Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 5512/BGDĐT – GDTrH (gọi tắt là công văn) về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Từ đó đến nay công văn dấy lên những luồng ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến ủng hộ, song nhiều hơn là những ý kiến phản bác, cho là “hình thức”, “làm khổ giáo viên”…….
Trước tình hình đó, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính (Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) để hiểu rõ hơn bản chất của tinh thần công văn này.
Phóng viên: Xin thầy cho biết sự cần thiết, tính thời sự và tầm quan trọng của công văn 5512 trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018?
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính: Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” mà tinh thần chủ đạo là “chuyển một nền giáo dục từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất, năng lực người học”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chương trình phổ thông tổng thể và chương trình các môn học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học và ban hành năm 2018.
Đồng thời các bộ sách giáo khoa theo chương trình này cũng được tổ chức biên soạn và được tổ chức triển khai (lớp 1 từ năm học 2020-2021, và từ năm học 2021-2022 lớp 2 và lớp 6).
Trước khi bàn về sự cần thiết, tính thời sự và tầm quan trọng của Công văn cần nói đôi điều về năng lực, những dấu hiệu của năng lực và những điều kiện cần và đủ để rèn luyện năng lực cho học sinh (thay vì truyền thụ kiến thức.)
Mặc dù còn nhiều quan điểm khác nhau về “năng lực”, song các nhà giáo dục học đều thống nhất một điều là “năng lực chỉ có thể được phát lộ và phát triển thông qua hoạt động trong bối cảnh cuộc sống thực của từng cá nhân, khi con người sử dụng, huy động các nguồn tri thức khác nhau để giải quyết thành công các vấn đề trong cuộc sống”. Như vậy năng lực chỉ được bộc lộ và phát triển trong hoạt động, khi con người phát huy các phẩm chất cá nhân, huy động các nguồn tri thức khác nhau để thực hiện thành công công việc của mình.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính (Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) - ảnh thầy Chính cung cấp |
Có thể nhấn mạnh những đặc trưng cơ bản của năng lực như:
Năng lực là của từng cá thể, do học sinh tự rèn luyện cho bản thân (không ai học hộ ai), năng lực của các học sinh khác nhau là khác nhau.
Năng lực chỉ có thể được bộc lộ và phát triển trong bối cảnh thực của cuộc sống (không phải trong lớp, trong phòng thí nghiệm hay các tình huống giả định)
Năng lực chỉ có thể được bộc lộ và phát triển trên cơ sở những kiến thức do người học tự kiến tạo (không phải do tiếp thu từ giáo viên), tất nhiên dưới sự hướng dẫn, tổ chức của giáo viên.
Năng lực là phải thành công.
Năng lực cần được rèn luyện suốt đời.
Trở lại với chương trình phổ thông tổng thể và chương trình các môn học đã được xây dựng và ban hành năm 2018. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quy định 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi cho toàn thể học sinh phổ thông Việt Nam. Còn trong các môn học đã quy định những năng lực chuyên biệt cho cả 12 năm, và được phân bố từ lớp 1 đến lớp 12. Các phẩm chất, năng lực được tổ chức để học sinh rèn luyện trong suốt 12 năm học và tiếp tục trong suốt cuộc đời.
Mỗi năng lực đều có các năng lực thành phần và các biểu hiện được phân chia cho các cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Trên cơ sở các năng lực được quy định trong chương trình, các bộ sách giáo khoa được tổ chức biên soạn và ban hành. Sách giáo khoa chỉ có nhiệm vụ cung cấp ngữ liệu để giáo viên tổ chức cho học sinh tự kiến tạo các kiến thức, kĩ năng để hướng tới các năng lực đã được quy dịnh trong chương trình. Các trường căn cứ đối tượng học sinh, điều kiện kinh tế-xã hội địa phương, các nguồn lực của trường … lựa chọn sách giáo khoa phù hợp. (có thể bổ sung các nội dung địa phương)
Đến đây nếu theo cách dạy “truyền thụ kiến thức”, giáo viên chỉ cần mang sách giáo khoa lên lớp, tổ chức truyền đạt hết nội dung sách giáo khoa, học sinh ngồi trật tự, chăm chú lắng nghe, ghi chép đầy đủ …là hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng quá trình dạy học theo cách tổ chức để học sinh rèn luyện năng lực sẽ diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn khác. Điều này nói lên tính thời sự, tầm quan trọng của công văn.
