Dạy và học trực tuyến kéo dài thầy trò đã thấm mệt, nghỉ 1 tuần là cần thiết

26/11/2021 06:35
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cho học sinh nghỉ học 1 tuần sau nhiều tuần học trực tuyến là cần thiết và có ý nghĩa rất lớn vì lúc này thầy trò ở các nhà trường phổ thông đều thấm mệt.

Thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho học sinh tiểu học nghỉ 1 tuần kể từ ngày 29/11 đến ngày 5/12 tới đây đang nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh, học sinh và ngay cả với nhiều thầy cô giáo.

Bởi, việc dạy và học trực tuyến suốt một thời gian dài phải nói là cả thầy và trò ở các trường phổ thông đều rất mệt mỏi, việc cho học sinh nghỉ “xả hơi” 1 tuần là rất cần thiết để các em vơi bớt đi những áp lực trong học tập.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ngành giáo dục An Giang không chỉ cho học sinh tiểu học nghỉ 1 tuần mà hiện nay cũng đang thực hiện việc lấy ý kiến khảo sát của đội ngũ giáo viên để học học sinh các cấp còn lại được nghỉ một vài hôm sau kỳ kiểm tra giữa kỳ I.

Việc làm này rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn vì lúc này thầy trò ở các nhà trường đều thấm mệt. Nếu được nghỉ một tuần để các học sinh nghỉ ngơi và các thầy cô giáo tập trung cho một số công việc chuyên môn như hoàn tất việc tập huấn module 4, chấm bài kiểm tra giữa kỳ, chuẩn bị một số giáo án…nên chủ trương này được đa số mọi người đều ủng hộ.

An Giang đã có quyết định cho học sinh tiểu học nghỉ 1 tuần (Ảnh: Kim Oanh)

An Giang đã có quyết định cho học sinh tiểu học nghỉ 1 tuần (Ảnh: Kim Oanh)

Học trò cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang quá tải

Hiện nay, học sinh tiểu học ở nhiều địa phương mà dịch bệnh phức tạp chỉ học trực tuyến bắt buộc 3 môn là Tiếng Việt, Toán và Tiếng Anh, các môn khác thì dạy qua truyền hình hoặc giáo viên quay video đăng trên các kênh trực tuyến của của nhà trường.

Nhưng học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì học tất cả các môn nên mỗi tuần các em học liên tục từ thứ Hai đến thứ Bảy với gần 30 tiết học. Vì thế, nhiều môn đang phải học trái buổi như Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Nội dung giáo dục địa phương…

Đó là chưa kể một số em đang tham gia đội tuyển học sinh giỏi mỗi tuần sẽ có từ 2-3 buổi ôn thi cùng với thầy cô giáo bộ môn.

Nhìn chung, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở các địa phương chưa thể đến trường học trực tiếp, đang phải học trực tuyến có lịch học dày đặc kín tuần.

Những em có máy tính thì còn vơi bớt căng thẳng vì hình ảnh, chữ viết lớn, dễ nhìn để ghi chép nhưng nhiều học sinh phải học qua điện thoại nên các em cắm cúi vào màn hình suốt buổi học và tất nhiên là rất áp lực và căng thẳng.

Thông thường, học kỳ I sẽ kiểm tra vào tuần thứ 9 hoặc thứ 10 của năm học nhưng năm nay do dịch bệnh nên nhiều địa phương cho học sinh lớp 9 và lớp 12 học từ ngày 6/9 nên các em đã đang học tuần thứ 12. Đối với những khối còn lại thì học muộn hơn.

Chính vì thế, thời điểm này học sinh đang kiểm tra giữa kỳ hoặc vừa kiểm tra giữa kỳ xong. Đây là thời điểm mà các Sở Giáo dục cho phép nghỉ học 1 tuần giữa kỳ là phù hợp nhất.

Nghỉ 1 tuần để các em bớt đi căng thẳng và lấy lại cân bằng để tiếp tục bước vào những tuần cuối học kỳ và chuẩn bị cho kiểm tra cuối học kỳ I tới đây.

Nếu lịch học trực tuyến kéo dài liên tục suốt cho hết học kỳ I không được nghỉ một tuần hoặc một vài ngày phải nói là quá tải đối với phần lớn học sinh, nhất là các em học sinh cuối cấp và những em đang tham gia ôn thi học sinh giỏi ở các cấp.

Vì thế, nhiều học sinh đang rất mong ngóng được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép được nghỉ 1 tuần để các em vơi bớt mệt nhọc, căng thẳng sau hơn 2 tháng học tập trực tuyến với vô số bài vở và kiểm tra thường xuyên, định kỳ dày đặc.

Thầy cô giáo cũng đang quá tải và rất áp lực

Đối với những địa phương đang phải dạy và học trực tuyến thì lúc này, những người đang quá tải nhất là những thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên dạy các môn nhiều tiết/ tuần như Văn, Toán, tiếng Anh…

Một số thầy cô dạy môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở chia sẻ với chúng tôi họ đang quá tải trong việc chuẩn bị giáo án hàng tuần. Bởi vì đa số cấp học này đều phân công giáo viên dạy 2 khối lớp.

Vì thế, nếu giáo viên được phân công dạy Ngữ văn lớp 9 và lớp 6 thì trung bình mỗi tuần đã phải soạn 9 tiết giáo án chính khóa. Ngoài ra, chương trình lớp 6 còn có phân môn Ngữ văn trong Nội dung giáo dục địa phương nên có thời điểm họ phải soạn thêm 2 giáo án nữa.

Nếu giáo viên mà kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp 6 thì còn thêm 1-2 tiết Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo án chủ nhiệm và một số giáo viên tham gia ôn thi học sinh giỏi môn Văn mỗi tuần 4-6 tiết nữa.

Như vậy, nếu một giáo viên được phân công dạy Văn lớp 6, lớp 9 và được phân công ôn học sinh giỏi hoặc chủ nhiệm lớp 6 thì có thời kiểm mỗi tuần phải soạn khoảng 15 tiết giáo án PowerPoint song hành cùng giáo án Word.

Trong khi, chương trình lớp 6 năm nay là mới hoàn toàn nên họ phải đầu tư rất nhiều để có một tiết giảng dạy trên lớp.

Ngoài việc soạn giáo án giảng dạy, tham gia một số phong trào, hội họp thì giáo viên còn phải tham gia các buổi tập huấn chuyên môn của ngành, tham gia tập huấn modul 4, dự giờ, thao giảng, hoàn thành hồ sơ, sổ sách, báo cáo…

Phải nói rằng nhiều thầy cô giáo đang dạy trực tuyến thực sự quá tải vì công việc. Suốt ngày, họ “ôm” máy tính soạn bài, giảng dạy, chấm bài, vào điểm, tập huấn…

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng việc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho học sinh tiểu học nghỉ 1 tuần và đang khảo sát để có thể cho học sinh các cấp còn lại được nghỉ một số ngày là việc làm rất cần thiết và ý nghĩa trong thời điểm này.

Bởi, nghỉ một số ngày hay 1 tuần thì về cơ bản cũng không ảnh hưởng nhiều tới khung thời gian mà Bộ và các Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) đã ban hành ở đầu năm học.

Thiết nghĩ, những địa phương đang dạy và học trực tuyến cũng cần nghiên cứu và cho học sinh các cấp phổ thông nghỉ 1 tuần là rất cần thiết. Bởi, cả thầy và trò ở các nhà trường đều đang rất căng thẳng, áp lực trong việc dạy và học trực tuyến suốt nhiều tuần vừa qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

KIM OANH