Các trường đang chờ, Bộ cần khẩn trương hướng dẫn thành lập tổ Khoa học tự nhiên

13/09/2021 06:32
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi ra đề kiểm tra, chấm bài, vào điểm, nhận xét phẩm chất, năng lực của học sinh thì những giáo viên dạy các phân môn này rất cần trao đổi, thống nhất với nhau.

Bắt đầu từ năm học 2021-2022 này thì chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã thực hiện giảng dạy đối với lớp 6 ở cấp trung học cơ sở nhưng nhiều trường học vẫn còn lúng túng trong việc sắp xếp thời khoa biểu, nhân sự và định hướng cách kiểm tra thường xuyên, định kỳ trong thời gian tới đây.

Các phân môn của môn học tích hợp vẫn đang được chia ra để dạy, người nào được đào tạo môn nào thì dạy phân môn đó và đây cũng là định hướng của Sở, Phòng Giáo dục trong quá trình tập huấn và triển khai các kế hoạch trong năm học 2021-2022.

Thậm chí các phân môn của môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn chưa có gì thay đổi, các tổ chuyên môn vẫn đang được tổ chức hoạt động độc lập như trước đây và Bộ cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể về sắp xếp các tổ chuyên môn đối với những môn học mới này.

Trong khi, nếu như các tổ cũng được sắp xếp, thay đổi theo môn học thì sẽ phát huy được rất nhiều lợi thế cho giáo viên dạy các môn tích hợp vì họ cùng chung một tổ sẽ được sinh hoạt chuyên môn cùng nhau và dễ dàng thống nhất, tháo gỡ những khó khăn với nhau.

Chương trình môn Khoa học tự nhiên. (Ảnh minh hoạ: rgep.moet.gov.vn)

Chương trình môn Khoa học tự nhiên. (Ảnh minh hoạ: rgep.moet.gov.vn)

Môn học thì đã thành “tích hợp” nhưng các phân môn vẫn hoạt động riêng lẻ

Thời gian gần đây, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều bài viết phân tích, phản ánh về những bất cập trong việc chỉ đạo, thực hiện giảng dạy các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

Những bài viết này chủ yếu là của các nhà giáo đang giảng dạy tại các trường trung học cơ sở nên nội dung rất sát thực với thực tế khi áp dụng các môn học tích hợp vào cấp học này nên đã nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo trên cả nước.

Những tháng vừa qua, để chuẩn bị cho năm học 2021-2022 thì Bộ Giáo dục đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23/6/2021 nhằm triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022. Trong đó, Bộ đã hướng dẫn như sau: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.

Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học”.

Tiếp theo, ngày 21/7/2021 vừa qua thì Bộ tiếp tục ban hành một số Quyết định như: Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở…

Cả 2 quyết định này cũng chỉ hướng dẫn cho giáo viên về việc bồi dưỡng chuyên môn để có chứng chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu tới đây 1 giáo viên sẽ dạy cả môn học tích hợp.

Mới đây nhất, ngày 27/8/2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Theo đó, Bộ hướng dẫn cho phép 2-3 giáo viên cùng dạy một môn. Có nghĩa là giáo viên phân môn nào dạy phân môn đó và đây cũng là phương án được các trường học đang triển khai ở năm học mới này.

Nhìn chung, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chủ trương xóa bỏ nhiều môn học độc lập ở chương trình 2006 để “tích hợp” thành những môn học mới.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu và chứng kiến việc triển khai dạy các môn tích hợp, điều chúng tôi khá bất ngờ là đến thời điểm này gần như cơ cấu tổ chức các tổ chuyên môn vẫn chưa có gì thay đổi so với trước đây, nhất là đối với môn Khoa học tự nhiên- môn học có nhiều thay đổi nhất ở cấp trung học cơ sở.

Có lẽ các trường cũng đang chờ đợi sự chỉ đạo từ trên nhưng đến nay không thấy có chỉ đạo gì mới nên các tổ chuyên môn vẫn được giữ nguyên như cũ. Vì thế, giáo viên có thể được biên chế ở 2 tổ chuyên môn khác nhau nhưng lại cùng dạy chung với nhau 1 môn học.