Như đã nói ở trên, chương trình giáo dục phổ thông và chương trình các môn học quy định các phẩm chất, năng lực chung cho học sinh cả nước để rèn luyện trong suốt 12 năm.
Tuy nhiên, học sinh với tư cách là chủ thể rèn luyện các phẩm chất, năng lực nêu trên, mỗi nơi mỗi khác, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, địa lí, lịch sử….mỗi nơi mỗi khác, các điều kiện cụ thể vể đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kĩ thuật mỗi trường mỗi khác. Và để rèn luyện phẩm chất, năng lực cho những học sinh khác nhau thì mỗi nơi cũng phải mỗi khác.
Công văn 5512 là văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực chất là hương dẫn các trường xây dựng kế hoạch thực thi chương trình quốc gia cho phù hợp nhất với học sinh trường mình, với điều kiện cụ thể của trường mình, trong bối cảnh thực tế của địa phương mình. Như vậy nếu các mục tiêu được quy định trong chương trình là chung và duy nhất, thì cách tổ chức rèn luyện cho học sinh, lộ trình….. sẽ mỗi nơi mỗi khác. Và chỉ có bằng con đường như vậy các phẩm chất, năng lực được qui định trong chương trình mới có thể được thực hiện thành công. Công văn 5512 đang hướng dẫn các trường như vậy.
Quan trọng như vậy, theo thầy, sao thời gian qua vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về công văn này?
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính: Theo tôi, thời gian qua, nhiều chuyên gia, thầy cô có ý kiến trái chiều về Công văn 5512 vì các phụ lục chưa phù hợp với tinh thần công văn.
Thứ nhất, phụ lục 1 về Kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn.
Phụ lục này vừa thừa (Mục I) vừa thiếu (thay mục I bằng Vị trí môn học trong chương trình, mối liên hệ với các môn học gần; Những đặc trưng cơ bản của học sinh: Bối cảnh địa phương, những nội dung địa phương có thể tích hợp vào môn học…).
Mục II quan trọng nhất nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể: Trong mục này có cột “yêu cầu cần đạt” - đây chính là những mục tiêu học tập vừa đáp ứng yêu cầu năng lực của chương trình quốc gia, vừa phù hợp với học sinh trường mình, với các điều kiện cụ thể của trường mình, của địa phương mình. Và đây là mục cần hướng dẫn các trường rất cụ thể, chi tiết để sao cho mỗi trường xây dựng được hệ mục tiêu môn học: hành vi hóa theo bậc nhận thức, lượng hóa (hữu hạn), khả thi với học sinh của trường. (thí dụ một môn học có cỡ 45-50 mục tiêu, mỗi bài có 3-5 mục tiêu tùy lớp ) mà vẫn đáp ứng mục tiêu chung của chương trình quốc gia. Hệ mục tiêu này thống nhất trong toàn tổ chuyên môn, được hiệu trưởng phê duyệt, còn mỗi giáo viên sẽ có kế hoạch cụ thể để thực hiện ở lớp mình
Mục 2 trong mục II Kiểm tra đánh giá định kì: Đây là mục quan trọng cần quy định kiểm tra đánh giá hết các mục tiêu đã được quy định trong mục Phân phối chương trình với các hình thức khác nhau vào các thời điểm khác nhau. Cần nhớ rằng mỗi hoạt động dạy học đều bắt đầu từ mục tiêu và kết thúc bằng đánh giá mức độ đạt mục tiêu. (không có đánh giá coi như không có quá trình dạy học).
Ngoài ra cần hướng dẫn các hình thức đánh giá thường xuyên, trong suốt quá trình dạy học.
