Áp lực khi dạy học trực tuyến
Học sinh không đến trường do dịch bệnh, việc học trực tiếp được chuyển thành học trực tuyến. Giáo viên không đến trường mà dạy học ở nhà. Nếu so với việc dạy ở nhà và dạy ở trường thì các thầy cô giáo vất vả, cực khổ hơn rất nhiều.
Nội dung bồi dưỡng trực tuyến hiện nay có phần nặng đối với nhiều giáo viên (Ảnh chụp từ màn hình trang web bồi dưỡng trực tuyến). (Ảnh N.D) |
Không đơn giản chỉ ngồi vào máy nói là xong, để có những bài giảng hay, thầy cô giáo phải đầu tư soạn giảng. Không chỉ dạy cho vài chục học sinh mà còn có vài chục phụ huynh luôn tham dự, dõi theo.
Giáo án dạy trực tuyến đâu đơn giản như giảng dạy bình thường, phải thiết kế hay, sinh động, phải ngắn gọn nhưng vẫn phải đảm bảo những nội dung cốt yếu.
Phần đông giáo viên ngồi cả buổi chưa soạn xong cho một vài tiết dạy. Rồi ra bài tập, nhận bài chấm trên zalo. Chỉ mỗi việc nhận bài của học sinh cũng đủ mệt và khá phiền toái.
Các em gửi bất kể giờ nào trong ngày. Có khi là 12 giờ trưa, là 11 giờ đêm, thậm chí là sang ngày hôm sau vẫn còn gửi vì phụ huynh nói mình không ngủ được nên quên mất thời gian.
Mỗi ngày dạy xong, giáo viên phải lên danh sách em nào tham dự học, em nào vắng để liên hệ với phụ huynh biết lý do. Rồi gửi bài học cho những em không có điều kiện học trực tuyến, giảng bài qua zalo riêng cho một số em chưa hiểu bài… Ngoài việc dạy, soạn bài còn phải ra đề kiểm tra sao cho phù hợp với việc dạy và học online.
Việc dạy đã áp lực thì việc học module 4 còn căng thẳng nhiều hơn khi các thầy cô phải hoàn thành trong thời hạn khoảng hơn chục ngày.
Chẳng hiểu sao, có nguyên cả tháng 8 là thời gian các thầy cô hết nghỉ hè nhưng vẫn chưa vào dạy chính thức, chỉ mới tham gia các hoạt động giáo dục khác như hội họp, ôn tập cho học sinh thi lại, học chính trị, chuẩn bị các công tác cho năm học mới…nhưng không tổ chức học module 4.
Vắt chân lên cổ học module 4
Ngay tại thời điểm dạy học căng thẳng thế này lại yêu cầu giáo viên học và hoàn thành module 4 trong thời gian sớm nhất khiến chúng tôi phải "vắt chân lên cổ".
Những bất cập về nội dung cũng như công tác tổ chức cho giáo viên học các module đã được nhiều đồng nghiệp phản ánh qua không ít bài viết đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian qua, nhưng dường như những vị phụ trách việc này trên Bộ, trên sở cứ bỏ ngoài tai, kiểu “ai nói cứ nói, mình làm cứ làm”.
Nhiều nội dung yêu cầu học của các module dài dòng, vô bổ mà chẳng thấy giúp gì cho việc giảng dạy của giáo viên.
Module nào cũng phân tích Kế hoạch bài dạy (giáo án) minh họa, hãi nhất là giáo án soạn theo mẫu 5512 dài lê thê gồm các nội dung: Mục tiêu dạy học; Thiết bị dạy học và học liệu; Tiến trình dạy học; Hồ sơ dạy học.
Và rất nhiều nội dung như hướng dẫn giáo viên xây dựng Kế hoạch bài dạy (giáo án), gồm các phần: Trao đổi về kế hoạch bài dạy; Quan niệm và vai trò của kế hoạch bài dạy; Các yêu cầu khi xây dựng kế hoạch bài dạy; Cấu trúc kế hoạch bài dạy; Cách thức xây dựng kế hoạch bài dạy; Phân tích đánh giá kế hoạch bài dạy; Phân tích video sinh hoạt chuyên môn xây dựng kế hoạch bài dạy.
Để hoàn thành phần học này, giáo viên phải xem, phải nghe khá nhiều video có thời lượng từ vài phút đến cả gần hai chục phút/video. Ví như, video phần Các yêu cầu khi xây dựng kế hoạch bài dạy dài gần 5 phút; video phần Cấu trúc kế hoạch bài dạy dài gần 7 phút, đặc biệt video phần Phân tích sinh hoạt chuyên môn xây dựng kế hoạch bài dạy dài gần 17 phút…
Ngoài ra, giáo viên phải nộp lên hệ thống LMS các sản phẩm: Sản phẩm 1. Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn cho 1 khối lớp (bao gồm 1 kế hoạch dạy học môn học và 1 kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục); Sản phẩm 2. Một kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Sau khi hoàn thành mỗi module, các thầy cô giáo phải làm bài khảo sát với số lượng vài chục câu hỏi. Những câu hỏi khảo sát module 4 gần như lập lại của các module 1, 2, 3.
Để hoàn thành việc học các module, giáo viên phải bỏ khá nhiều thời gian. Vì thế, có thầy cô giáo làm chưa kịp thì phòng sao tên gửi về trường nhắc nhở.
Tin nhắn nhắc nhở |
Hiệu trưởng tế nhị, nhắn giáo viên hoàn thành phần học gấp, hiệu trưởng nóng tính khi tên trường bị nêu thì la rày, to tiếng làm thầy cô cảm thấy bị tổn thương. Giáo viên chưa hoàn thành việc học còn có cảm giác mình làm ảnh hưởng luôn đến cả trường.
Có thầy cô giáo bức xúc: “Hãy nhìn xuống chúng tôi và đặt vào vị trí chúng tôi để hiểu cho giáo viên. Tôi là giáo viên dạy cả sáng cả chiều kiêm nghiệm giáo viên chủ nhiệm và một số công việc khác quá bận lại thêm bồi dưỡng module tôi quá áp lực...”.
Nhiều người thắc mắc, sao không tổ chức học modun thời gian khác (tháng 8 là thời điểm vàng để giáo viên học tập) mà năm nào cũng vào đầu năm học, vào thời gian thi giữa kỳ, học kỳ lại yêu cầu học tập?
Nếu không tổ chức được thời gian hợp lý, hãy khoán việc học cho các thầy cô theo kiểu một năm phải hoàn thành bao nhiêu module. Giáo viên có thể tự sắp xếp thời gian cho mình để học, miễn sao hết năm học các thầy cô giáo hoàn thành là đạt.
Đừng nên yêu cầu học module mà ấn định thời gian phải xong, rồi liên tục kiểm tra, sao tên, nhắc nhở. Khi giáo viên áp lực chịu không nổi, họ sẽ tìm cho mình biện pháp an toàn như việc bỏ tiền thuê người học như một số thầy cô giáo đang áp dụng hiện nay. Và khi đó, tiến độ học luôn hoàn thành nhưng chất lượng của việc học lại quay về con số không như chưa hề học.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.