đổi, bổ sung về vấn đề tiền lương, phụ cấp của giáo viên.
Trích văn bản 2239 của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Sở cũng đã có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, xin ý kiến chỉ đạo về phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Ngày 10/7, Cục Nhà Giáo và Cán bộ Quản lý thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn trả lời.
Theo đó, hiện tại, chính sách tiền lương và phụ cấp của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện theo quy định của Chính phủ, theo đó, các chính sách về chế độ tiền lương (trong đó có chế độ thâm niên) đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi có các quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ.
Như vậy, trong thời gian chờ có hướng dẫn chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện chế độ tiền lương đối với nhà giáo theo Luật Giáo dục 2019, đề nghị các đơn vị thuộc ngành giáo dục tiếp tục thực hiện chế độ tiền lương (trong đó có chế độ thâm niên) đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo các quy định hiện hành.
Trước đó, phản ánh tới Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên và cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh, họ bị tạm dừng tiền chế độ thâm niên nhà giáo bắt đầu từ ngày 1/7 năm nay.
Theo thông báo từ phía các nhà trường, khoản chi này sẽ tạm thời chưa chi được cho đến khi có thông tư hướng dẫn, các văn bản chỉ đạo thực hiện cụ thể của các cơ quan chức năng.
Nguyên nhân là do Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, điều 76 quy định rõ: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ vào điều này, thì giáo viên có thể sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nghề, mà sẽ được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù với nghề.
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên nói, với việc Quốc hội quyết định chưa tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7 năm nay, thì có nghĩa rằng, các bảng lương mới theo vị trí việc làm, sắp xếp các loại phụ cấp mới cho phù hợp vẫn chưa được quyết định.
Ngay sau khi nhận được các ý kiến thắc mắc này, Giáo dục Việt Nam đã chuyển ý kiến tới đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, để các cấp lãnh đạo có biện pháp kịp thời, giải quyết chế độ cho đội ngũ giáo ở thành phố.