Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được Chính phủ ban hành ngày 25/09 có quy định: Sinh viên sư phạm sẽ được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường.
Với chính sách này, ngành giáo dục kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cần phải mở rộng đầu ra, đảm bảo công việc cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường mới là giải pháp cần thiết.
Trên thực tế, ngoài những yếu tố về cơ chế chính sách thì vấn đề học tập và khả năng thích ứng của sinh viên trước những thay đổi của môi trường, xã hội, cũng như trước những đổi mới của ngành giáo dục là vấn đề cần phải lưu tâm.
Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Văn Nhật Trường, thủ khoa khoa Sinh năm 2020 của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là giáo viên của Trường Trung học Thực hành - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định:
Ngành sư phạm cũng như những ngành nghề khác, trong quá trình học tập, sinh viên cần phải biết tìm kiếm những cơ hội cho bản thân mình, phải chủ động mọi cơ hội, khẳng định bản thân nhiều hơn để không phải rơi vào tình trạng “tốt nghiệp là thất nghiệp”.
Thầy Hồ Văn Nhật Trường khẳng định sinh viên sư phạm cần tìm kiếm cơ hội việc bằng cách học tập và khẳng định bản thân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Theo thầy Trường, đối với ngành sư phạm, cần phải có niềm đam mê mới có thể theo đuổi đến cùng và cống hiến cho công việc.
Bằng tình yêu nghề, nhiệt huyết và hành trình phấn đấu nỗ lực của bản thân, trước ngày tốt nghiệp, Hồ Văn Nhật Trường đã được nhận công tác tại một trường phổ thông như mong ước.
Chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân, thầy Trường cho biết, bản thân phải tìm kiếm mọi cơ hội để được học và học những điều mới. Thầy Trường nêu ra 5 bài học kinh nghiệm dành cho sinh viên sư phạm.
Thứ nhất, sinh viên cần xác định mục tiêu, định hướng rõ ràng đối với hoạt động kiến tập, thực tập tại các trường học.
“Thời gian kiến tập, thực tập là cơ hội tốt nhất để mình có những trải nghiệm với nghề. Trước đây, mình chỉ được học lý thuyết nhưng việc đứng lớp dạy học sẽ giúp hình thành những kỹ năng, kiến thức mới quan trọng hơn.
Trước khi đăng ký kiến tập, thực tập, mỗi sinh viên cần xác định, định hướng mục tiêu rõ ràng cho bản thân.
Với tôi, thời gian kiến tập, tôi xác định chọn trường phổ thông có nhiều thử thách, một môi trường có nhiều tình huống sư phạm để mình học hỏi, cọ xát và tìm cách giải quyết vấn đề.
Năm cuối thực tập, tôi chọn một ngôi trường có phân chia lớp chuyên, đặc biệt là chuyên về khoa học tự nhiên theo đúng ngành của mình”.
Với vị trí thủ khoa khoa Sinh của trường, Hồ Văn Nhật Trường tìm được công việc trước ngày tốt nghiệp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Việc lựa chọn như vậy theo thầy Trường là để đạt mục tiêu bản thân đặt ra.
Khi là sinh viên năm ba, chắc chắn còn bỡ ngỡ với việc đứng lớp nên cần phải học hỏi nhiều kỹ năng, học hỏi cách ứng biến với những tình huống sư phạm thực tế để rèn luyện mình, bản lĩnh hơn, hiểu và yêu nghề hơn.
“Giai đoạn kiến tập, lớp tôi có những học sinh hơi quậy, mình phải tìm cách tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em.
Đây là lúc tôi thử các phương pháp sư phạm của mình, để biết các em có xem mình là bạn không, có sẵn sàng chia sẻ khó khăn với mình không?
Theo quan điểm hiện đại thì giáo viên chính là người bạn của học sinh, khi người thầy cho các em cảm giác an tâm, các em sẽ chia sẻ với mình những khó khăn, những tâm tư và từ đó, thầy giáo sẽ giúp học trò tiến bộ hơn, trưởng thành hơn”, thầy Trường chia sẻ.
Tuy nhiên, mục tiêu năm cuối ở trường đại học của thầy Trường là tăng cường khả năng truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Việc chọn thử thách mới sẽ giúp cho thầy giáo tương lai tập trung chuyên sâu về chuyên môn, kiến thức chuyên ngành của mình.
Theo thầy Trường, sinh viên sư phạm cần phải làm nghiên cứu khoa học, làm các đề tài khóa luận liên quan đến các chủ đề trong chương trình mới (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Theo chia sẻ của thầy Hồ Văn Nhật Trường, quá trình dạy học khi kiến tập và thực tập phải chú trọng kỹ năng quan sát:
“Quan trọng nhất là quan sát trong lớp học, quan sát những điều nhỏ nhặt nhất như xích mích nhỏ của học sinh, nếu tinh tế thì mình sẽ nhận ra và biết cách giúp học sinh tháo gỡ. Như vậy, sau này mình gặp phải những tình huống đó thì mình sẽ giải quyết được”.
Tuy nhiên, để thực sự rèn luyện, phát triển bản thân, để có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm với nghề thì sinh viên sư phạm còn cần chủ động học tập nhiều hơn nữa.
Bài học thứ hai dành cho sinh viên sư phạm chính là phải nâng cao kiến thức, trình độ, đáp ứng với những yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục.
“Khi còn là sinh viên, trước những yêu cầu đổi mới của giáo dục, tôi phải tìm hiểu để có định hướng phát triển.
Đặc biệt với chương trình giáo dục phổ thông 2018, các sinh viên sư phạm cần phải làm nghiên cứu khoa học, làm các đề tài khóa luận liên quan đến các chủ đề trong chương trình mới.
Với môn Sinh học, từ cuối năm ba, tôi lựa chọn học thêm về STEM. Hai tháng đầu vô cùng khó khăn, chỉ biết đọc tài liệu và rất mơ hồ.
Sau đó, tôi xin phép giáo viên hướng dẫn đi học theo các khóa tập huấn dành cho giáo viên, tôi hiểu hơn tinh thần của chương trình giáo dục mới, cũng như giáo dục STEM.
Việc nghiên cứu khoa học giúp sinh viên thực hành, tích lũy nhiều kiến thức chuyên ngành, đồng thời có thể hỗ trợ công tác dạy học giúp đỡ, hướng dẫn học sinh các đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng”, thầy Trường chia sẻ.
Nhờ quá trình học tập đó, thầy giáo tương lai đã có nhiều thành tích, đạt giải Nhì cuộc thi "Thiết kế Clip mô phỏng STEM 2019" của Câu lạc bộ STEM Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nhận nhiều chứng chỉ về giáo dục STEM.
Theo thầy Trường, quá trình học tập và những thành tích đạt được sẽ mở ra cơ hội cho một sinh viên sư phạm được đứng lớp dạy học nhiều hơn.
Thứ ba, sinh viên sư phạm cần tìm kiếm thêm cơ hội dạy học để được rèn nghề nhiều hơn.
“Nếu có kiến thức về STEM, sinh viên sư phạm nên đăng ký dạy học tạo các cơ sở giáo dục phổ thông. Thời gian đầu có thể chỉ làm trợ giảng, sau này sẽ được đứng lớp, được rèn luyện, được học hỏi và trưởng thành hơn với nghề”, thầy Trường chia sẻ.
Điều quan trọng thứ tư dành cho sinh viên sư phạm là cần đăng ký dạy học tại những môi trường giáo dục đa dạng khác nhau, từ trường công lập, trường tư thục đến trường quốc tế…
Theo thầy Trường, tương ứng với mỗi loại hình, môi trường giáo dục sẽ có những đặc điểm, đặc thù riêng. Từ đó, sinh viên có thể áp dụng những kỹ năng, phương pháp sư phạm khác nhau và đúc rút kinh nghiệm, những bài học thực tế giá trị nhất.
Cuối cùng, sinh viên sư phạm cần tham gia tích cực những Hội thi nghiệp vụ sư phạm.
Thầy Trường cho biết: “Các hội thi sẽ giúp phát triển kỹ năng sư phạm cho sinh viên ở cả 4 phương pháp dạy học là dạy học truyền thống, dạy học theo chủ đề ứng dụng Công nghệ thông tin, dạy học thực hành và viết vẽ bảng”,
Bản thân tham gia vào tất cả các hội thi, thầy Trường đánh giá cao ý nghĩa của hội thi về nghiệp vụ sư phạm, qua mỗi lần thi, sinh viên sẽ trưởng thành hơn, được góp ý về phương pháp sư phạm của mình, đó là những bài học quan trọng cho những giáo viên tương lai.
Thầy Hồ Văn Nhật Trường nhấn mạnh: “Cuộc sống, xã hội đang thay đổi từng ngày, nền giáo dục đang đứng trước những yêu cầu đổi mới, sinh viên sư phạm hôm nay là đội ngũ giáo viên tương lai hiện thực hoá công cuộc đổi mới, cải cách giáo dục”.
Để làm tốt vai trò quan trọng đó và để đáp ứng được những yêu cầu của ngành đặt ra, sinh viên cần phải chủ động, tích cực học tập để có cơ hội làm việc, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh đó, thầy Trường cũng cho rằng, giáo dục đại học cần tăng cường hơn nữa việc bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng thực tế cho sinh viên sư phạm, đặc biệt về Luật Giáo dục, tình huống sư phạm để sinh viên ít bị bỡ ngỡ khi bước vào nghề.