Cô giáo Bình Thuận kêu gọi Tỉnh hãy bỏ mô hình trường học mới VNEN

03/10/2020 06:01
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu vì học sinh, vì chất lượng giáo dục hãy để cho chúng tôi được lựa chọn phương pháp dạy học miễn sao thật sự hiệu quả với học sinh của mình.

Đi dạy gần 30 năm nhưng tôi có thể khẳng định rằng chưa bao giờ chất lượng học tập của học sinh lại bết bát như năm học này.

Một tiết dạy VNEN tại Bình Thuận (Ảnh Phan Tuyết)

Một tiết dạy VNEN tại Bình Thuận (Ảnh Phan Tuyết)

Một lớp mà nhiều học sinh lớp 2 nhưng đánh vần từng tiếng (có em còn không thể đánh vần), viết chính tả 10 chữ sai hết 9. Học sinh lớp 3 không thể cộng được phép tính đơn giản. Học sinh lớp 4 và 5 bài toán cơ bản (cộng trừ) của lớp 2 và 3 làm vẫn bị sai be bét.

Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19, các em đã phải nghỉ học quá nhiều (7 tuần) khi học kỳ 1 vừa kết thúc. Ngày các em đi học lại, không ít học sinh lớp 1 rơi vào tình trạng tái mù do cả quãng thời gian nghỉ dài, gia đình các em vì bận rộn đã không hướng dẫn cho con học và ôn tập ở nhà.

Để kết thúc chương trình đúng kỳ hạn (15/7) nhiều kiến thức đã bị tinh giảm, rút gọn, nhiều bài học được học ghép, học đôn tiết dạy qua loa cho kịp chương trình.

Bởi thế, chất lượng học tập của học sinh đặc biệt là học sinh lớp 1 năm học 2019-2020 có thể nói là vô cùng thấp, là đáng báo động.

Giáo viên bất lực kèm học sinh khi buộc phải dạy theo VNEN

Hiểu rõ tình hình học sinh bị hổng kiến thức do đại dịch Covid-19, giáo viên chúng tôi phải nỗ lực hết mình vừa giảng dạy kiến thức mới, vừa kèm cặp để bổ sung kiến thức cũ cho các em.

Vậy mà, mới 2 tuần học trôi qua, nhiều trường học trong tỉnh Bình Thuận yêu cầu giáo viên phải cho học sinh ngồi theo mâm, học theo nhóm của mô hình trường học mới VNEN.

Một tiết dạy theo mô hình VNEN có quá nhiều bước hình thức như giới thiệu hội đồng tự quản, các ban như ban học tập, ban văn thể lao động, ban đối ngoại, ban thư viện. Giới thiệu các nhóm, báo cáo hoạt động ứng dụng…

Vào tiết học yêu cầu tìm hiểu mục tiêu, chia sẻ trong nhóm rồi chia sẻ trước lớp. Trong các hoạt động giáo dục phải tuân thủ theo quy tắc cá nhân làm việc-chia sẻ với bạn bên cạnh-chia sẻ trong nhóm…Rồi nhận xét, bổ sung, tuyên dương.

Cuối tiết học buộc học sinh phải chia sẻ cuối tiết theo đúng yêu cầu, học được gì về kiến thức, kỹ năng, thái độ. Bình chọn cá nhân, nhóm học tốt, nhắc nhở cá nhân, nhóm chưa tích cực…

Một tiết học 35 phút làm hết những yêu cầu trên thời gian đâu để giáo viên truyền thụ kiến thức?

Giáo viên bỏ công để tập dượt "quy trình báo cáo" cho học sinh đã chiếm hết thời gian học

Cực nhất là học sinh lớp 2 do các em còn quá nhỏ nên từng hoạt động, từng lời giới thiệu, từng câu báo cáo, giáo viên đều phải tập để các em học thuộc và diễn lại trước mỗi tiết học.

Trò nhỏ, thầy cô cứ bày trước lại quên sau nên khá mất thời gian mà các em vẫn chưa thể làm quen với kiểu ngồi học này.

Một buổi học đáng ra phải dạy 4 tiết nhưng giáo viên chúng tôi chỉ dạy một tiết chưa xong do vừa dạy vừa phải tập để các em làm quen.

Thế là, thay vì thời gian để thầy cô giáo truyền thụ kiến thức và kèm cặp học sinh, để các em tiếp thu bài thì lại phải dành cho việc tập dợt các bước theo mô hình VNEN.

Học sinh đã yếu, đã hổng kiến thức lại càng yếu hơn khi phần lớn thời gian của việc học lại phải dành cho những trò vô bổ, hình thức ấy.

Nếu vì học sinh, vì chất lượng học tập của các em, hãy đừng bắt giáo viên phải gồng mình dạy học theo mô hình này, ít nhất là trong giai đoạn này

Năm học này, học sinh lớp 1 đã học chương trình mới. Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 cũng sẽ tiếp tục học theo chương trình mới. Vậy vì cớ gì đến nay tỉnh Bình Thuận vẫn tiếp tục trung thành với mô hình dạy học đã bị nhiều tỉnh thành trong nước loại bỏ?

Học sinh hiện nay đang rất cần sự kèm cặp của giáo viên do các em bị hổng kiến thức quá nhiều. Nếu cứ buộc học sinh ngồi theo mâm để học theo nhóm cả buổi thế này lại còn phải qua biết bao bước lên lớp chỉ làm học sinh ngày một kém đi.

Nếu vì học sinh, vì chất lượng giáo dục hãy để cho chúng tôi được lựa chọn phương pháp dạy học miễn sao thật sự hiệu quả với học sinh của mình.

Phan Tuyết