Còn cách nào khác đánh giá chuẩn giáo viên ngoài tờ chứng chỉ hay không?

25/07/2020 07:57
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hãy đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học qua thực tế công việc được giao sẽ thiết thực hơn nhiều việc yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ theo quy định.

Ngoại ngữ và tin học rất cần thiết cho mỗi người, nhất là đối với giáo viên bởi ngoài chuyên môn giảng dạy của mình mà sử dụng tốt được cả ngoại ngữ và tin học sẽ dễ tiếp cận, trau dồi thêm nhiều kiến thức để đưa vào bài giảng của mình.

Song, thực tế thì phần đông giáo viên phổ thông hiện nay còn sử dụng chưa tốt cả ngoại ngữ và tin học, nhất là đối với ngoại ngữ bởi do yếu tố lịch sử để lại và cả nguyên nhân học rồi nhưng lâu ngày không sử dụng thành ra lại quên mất.

Thế nhưng, với yêu cầu thực tế hiện nay khi thăng, giữ hạng giáo viên bắt buộc phải có 2 loại chứng chỉ này theo quy định hiện hành nên nhiều giáo viên ngại. Ngại học không vào, phải đầu tư một số tiền lớn và ngại cả khi học rồi, có chứng chỉ rồi lâu ngày…lại quên.

Nhiều loại chứng chỉ hiện nay đang là yêu cầu bắt buộc phải có đối với tất cả giáo viên (Ảnh minh họa: Vũ Ninh)

Nhiều loại chứng chỉ hiện nay đang là yêu cầu bắt buộc phải có đối với tất cả giáo viên

(Ảnh minh họa: Vũ Ninh)

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố 4 dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập để lấy ý kiến của dư luận đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ nhà giáo.

Trong 4 cấp học này, đều bắt buộc tất cả giáo viên phải có chứng chỉ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với chứng chỉ ngoại ngữ thì giáo viên mầm non từ hạng II trở lên phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc trình độ tương đương trở lên theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng III yêu cầu có trình độ ngoại ngữ bậc 1, hạng II có trình độ ngoại ngữ bậc 2, hạng I có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc.

Giáo viên trung học phổ thông hạng III, hạng II có trình độ tối thiểu là bậc 2, giáo viên hạng I có trình độ ngoại ngữ tối thiểu là bậc III theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Như vậy, chúng ta thấy rằng chứng chỉ tin học là bắt buộc đối với tất cả giáo viên ở các hạng khác nhau.

Chứng chỉ ngoại ngữ thì cấp mầm non yêu cầu từ giáo viên hạng II phải có, các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ hạng III là bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo từng bậc cụ thể.

Có nhất thiết yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hay không?

Chúng tôi cho rằng có được những chứng chỉ này mà trình độ thực tương đương với chứng chỉ là rất tốt. Thế nhưng, phải nhìn nhận một thực tế rằng muốn đạt được yêu cầu như vậy là điều không hề dễ dàng đối với tất cả đội ngũ nhà giáo hiện nay.

Thứ nhất: ngoại ngữ mới thực sự được xem trọng trong khoảng thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành (từ năm 2002) và đưa vào giảng dạy ở các nhà trường từ lớp 3.

Những giáo viên học trước chương trình, sách giáo khoa 2000 thì mãi khi lên cấp Trung học phổ thông mới được học ngoại ngữ, nhưng khổ nỗi lên cấp học này thì đã có một thời gian dài các trường học phân chia theo khối thi để dạy và định hướng cho học trò.

Vì thế, dù có học ngoại ngữ ở cấp Trung học phổ thông nhưng phần đông học sinh chỉ học ngoại ngữ qua loa, chỉ trừ những học sinh có ý định thi khối D mới chuyên sâu vào ngoại ngữ.

Vậy nên, để đọc thông, viết thạo theo theo đúng yêu cầu khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam thì quả là điều cực khó đối với đa phần giáo viên không dạy ngoại ngữ hiện nay.

Thứ hai: giáo viên từ cấp Trung học cơ sở trở lên chỉ dạy một môn học duy nhất mà mình đã được đào tạo. Trong số các môn học không phải ngoại ngữ thì ít khi sử dụng tiếng Anh mà tiếng Anh hiện nay trong sách giáo khoa hiện hành đã được phiên âm sang tiếng Việt.

Vì thế, cách đọc của những giáo viên không phải ngoại ngữ hiện nay còn hạn chế bởi vốn từ ít, ra trường hàng chục năm không sử dụng lại thì làm sao có thể học, ôn tập để có chứng chỉ bậc 2, bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam?

Thứ ba: khoảng 15 năm trở lại đây thì khi tuyển dụng giáo viên ở tất cả các cấp học, các cơ quan tuyển dụng đều yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ A, B tin học và ngoại ngữ. Có nghĩa là đội ngũ giáo viên này đã đạt yêu cầu khi tuyển dụng lúc bấy giờ.

Khi đã là giáo viên thì họ tập trung cho chuyên môn giảng dạy của mình, mấy ai còn duy trì được thói quen trau dồi ngoại ngữ không phải chuyên môn giảng dạy của mình.

Vì vậy, bây giờ có học, có thi, có chứng chỉ thì cũng chỉ đáp ứng được mặt giấy tờ chứ thực tế khả năng ngoại ngữ sẽ khó tương đồng với chứng chỉ mà mình có được.

Đó là chưa kể chuyện các Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện hiện nay cũng liên kết với các trường đại học để ôn tập, tổ chức thi và cấp chứng chỉ luôn tiềm ẩn nhiều tiêu cực.

Bởi, nếu tổ chức chiêu sinh, bồi dưỡng mà học viên thi rớt nhiều thì ai còn theo học, nhất là đầu tư học bây giờ phải tốn một số tiền rất lớn. Vì thế, các trung tâm cũng phải “linh hoạt” cho người học đậu mới tăng được “uy tín” mà chiêu sinh các năm tiếp theo.

Hãy nhìn vào những việc giáo viên đã làm để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của nhà giáo.

Năm nay, dịch bệnh Covid-19 xảy ra, gần như tất cả các trường học từ Tiểu học đến Trung học phổ thông đều tiến hành dạy trực tuyến bắt buộc cho học trò.

Đa phần giáo viên đều đã làm chủ được các phần mềm dạy trực tuyến, đều soạn bài giáo án điện tử để dạy trong khoảng thời gian học sinh nghỉ học.

Trong khi, tất cả các phần mềm giảng dạy trực tuyến đều được viết bằng tiếng Anh. Vậy, giáo viên làm chủ được công việc giảng dạy giáo án điện tử, làm chủ phần mềm trực tuyến chẳng lẽ lại không thiết thực hơn chứng chỉ?

Trong các trường học hiện nay đều quy định bắt buộc giáo viên phải dạy ứng dụng công nghệ thông tin theo số tiết quy định hàng năm. Giáo án, kế hoạch giảng dạy của giáo viên từ lâu đã không còn ai viết tay nữa mà tất cả đều đánh máy, in ấn.

Gần hết các trường học từ Tiểu học trở lên hiện nay đều dùng phần mềm để nhập điểm điện tử, sử dụng sổ liên lạc, học bạ điện tử và tất nhiên giáo viên là người nhập điểm, nhập thông tin, lời phê, gửi cho học trò và in ấn cuối năm.

Vậy, những người thầy không phải giáo viên ngoại ngữ, tin học mà làm được như vậy chẳng lẽ lại không đạt yêu cầu hay sao?

Những giáo viên không dạy ngoại ngữ, tin học mà họ biết soạn thảo văn bản trên máy tính, biết soạn giáo án điện tử, biết đọc được các tên nước ngoài trong sách giáo khoa và họ đã từng có chứng chỉ A, B trước đây là có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Vì thế, lãnh đạo ngành, thủ trưởng đơn vị hãy đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học qua thực tế công việc được giao, vị trí việc làm mà họ đảm nhận sẽ thiết thực hơn nhiều việc yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ theo quy định.

Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ đừng làm khó giáo viên để phải thêm những “giấy phép con” bởi vừa tốn kém thời gian, tiền bạc mà thực tế cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Cái lợi duy nhất là hàng triệu giáo viên phải nuôi các trường đại học, các trung tâm đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, các trung tâm giáo dục thường xuyên liên kết đào tạo.

Còn thực tế chất lượng vẫn trôi nổi, không quản lý được mà tiềm ẩn rất nhiều tiêu cực trong đào tạo, bồi dưỡng và tạo nên những bức cho đội ngũ nhà giáo.

THANH AN