Theo ghi nhận của phóng viên, trong 2 ngày 21, 22/7, nhiều trường học trên địa bàn quận Ngô Quyền (Hải Phòng) đã chi trả lương tháng 7/2020 cho cán bộ quản lý, các giáo viên và nhân viên.
Tuy nhiên, khi số tiền lương được trả vào tài khoản, các giáo viên té ngửa vì số tiền lương nhận được bị "hụt" một khoản khá nhiều.
Các giáo viên cho biết, số tiền bị "hụt" này chính là khoản phụ cấp thâm niên mà họ được lĩnh trong những tháng trước đó.
Các giáo viên ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng) đang lo lắng vì bị cắt phụ cấp thâm niên từ tháng 7/2020 (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến) |
Theo cô giáo Th. (giáo viên một trường trung học cơ sở tại quận Ngô Quyền, có hơn 30 năm công tác trong nghề), nhà trường trả lương tháng 7/2020 chậm 15 ngày so với tháng 6.
Trong khi lương tháng 6 cô Th. nhận được là gần 11,3 triệu đồng thì lương tháng 7 bị "hụt" mất gần 2 triệu đồng, còn hơn 9,4 triệu đồng.
"Chúng tôi có nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng là từ 1/7/2020, lương giáo viên sẽ có sự thay đổi.
Nhưng, hơn 30 năm gắn bó với nghề, tôi thật bất ngờ vì lương không tăng mà lại giảm nhiều như vậy", cô Th. chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ với cô Th., cô V. (giáo viên một trường tiểu học cũng có hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục) nhận lương tháng 7 cũng bị giảm hơn 1,5 triệu đồng.
Những giáo viên có khoảng 10 năm tham gia giảng dạy thì lương tháng 7 bị giảm một khoản phụ cấp khoảng 400-600 nghìn đồng.
Cô giáo N. (công tác tại trường tiểu học tại quận Ngô Quyền) cho rằng: Tháng 7 các nhà trường được nghỉ hè nên khi bị cắt phụ cấp thâm niên, các giáo viên rất lo lắng vì lương giảm kéo theo các chi phí sinh hoạt sẽ giảm.
"Lương tháng 7 của tôi bị giảm hơn 600 nghìn đồng. Trong khi hai vợ chồng tôi làm công ăn lương, lại phải nuôi 2 con nhỏ thì việc bị cắt giảm phụ cấp sẽ ảnh hưởng lớn tới cuộc sống gia đình", chị N. bày tỏ.
Theo một hiệu trưởng trường tiểu học, trong ngày 22/7, sau khi nhà trường chuyển lương, các giáo viên liên tục gọi điện hỏi về việc bị cắt phụ cấp thâm niên.
Trong cuộc họp giao ban giữa Ủy ban nhân nhân quận Ngô Quyền với hiệu trưởng các trường trên địa bàn, các nhà trường cũng đã ý kiến về việc này.
Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng này, lãnh đạo Phòng Nội vụ quận Ngô Quyền cho rằng, theo Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020, trước mắt quận cắt giảm phụ cấp thâm niên.
Sau này có quy định mới về phụ cấp thâm niên, nếu không bị cắt giảm thì các nhà trường sẽ cho giáo viên truy lĩnh.
Trả lời Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: "Hiện tại, chính sách tiền lương và phụ cấp của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, các chính sách về chế độ tiền lương (trong đó có chế độ phụ cấp thâm niên) đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi có các quy đinh hướng dẫn mới của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Nội vụ quận Ngô Quyền cho rằng: Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020 đã nêu rõ giáo viên không được hưởng phụ cấp thâm niên nữa.
Do đó, Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền đã có văn bản gửi Sở Nội vụ Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo để hỏi về việc này.