Thứ hai, phụ lục 4 về mẫu kế hoạch bài học (cần nói thêm đây là kế hoạch bài học (lesson plan), tức là kế hoạch để học sinh học chứ không phải là kế hoạch bài dạy. Do vậy kế hoạch bài học phải rất cụ thể, chi tiết, nhất là mục tiêu bài học phải thiết kế sao cho học sinh biết phải làm gì, như thế nào để dạt mục tiêu và tự đánh giá mức độ đạt mục tiêu): Theo tôi, mẫu này về cơ bản là chưa chính xác, bởi:
Mục đầu tiên quan trọng nhất của kế hoạch bài học có tên: kiến thức -năng lực -phẩm chất. Từ “kiến thức” không cùng thứ nguyên với “phẩm chất, năng lực”, mà phải là “nhận thức” (bao gồm kiến thức, kĩ năng). Như vậy tên mục này phải là: nhận thức (kiến thức, kĩ năng) – năng lực – phẩm chất.
Mục tiêu của bài học chỉ bao gồm những kiến thức, kĩ năng mà học sinh cần và phải chiếm lĩnh được sau một bài học, còn những phẩm chất, năng lực chung cũng như chuyên biệt được qui định trong chương trình tổng thể cũng như trong chương trình môn học thì học sinh phải được tổ chức rèn luyện trong suốt 12 năm học và suốt cuộc đời. Các mục tiêu kiến thức, kĩ năng là nhằm hướng tới các phẩm chất, năng lực này thôi.
Các mục tiêu bài học phải được hành vi hóa theo bậc nhận thức, lượng hóa và khả thi (3-5 mục tiêu cho 1 bài)
Chưa kể, phụ lục này quá chi tiết phần hướng dẫn cách tổ chức các hoạt động: Thông thường mỗi mục tiêu (được xác định ở trên) có một hoạt động tương ứng, học sinh thông qua hoạt động tự chiếm lĩnh mục tiêu (không phải tiếp thu), để trên cơ sở đó phát triển năng lực. Nhiệm vụ của giáo viên là căn cứ mục tiêu bài học, tổ chức để học sinh hoạt động, giáo viên quan sát, hỗ trợ từng học sinh hay nhóm học sinh hoạt động, và cuối cùng đánh giá mức độ đạt mục tiêu của học sinh và chuyển sang mục tiêu khác, hoạt động khác.
Hơn nữa, cách hướng dẫn trong phụ lục chưa theo nguyên tắc này, quá sơ sài phần hướng dẫn xác định mục tiêu bài học, chưa chính xác phần hướng dẫn tổ chức hoạt động, gây lúng túng cho giáo viên.
Còn nguyên nhân nào khác không, thưa thầy?
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính: Tôi cho rằng, việc chuyển nền giáo dục chủ yếu truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất, năng lực người học là con đường tất yếu, duy nhất để nước ta có thể tồn tại và phát triển trong thế giới số, hội nhập và cạnh tranh. Đây là nhiệm vụ lịch sử của ngành giáo dục cũng như của toàn xã hội.
Tuy nhiên bước nhảy này quá dài, quá to lớn mà hệ thống quản lí, đội ngũ giáo viên cũng như người dân không hình dung hết và chưa chuyển kịp về tư duy cũng như hành động dẫn đến những tranh cãi.
Cụ thể, hệ thống quản lí (bao gồm hệ thống văn bản pháp quy, đội ngũ cán bộ quản lí các cấp) chưa kịp đổi mới tư duy cũng như các văn bản, biện pháp quản lí cho phù hợp với yêu cầu của chương trình định hướng năng lực.
Đội ngũ giáo viên các bậc học chưa được trang bị những kĩ năng dạy học theo tiếp cận năng lực, quá quen với cách dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức, học sinh chưa quen với việc lên lớp là hoạt động chứ không phải ngồi nghe thầy giảng.
Một loạt nguyên nhân khác, như tổ chức phòng học, lớp học….hiện nay không phù hợp với lớp học theo tiếp cận năng lực…
Đời sống của giáo viên hiện nay cũng là một cản trở không nhỏ cần được quan tâm giải quyết càng sớm càng tốt.
Nói như vậy để thấy, Công văn 5512 là văn bản quan trọng, thể hiện tinh thần của chương trình định hướng phát triển năng lực học sinh. Tuy nhiên, cần chỉnh sửa các phụ lục để triển khai tới từng giáo viên, cán bộ quản lí các cấp trên phạm vi cả nước thì mới có thể thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018, tức là góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 29 Trung ương về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam”.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư.