LTS: Câu chuyện về chương trình và sách giáo khoa mới lớp 1 được dư luận hết sức quan tâm. Bàn về chủ đề này, thầy giáo Võ Phi Hùng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đưa ra một góc nhìn khác với vai trò người làm công tác quản lý giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Các nhà trường thực hiện dạy học lớp 1 theo chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018) được hơn 1 tháng nhưng dư luận đã làm “nóng” lên vấn đề chương trình và sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1.
Nhiều ý kiến cho rằng: chương trình lớp 1 hiện nay quá nặng; sách giáo khoa thiết kế nhiều bài dài, rườm rà.
Nhiều bậc cha mẹ học sinh hoài nghi “chương trình giáo dục mới ra sao mà ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo”… có những cha mẹ học sinh vì quá lo lắng nên “ép” giáo viên dạy thêm cho con, cũng có không ít người “tát nước theo mưa” lợi dụng dư luận và sự hoang mang của cha mẹ học sinh để tổ chức học thêm, dạy thêm trái quy định.
Cùng vào cuộc với giáo viên từ những ngày đầu trăn trở, đắn đo khi xây dựng kế hoạch giáo dục môn Tiếng Việt lớp 1, qua thăm lớp dự giờ, trao đổi, thảo luận với cha mẹ học sinh, chúng tôi rút ra được một số nguyên nhân tạo “sức nóng” cho dư luận như sau:
Có sự lẫn lộn giữa chương trình và sách giáo khoa, đồng nhất sách giáo khoa là chương trình
"Nếu so sánh với chương trình tiểu học năm 2000 thì môn tiếng Việt nặng nề hơn, đa số các bộ sách giáo khoa môn tiếng Việt đều "chạy" chương trình khá nhanh.
Phần ứng dụng trong sách giáo khoa chương trình cũ chỉ có 2 - 3 câu đơn giản thì sách giáo khoa mới có khi học sinh lớp 1 phải đọc nguyên một bài thơ hoặc cả một văn bản dài" (ý kiến của 1 cô giáo khối trưởng khối 1 trên Báo Tuổi trẻ).
“Nhiều kiến thức nhưng thời gian ít, chương trình nặng thì giáo viên có giỏi mức nào cũng rất khó xoay xở để các em theo kịp một cách tương đối” (ý kiến của một giáo viên trên Báo Tuổi trẻ).
Vì sao dư luận “nóng” lên về việc thực hiện dạy Tiếng Việt lớp 1? (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Những ý kiến nêu trên rõ ràng đang lẫn lộn giữa chương trình và sách giáo khoa. Nêu quan điểm nặng nhẹ không dựa trên mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình mà dựa vào bài học trong sách giáo khoa và tài liệu thiết kế dạy học để đánh giá.
Đánh giá mức độ nặng nhẹ của chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 hiện nay so với chương trình môn Tiếng Việt trước đây, chúng ta hãy so sánh về mục tiêu, yêu cầu cần đạt (chuẩn đầu ra) về các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết và tổng thời gian cho môn Tiếng Việt của 2 chương trình như sau:
Yêu cầu về các kỹ năng |
Mục tiêu yêu cầu cần đạt môn Tiếng việt lớp 1 hiện hành |
Mục tiêu yêu cầu cần đạt môn Tiếng Việt lớp 1 trước đây |
Nghe |
Nghe hiểu các thông báo, hướng dẫn, yêu cầu, nội quy trong lớp học Nghe 1 câu chuyện và trả lời được câu hỏi: Ai? Cái gì? Khi nào/ Ở đâu? |
Hiểu đúng câu hỏi đơn giản, lời kể, lời hướng dẫn, lời yêu cầu. Hiểu nội dung và kể lại được mẩu chuyện đơn giản có kèm theo tranh minh họa và lời gợi ý dưới tranh. Biết nghe để viết đúng bài chính tả có độ dài khoảng 30 chữ. |
Nói |
Nói rõ ràng, thành câu, biết nhìn người nghe khi nói. Đặt được câu hỏi đơn giản và trả lời đúng nội dung câu hỏi. Biết kể một đoạn hoặc cả câu chuyện có nội dung đơn giản |
Nói rõ ràng, đủ nghe. Nói liền mạch cả câu. Biết trả lời đúng nội dung câu hỏi. Nói thành câu. Biết đặt câu hỏi đơn giản. Biết kể một đoạn hoặc cả mẩu chuyện có nội dung đơn giản. |
Đọc |
Đọc đúng âm,vần, câu (có thể đọc chưa thật đúng một số tiếng có vần khó, ít dùng) Đọc đúng, rõ đoạn văn hoặc văn bản ngắn tốc độ đọc khoảng 40-60 tiếng /phút. Nghỉ hơi chỗ có dấu câu. Hiệu nghĩa của một số tín hiệu đơn giản gần gũi với học sinh. Thuộc được 4-5 đoạn thơ (bài thơ) đã học có độ dài khoảng 30 đến 40 chữ. Biết đọc thầm. |
Đọc trơn, rõ tiếng, từ câu. Đọc đúng đoạn văn xuôi, văn vần có độ dài khoảng 80 -100 chữ. Tốc độ đọc tối thiểu 30 chữ/phút. Biết nghỉ hơi ở chỗ có dấu câu. Hiểu nghĩa của từ ngữ trong bài học. Hiểu được nội dung thông báo của câu, đoạn, bài. Thuộc được khoảng 4 đoạn thơ (bài thơ) đã học có độ dài khoảng 30 đến 40 chữ. |
Viết |
Viết đúng chữ viết thường, chữ số (0-9); biết viết chữ hoa. Viết chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài 30-35 chữ tốc độ viết khoảng 30-35 chữ /15 phút. |
Viết đúng chữ cái kiểu chữ thường, vừa và nhỏ, tô đúng chữ cái viết hoa cỡ lớn và vừa, viết đúng chữ số cỡ to và vừa từ 0-9. Viết đúng chính tả bài viết có độ dài khoảng 30 chữ tốc độ 30 chữ/15 phút. |
Thời lượng |
420 tiết |
350 tiết |
So sánh chuẩn đầu ra ở trên cho thấy chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 hiện hành chỉ “nặng” hơn chương trình môn Tiếng Việt trước đây ở tốc độ đọc tối thiểu 10 tiếng/phút và thay việc biết tô chữ hoa ở chương trình cũ bằng biết viết chữ hoa ở chương trình hiện hành.
Để ‘bù” cho việc “nặng” đó thì thời lượng môn Tiếng Việt lớp 1 ở chương trình hiện hành tăng đáng kể (70 tiết) so với chương trình cũ.
Mặt khác, không thể phủ nhận rằng: hiện nay so với trước đây thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các nhà trường khang trang hơn, đầy đủ hơn; cùng độ tuổi nhưng nhận thức của học sinh phát triển hơn cách đây 14 năm (chương trình giáo dục phổ thông trước đây ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGD ĐT ngày 5/5/2006). Cho nên chương trình mới xây dựng dựa trên nguyên tắc kế thừa và phát triển là hoàn toàn phù hợp.
Đa số thầy cô giáo không ngừng học tập, say mê nghiên cứu cải tiến chất chất lượng. Đêm ngày trăn trở với từng bài dạy, đắn đo, cân nhắc cách thức tổ chức từng hoạt động cho học sinh. Bên cạnh đó, còn có nhiều giáo viên tư duy vẫn đang bị trói buộc bởi thói quen cũ.
Thói quen cũ của giáo viên chúng ta đó là chỉ dựa vào nội dung dạy học có sẵn trong tài liệu hướng dẫn dạy học, sách giáo khoa, giáo án trên “trên mạng” ít chủ động, đầu tư cho việc nghiên cứu nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đối học sinh của mình.
Ngày nay chỉ cần “search mạng” với cụm từ “giáo án môn …bộ sách…” là ngay lập tức giáo viên tha hồ “cóp”, “cắt”, “chỉnh sửa”.
Sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc tìm tòi, nghiên cứu trong quá trình dạy học là điều hết sức cần thiết, tuy nhiên nhiều giáo viên đã sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin thay thế gần như hoàn toàn cho tư duy dạy học của mình.
Giáo án thì cóp nhặt, chắp vá lại thêm nhận thức lệch lạc, lẫn lộn sách giáo khoa là chương trình cho nên mới “nhồi nhét” cho hết những gì có trong sách giáo khoa vào đầu học sinh (mới chỉ là những đứa trẻ có nhận thức mới bằng 1/7 học sinh lớp 1).
Học sinh phải học với những thầy cô có nhiều “chất thợ” nhưng thiếu “chất thầy” nên “hổng” kiến thức từ ban đầu và lỗ hổng ấy cứ tăng lên theo ngày tháng khiến cha mẹ học sinh phải hoang mang là điều không tránh khỏi.
Xây dựng kế hoạch dạy học không sát đối tượng, không phù hợp với điều kiện dạy học nhà trường
Chương trình giáo dục phổ thông mới không quy định cụ thể số tiết học trong từng buổi, từng tuần cho mỗi môn học như chương trình cũ mà chỉ quy định tổng thời gian cả năm cho mỗi môn học.
Việc sắp xếp nội dung dạy, thời lượng (số tiết) dạy học cụ thể từng môn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao quyền cho các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho cả năm học.
Kế hoạch dạy học được xây dựng theo một quy trình rất khoa học. Dựa vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học quy định trong chương trình (không phải sách giáo khoa) và kết quả phân tích bối cảnh nhà trường (đặc điểm học sinh, các điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường, đặc điểm phương ngữ, thói quen…), các tổ chuyên môn tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học các môn.
Sản phẩm của hoạt động này là khung thời gian thực hiện các mạch kiến thức (chủ đề) và thứ tự dạy học các mạch kiến thức đó.
Các mạch kiến thức là tập hợp các yêu cầu cần đạt được sắp xếp có chủ ý. Thời lượng cho các mạch kiến thức đảm bảo theo quy định của chương trình.
Ví dụ về thời lượng các mạch kiến thức trong môn Tiếng Việt lớp 1: đọc chiếm 60%; viết chiếm 25%; nói 10%, kiểm tra, đánh giá 5%.
Trên cơ sở kế hoạch các môn mà tất cả giáo viên trong tổ đã xây dựng, giáo viên dạy môn nào thì chủ động lên phân phối chương trình môn đó hoặc cả tổ chuyên môn cùng tham gia xây dựng phân phối chương trình.
Có thể cùng 1 nội dung yêu cầu cần đạt nhưng thời lượng dạy lớp này khác với lớp kia; yêu cầu về mức độ cần đạt đối với em này có thể khác với em kia trong một tiết dạy.
Căn cứ vào phân phối chương trình đã xây dựng, giáo viên lựa các nội dung ở sách giáo khoa để dạy.
Sau một thời gian thực hiện tổ chuyên môn sẽ tiến hành điều chỉnh kế hoạch dạy học, giáo viên điều chỉnh lại mục tiêu trong từng tiết cho phù hợp đối tượng học sinh…
Quy trình là vậy, nhưng trong thực tế nhiều nhà trường, nhiều giáo viên lại dựa hoàn toàn vào sách giáo khoa để xây dựng kế hoạch dạy học và phân phối chương trình.
Mặc dù năm nay sách giáo khoa đã được giáo viên dạy lớp 1 của các nhà trường tổ chức chọn, tuy nhiên sách giáo khoa không thể viết riêng cho từng trường hay từng vùng miền được.
Trong quá trình dạy học, giáo viên cố gắng nhồi nhét tất cả những gì sách giáo khoa có vào đầu học sinh đã gây nên tình trạng “quá tải” đến nỗi “mỗi buổi đi học về con tôi lại mếu máo…” hay “Trẻ lớp 1 chỉ hơn "mẫu giáo lớn" một chút, có nghĩa vừa phải dạy, vừa phải dỗ, kèm từ cách cầm bút đến khả năng ngồi tập trung 20-30 phút. Vậy mà chương trình lại dạy quá nhanh. Không nói học sinh mà phụ huynh cũng thấy rối với các âm/vần quá nhiều" như cha mẹ học sinh đã phản ánh.
Còn quá nhiều động tác thừa, rờm rà của giáo viên trong 1 tiết dạy học làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh
Thông qua việc dự giờ, dạy học lớp 1, chúng tôi rút ra được những hạn chế trong kỹ thuật dạy học của giáo viên như: nói quá nhiều, giải thích nhiều; lạm dụng vỗ tay, khen ngợi học sinh; đánh giá chưa hợp lý (cứ mỗi học sinh trả lời lại cho một số học sinh khác nhận xét); các thao tác hướng dẫn học sinh thực hiện nhiệm vụ ít vận dụng quy ước, ký hiệu mà chủ yếu dùng mệnh lệnh; sử dụng đồ dùng dạy học chưa khoa học; nhiều bài dạy thiết kế trên giáo án điện tử ít thể hiện trọng tâm (trình chiếu lên như một buổi xem phim…).
Từ những hạn chế nêu trên đã làm cho hiệu quả tiết dạy học không như mong muốn (chưa xét đến việc chậm đổi mới phương pháp và chưa linh hoạt trong việc tổ chức hình thức dạy học).
Từ những nguyên nhân như vậy chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp khắc phục như sau:
- Tổ chức day học phải dựa vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình và sát đối tượng học sinh, không phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa (giáo dục phổ thông phụ thuộc vào chương trình không phụ thuộc vào sách giáo khoa).
- Lựa chọn các nội dung có trong sách giáo khoa để dạy phải sát đối tượng. Không bắt buộc tất cả các học sinh phải hoàn thành các nội dung như trong sách giáo khoa.
-Tổ chức dạy học linh hoạt: Trong tiết học Tiếng Việt lớp 1, nếu những học sinh nào đã đọc tốt được âm, vần, câu ứng dụng hay bài tập đọc thì lập thành một nhóm tập đọc thầm, đọc nhỏ cho nhau nghe.
Chọn những học sinh đang khó khăn trong việc đọc, viết tổ chức thành những nhóm khác để giáo viên hướng dẫn.
- Cắt bỏ hết động tác rờm rà, dành thời gian cho các hoạt động sát, đúng mục tiêu.
- Không nóng vội. Dạy đọc, viết các âm, vần cho học sinh lớp 1 thời gian đầu khó khăn giống như tập cho người mới đi xe đạp giữ thăng bằng, khi đã giữ được thăng bằng thì sẽ đi được xe đạp, đi được xe đạp rồi thì xe đạp nào cũng đi được mà không cần phải tập nhiều.
- Sau một thời gian dạy học, căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh kế hoạch dạy học và phân phối chương trình cho phù hợp hơn.
- Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học (dựa trên phân tích các hoạt động học của học sinh) để nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên.
Chặng đường đầu của mọi sự đổi mới bao giờ cũng là hành trình gian nan, gặp nhiều khó khăn cản trở.
Quản lý, giáo viên các nhà trường chúng ta hãy can đảm nhìn vào sự thật, đổi mới tư duy, bình tĩnh, tự tin, không nóng vội. Dạy học bằng tình cảm và lòng yêu thương chắc chắn sẽ có kết quả như mong muốn.