Liên quan đến vụ việc 35 học sinh Trường Tiểu học Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) nhập viện có biểu hiện ngộ độc, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã có thông tin chính thức về vụ việc.
Đà Nẵng tăng cường các biện pháp bảm đảm an ninh, an toàn trước cổng trường. Ảnh: AN |
Theo báo cáo từ nhà trường, nguyên nhân ban đầu được xác định là các em bị ngộ độc do chơi slam nước mua tại quán trên đường vào trường.
Sở Giáo dục cho hay, đang phối hợp với địa phương để kiểm tra, giải quyết sự việc. Biểu hiện chung của các em là khó thở, ngứa; kiểm tra phổi và thần kinh không có ảnh hưởng gì.
Chiều ngày 16/4, nhà trường cho tất cả học sinh nghỉ học để cán bộ y tế tiếp tục kiểm tra, xử lí. Đã lấy mẫu gởi kiểm định xác định nguyên nhân.
Đến 13h chiều cùng ngày, 14 em đã về nhà; 15 em ở Trung tâm y tế Hòa Vang (đã ổn định); 6 em ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi (trong đó có 5 em đã ổn, 1 em còn ở cấp cứu do bệnh nền tim bẩm sinh).
“Về vấn đề hàng quán trước cổng trường, Sở đã thường xuyên có văn bản nhắc nhở. Riêng đối với slam, báo chí và ngành cũng đã cảnh báo nhiều lần.
Sau sự việc này, Sở sẽ chỉ đạo các trường tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn học sinh.
Đồng thời, có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các quận huyện và các ngành liên quan tiếp tục tăng cường phối hợp đảm bảo an toàn, an ninh trước cổng trường.
Sở cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trước cổng trường”, đại diện Sở giáo dục cho hay.
Sau khi xảy ra vụ ngộ độc đồ chơi slam trước cổng trường, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đã có công văn về việc “thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trước cổng trường học”.
Trong đó, nêu rõ, những nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội đối với học sinh trước cổng các trường học.
Thành phố giao cơ quan công an tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước cổng trường học;
Giao Sở Công Thương, Cục quản lý thị trường thành phố tăng cường công tác kiểm tra các kho hàng; nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng thường được các hàng quán bán cho học sinh trước cổng trường.
Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực… nhập lậu;
Kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em.
Sở Y tế cũng cần kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm đối với các hàng, quán trước cổng trường học;
Tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm; khống chế tỉ lệ người mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính.
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo các phụ huynh các nội dung sau:
Khi lựa chọn đồ chơi cho con trẻ, nên mua ở các địa chỉ có uy tín, hàng hóa phải có tem nhãn rõ ràng, có công bố hợp chuẩn, hợp quy, không nên mua các loại đồ chơi trôi nổi, không được kiểm soát trên thị trường.
Hạn chế học sinh tiểu học mang tiền đến trường; giáo dục con em sự nguy hiểm về mất vệ sinh an toàn thực phẩm trước cổng trường.
Không giao xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các quận huyện triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh trước cổng trường học.