Tàn dư "chỉ tiêu" dự giờ, thao giảng đang đè nặng nhiều trường, nhiều giáo viên

27/07/2021 06:10
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cần chấn chỉnh kịp thời về việc thực hiện sinh hoạt chuyên môn, việc áp chỉ tiêu tiết dự giờ, thao hội giảng ở các trường để giảm áp lực cho giáo viên

Đầu tư cả tháng cho một tiết dạy dự giờ mà tác giả Hướng Dương phản ánh trong bài viết “Vì sao nhiều giáo viên cứ phải "mớm bài" học sinh mỗi khi có dự giờ?” không phải là hiện tượng cá biệt ở một trường, một địa phương, một cá nhân nào đó mà theo quan sát của cá nhân người viết cũng là một giáo viên có gần 30 năm đứng lớp, hiện tượng này gần như phổ biến trong toàn ngành giáo dục.

Giáo viên đang chịu nhiều áp lực về tiết dự giờ (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Giáo viên đang chịu nhiều áp lực về tiết dự giờ (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Khi giáo viên sợ bị góp ý kiểu soi mói

Có nhiều nguyên nhân để giáo viên phải bỏ công sức chuẩn bị thái quá cho một tiết dạy dự giờ vì người dự giờ chủ yếu ngồi quan sát mọi hoạt động của giáo viên, xem họ giảng gì? Nói gì? Tổ chức hoạt động ra sao? Dạy có đúng quy trình? Phân bố thời gian giữa các hoạt động có phù hợp? Có bị “cháy giáo án” hay “bị ướt giáo án” hay không?

Giáo viên sợ đồng nghiệp góp ý kiểu soi mói, chê bai, sợ bị đánh giá dạy không ra gì thì thanh danh, uy tín gây dựng cũng đổ sông, đổ biển. Thế là, thầy cô giáo dạy diễn, học trò học diễn và người dự cũng cùng diễn luôn (bởi biết diễn mà vẫn nhận xét).

Cái kiểu sinh hoạt chuyên môn dự giờ góp ý kiểu này mang tính hình thức, đối phó, kém hiệu quả đã tồn tại dăm chục năm nay. Trước đã thế, bây giờ vẫn thế mà không hề có sự thay đổi dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục hướng dẫn trong các kế hoạch giáo dục hàng năm.

Nhiều trường học chưa chịu đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục

Đó là việc yêu cầu các địa phương đổi mới cách sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học bằng cách đổi mới phương pháp dạy học cũng như thay đổi cách thức sinh hoạt tổ chuyên môn ở trường phổ thông.

Đây chính là điều cần thiết để đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên không ít trường học hiện nay ngại đổi mới, vẫn trung thành với kiểu sinh hoạt chuyên môn cũ từ xưa nên mới xảy ra tình trạng áp chỉ tiêu dự giờ hàng năm, quy định tiết thao giảng, hội giảng cho mỗi giáo viên.

Trong sinh hoạt tổ chuyên môn luôn lấy quy định dự giờ góp ý làm trục chính. Một giáo viên dạy, vài chục giáo viên dự giờ, rồi thi nhau góp ý theo ý kiến chủ quan của mình làm cho buổi sinh hoạt trở nên căng thẳng, áp lưc và nặng nề. Tâm lý sợ dạy dự giờ (sẽ trở thành “tấm bia” cho nhiều người ngắm) của nhiều thầy cô giáo cũng xuất phát từ đây.

Số lượng tiết dự giờ là thành tích để báo cáo

Trước đây, Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT quy định:

2. Mỗi năm học, nhà trường thực hiện hiệu quả các hoạt động dự giờ, hội giảng, thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi các cấp.

a) Lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) đảm bảo dự ít nhất 01 tiết dạy/giáo viên; tổ trưởng, tổ phó đảm bảo dự giờ giáo viên trong tổ chuyên môn ít nhất 04 tiết dạy /giáo viên;

Mỗi giáo viên thực hiện ít nhất 02 bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, 04 tiết dạy của hội giảng hoặc thao giảng do nhà trường tổ chức và 18 tiết dự giờ đồng nghiệp trong hoặc ngoài nhà trường”.

Thế nhưng Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT đã được thay thế bằng Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT.

Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT đã được thay thế bằng Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT. Trong Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT không hề đề cập đến các hoạt động dự giờ, hội giảng, thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi các cấp.

Nói cách khác không còn văn bản pháp lý quy định số tiết dự giờ, thăm lớp của giáo viên.

Vậy mà, không ít trường học ở nhiều địa phương trong cả nước người ta vẫn thực hiện những quy định của Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT. Do đó, giáo viên không chỉ bị nhà trường thường xuyên dự giờ mà còn phải dạy thao giảng, hội giảng và dự giờ đồng nghiệp rất nhiều.

Cuối mỗi học kỳ và cuối năm học, giáo viên đều phải thống kê các tiết dự giờ đã dạy, đã dự trong học kỳ, trong năm để báo cáo. Những tổ chuyên môn có nhiều tiết dự giờ, thao giảng cũng là một trong những tiêu chí bình xét thi đua các danh hiệu.

Áp lực chỉ tiêu đã “đẻ” ra những tiết dự giờ “ma”

Do khống chế số lượng tiết giáo viên dự giờ đồng nghiệp (từ 18 đến 20 tiết/năm) nên nhiều thầy cô giáo không có đủ số tiết dự giờ phải tìm cách hợp thức hóa.

Thế là, cách mà ai cũng biết, cũng làm là cũng gọi là “cấy”, là “sạ” nên chúng tôi thường đùa là những tiết dự giờ “ma”.

Giáo viên này mượn sổ dự giờ của giáo viên kia chép lại, giáo viên kia mượn sổ của giáo viên khác.

Hoặc, giáo viên tự lấy giáo án của mình, của bạn ra viết đại ít dòng. Chỉ một thoáng là có hàng chục tiết dự giờ theo mong muốn.

Có người thắc mắc, vì sao không dự giờ thiệt mà phải cấy “ma”?

Quy định (cũ, hết hiệu lực) mỗi năm giáo viên ngoài phải dạy ít nhất 3-4 tiết thao hội giảng tổ và trường thì phải có khoảng gần 20 tiết dự giờ đồng nghiệp. Giáo viên đi dạy suốt ngày thì thời gian nào để dự giờ các thầy cô giáo khác với số lượng nhiều như thế?

Cũng có thời gian rảnh nghỉ tiết nhưng đâu phải muốn dự giờ ai cũng được? Muốn dự giờ thầy cô giáo nào đó phải đặt vấn đề xin trước. Nếu đồng nghiệp đồng ý mới cho mình vào dự, không có sự đồng ý thì thôi. Tuy thế, thường nhận được sự từ chối khéo léo đôi khi cũng thẳng thừng.

Hỏi vì sao giáo viên thường từ chối cho người khác vào dự giờ? Không nói thì ai trong nghề cũng hiểu, chuẩn bị một tiết cho người khác vào ngồi dự vừa mất thời gian của giáo viên mà học sinh cũng khó tập trung học tập.

Bội thực dự giờ đang là thực trạng ở nhiều trường học hiện nay. Vì áp lực thành tích (có số lượng tiết dự giờ nhiều để báo cáo) nên việc ấn định chỉ tiêu số lượng tiết dự giờ cần đạt cho mỗi giáo viên hàng năm đã tạo cho thầy cô quá nhiều áp lực dẫn đến tìm cách đối phó để mong muốn đạt chỉ tiêu.

Bộ Giáo dục cần chấn chỉnh kịp thời

Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT đã cởi bỏ cho giáo viên áp lực dự giờ (không còn quy định số tiết dự giờ hàng năm, số tiết thao hội giảng.

Vấn đề là nhiều trường học hiện nay vẫn còn áp dụng. Chúng tôi hy vọng rằng, Bộ Giáo dục cần có những chấn chỉnh kịp thời về việc thực hiện sinh hoạt chuyên môn, việc quy định áp chỉ tiêu tiết dự giờ, thao hội giảng ở các trường để giảm bớt những áp lực không đáng có cho giáo viên giúp các thầy cô chuyên tâm vào giảng dạy.

Là giáo viên, ai cũng hiểu dự giờ là hoạt động giáo dục không thể thiếu ở mỗi trường học. Nếu thực hiện tốt việc dự giờ sẽ mang lại nhiều điều lợi như tạo ra diễn đàn trao đổi chuyên môn giữa các giáo viên trong nhà trường nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho nhiều thầy cô giáo.

Tuy nhiên nếu quá lạm dụng việc dự giờ ích lợi đâu không thấy mà hiệu quả hoàn toàn ngược lại như tạo cảm giác nặng nề, mệt mỏi và vô cùng áp lực cho cả giáo viên và học sinh thì rất dễ nảy sinh tư tưởng đối phó làm mất đi tính tích cực của việc dự giờ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên