Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 4 Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập và các Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2021.
Tiếp theo, ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Về cơ bản, gần như giáo viên từ hạng III trở lên đều được yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, mới đây thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Đáng chú ý là văn bản này, Bộ Nội vụ đã đề nghị giảm 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên.
Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên (Ảnh minh họa: VOV.vn) |
Ý kiến của lãnh đạo Bộ Giáo dục đối với văn bản số 2499/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ
Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức thì lãnh đạo Bộ Giáo dục đã lên tiếng về sự việc này.
Trả lời trên Báo Vietnamnet ngày 2/6, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ vấn đề này như sau:
“…Về quan điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn thống nhất và đồng tình với nội dung báo cáo và các ý kiến mà Bộ Nội vụ đã đề xuất.
Tại thời điểm này, việc rà soát và có những điều chỉnh quy định về công tác bồi dưỡng, cấp và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực và việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển và đòi hỏi của thực tiễn”.
Ông Đặng Văn Bình cũng cho biết thêm:
“Việc rà soát quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động triển khai và đề xuất với Bộ Nội vụ từ năm 2020.
Cụ thể là trong quá trình góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và xây dựng các thông tư thay thế các thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT/BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã 2 lần ký văn bản gửi Bộ Nội vụ đề cập đến nội dung này”.
Trước câu hỏi của phóng viên Báo Vietnamnet là nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ, đồng nghĩa với việc các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh giáo viên cũng sẽ được bãi bỏ thì ông Bình đã cho biết:
“Với định hướng như vậy, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên cũng như các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”. [1]
Như vậy, chúng ta thấy rằng, việc Bộ Nội vụ báo cáo văn bản số 2499/BNV-CCVC lên Thủ tướng Chính phủ và nếu được đồng ý thì tới đây chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên hiện nay sẽ được bãi bỏ.
Tuy nhiên, có thể thay vào đó là một loại chứng chỉ “tích hợp” khác, bởi văn bản số 2499/BNV-CCVC đã kiến nghị nội dung này như sau:
“Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm”. [2]
4 Thông tư Bộ Giáo dục vừa ban hành sẽ phải sửa đổi
Nếu như những nội dung ở văn bản số 2499/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ được Chính phủ chấp thuận cũng đồng nghĩa 4 Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập mà Bộ mới ban hành cách đây tròn 4 tháng phải sửa đổi lại.
Điều này cũng đã được ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục xác nhận: “Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên…”. [1]
Nhưng, tại sao trong năm 2020, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo “đã 2 lần ký văn bản gửi Bộ Nội vụ đề cập đến nội dung này” mà đến ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại vội ban hành 4 Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập?
Đồng thời, ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Trong cả 4 Thông tư này thì gần như các hạng giáo viên đều yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Thậm chí, hướng dẫn của Bộ trong các văn bản này còn hướng dẫn khá cụ thể.
Chẳng hạn như trong Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD thì Bộ nêu ví dụ như sau: “Giáo viên trung học cơ sở hạng II chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II nhưng đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I, thì phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II để bảo đảm đủ điều kiện theo quy định;
Còn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I giáo viên đã có sẽ được sử dụng để đăng kí dự thi/xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I”. [3]
Thực hiện sự chỉ đạo này, các địa phương, trường học đã và đang triển khai việc xếp hạng cho giáo viên và nhiều giáo viên đã phải đi học chứng chỉ. Người gần trường đào tạo thì học trực tiếp, người xa nơi đào tạo thì học trực tuyến để đáp ứng đầy đủ chứng chỉ theo quy định của ngành.
Bây giờ, nếu bỏ chứng chỉ này thì Bộ sẽ giải quyết sự việc này ra sao cho hợp lý? Sửa các Thông tư là chuyện đương nhiên phải làm rồi. Nhưng, những giáo viên đã có chứng chỉ, thậm chí có người học đến 2 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quả là lãng phí vô cùng về thời gian, tiền bạc?
Sợ nhất là văn bản số 2499/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ đã đề cập đến việc bồi dưỡng tích hợp “theo yêu cầu của vị trí việc làm” trong thời gian tới đây!
Bao giờ giáo viên mới hết cảnh chạy theo chứng chỉ? Bộ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng đến khi giáo viên có lại không cần. Yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, đến khi giáo viên học gần hết…lại thôi.
Cứ thế này mãi thì giáo viên đuối lắm, giáo viên chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc để học những chứng chỉ theo hướng dẫn của ngành trong những năm qua nhưng cuối cùng vẫn chẳng đi đến đâu!
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-gd-dt-dong-y-giam-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-voi-giao-vien-742051.html
[2]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-noi-vu-de-xuat-bo-87-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-vien-chuc-trong-do-co-giao-vien-741713.html
[3] https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-971-bgddt-ngcbqlgd-trien-khai-thuc-hien-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-199677-d6.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.