Nếu vẫn để cơ cấu tổ chức các tổ chuyên môn như hiện nay thì việc triển khai dạy môn tích hợp liệu có ổn?

Theo cơ cấu tổ chức về phân chia các tổ chuyên môn ở đa phần các trường trung học cơ sở loại II, loại I hiện nay thì thường ghép 2-3 môn thành 1 tổ. Đối với môn Lịch sử và môn Địa lí thường được ghép với nhau thành tổ Sử- Địa vì đây là 2 môn học có số tiết/ tuần ít mà kiến thức cũng gần gũi với nhau.

Vì thế, khi có chủ trương ghép 2 môn học này thành môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì tổ chuyên môn này có nhiều thuận lợi. Bởi, trong sinh hoạt chuyên môn và triển khai các kế hoạch của môn học mới thì giáo viên 2 phân môn này dễ dàng thảo luận, trao đổi với nhau.

Tuy nhiên, đối với các môn học Vật lí, Hóa học, Sinh học được “tích hợp” thành môn Khoa học tự nhiên thì đa phần đang được cơ cấu thành thành 2 tổ chuyên môn riêng biệt và đến thời điểm này- khi năm học mới đã được triển khai nhưng các trường vẫn giữ nguyên cơ cấu nhân sự ở các tổ này riêng lẻ như cũ.

Mô hình chung trong việc phân chia tổ chuyên môn này hiện nay thường sắp xếp như sau: môn Vật lí thường được ghép với môn Công nghệ 8, 9 để gọi thành tổ Lí- Công nghệ. Môn Hóa học- Sinh học- Công nghệ 7 thường được ghép với nhau để gọi là tổ Hóa- Sinh.

Đáng lẽ ra, khi có chủ trương triển khai các môn học Lí-Hóa-Sinh thành môn Khoa học tự nhiên thì ngay đầu năm học 2021-2022 này, các trường phải thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại tổ chuyên môn cho đúng với môn học mới là tổ Khoa học tự nhiên sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Cho dù ở năm học này, các giáo viên chỉ dạy phân môn của mình thì các trường cũng nên sắp xếp lại thành một tổ chuyên môn để mỗi tháng có 2 lần sinh hoạt chuyên môn với nhau, giáo viên dạy các phân môn này sẽ có những trao đổi những khó khăn, những phát sinh trong giảng dạy.

Đặc biệt, theo hướng dẫn của Bộ thì các bài kiểm tra định kỳ sẽ chia tỉ lệ từng phân môn với nhau và tất nhiên khi ra đề, chấm bài, vào điểm, nhận xét phẩm chất, năng lực của học sinh lớp 6 thì giáo viên dạy các phân môn này rất cần trao đối với nhau.

Nhưng, mỗi người một tổ chuyên môn thì giáo viên không dễ dàng gặp gỡ, thống nhất với nhau được. Bởi, nếu cùng tổ chuyên môn thì có ngày bộ môn trong tuần để sinh hoạt chuyên môn với nhau mỗi tháng 2 lần nhưng khác tổ thì ngày bộ môn sẽ khác nhau. Những lúc như vậy chắc chắn sẽ rối…

Vì thế, ngay trong việc sắp xếp lại các tổ chuyên môn đối với các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở thì chúng ta cũng thấy được sự chậm trễ. Rồi đây, khi kiểm tra định kỳ vào thời điểm giữa học kỳ, cuối học kỳ chắc chắn những rắc rối sẽ phát sinh nhiều hơn ở các nhà trường.

Trong khi, đáng lẽ ra ngay đầu năm học này Bộ, Sở, Phòng có chủ trương sáp nhập các tổ này lại với nhau thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều bởi khi giáo viên dạy các phân môn của môn tích hợp mà cùng sinh hoạt, giảng dạy với nhau trong một tổ chuyên môn thì họ dễ dàng tháo gỡ những khó khăn với nhau hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI