Thầy Nguyễn Duy Bỉnh (1975) - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Quang (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) là một trong số các nhà giáo vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ V, năm học 2020 - 2021.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Bỉnh cho biết: “Trường nằm trên địa bàn xã miền núi xa trung tâm, học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm 40 - 50%, điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, không nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, giáo dục cần thiết của gia đình, điều này đã khiến các em mất phương hướng, thiếu thốn nhiều mặt. Đặc biệt điểm tuyển sinh đầu vào hàng năm của nhà trường là 16 điểm, luôn thấp nhất thành phố.
Về cán bộ, công nhân viên, giáo viên nhà trường sau 7 năm thành lập đến nay mới tạm ổn định, thầy cô trẻ, có trình độ nhưng chưa phát huy hết năng lực, các giáo viên đi dạy hàng ngày phải di chuyển từ 30-50km. Điều này khiến tôi rất trăn trở về sự an toàn và lòng nhiệt huyết gắn bó với nhà trường, vậy làm sao để phát triển, xóa đi khoảng cách về chất lượng giáo dục với các trường phổ thông trong cụm và Thành phố, nâng cao chất lượng dạy và rèn luyện học sinh”.
Thầy Nguyễn Duy Bỉnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Quang (người đứng giữa) tại lễ tuyên dương học sinh giỏi của trường. Ảnh: NVCC. |
Truyền động lực cho giáo viên
Thầy Bỉnh nói: “Trong những năm gần đây, giáo dục chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, việc đến trường của các em bị gián đoạn nên cần có giải pháp dạy học và ôn thi tốt nghiệp phù hợp, hiệu quả trên nền tảng trực tuyến, đây là một thách thức với các trường phổ thông nói chung, và với trường chúng tôi lại càng khó khăn hơn. Là người đứng đầu đơn vị, tôi thấy mình cần lan tỏa đến các giáo viên tinh thần tự học, tự nghiên cứu để thích ứng với hoàn cảnh.
Chủ động tìm hiểu và thử nghiệm các phần mềm dạy học, ôn thi trực tuyến và vận dụng vào chính tiết dạy của mình để các thầy cô cùng dự giờ, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm. Sau đó triển khai trong toàn trường, vừa áp dụng, vừa tiếp tục nghiên cứu các phần mềm khác, vừa học, vừa làm. Từ cơ sở đó, các thầy cô có động lực tiếp tục mở rộng nghiên cứu, chủ động học hỏi từ nhiều kênh khác nhau, tiếp cận các ứng dụng hỗ trợ dạy học mới để vận dụng phù hợp cho lớp học của mình, giúp học sinh hứng thú và học tập hiệu quả.
Nhiều năm qua, tôi thường xuyên mời các thầy cô là giáo viên cốt cán của các trường trong cụm ở tất cả các môn, trực tiếp lên Trường Minh Quang dự giờ, góp ý rút kinh nghiệm cho giáo viên. Ngoài ra hoạt động dự giờ của các giáo viên trong cùng môn, khác môn, trong tổ, ngoài tổ diễn ra thường xuyên. Giáo viên cùng dự, nghe góp ý xây dựng bài học để nâng cao trình độ chuyên môn và học hỏi, chia sẻ phương pháp sư phạm.
Các thầy cô đa phần còn trẻ, nhiệt huyết và đam mê, vì vậy chúng tôi tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt tập thể, tọa đàm để thầy cô thoải mái bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng. Tin tưởng giao việc cho giáo viên trẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thầy cô rèn luyện, phát triển tay nghề. Động viên quan tâm khen thưởng kịp thời, bồi dưỡng chế độ cho giáo viên ôn tập những học sinh yếu kém. Tổ chức phong trào thi đua “dạy và học trực tuyến giỏi”; Tổ chức nhiều chuyên đề hội thảo “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học trực tuyến”.
Các chuyên đề của giáo viên rất tâm huyết, chất lượng và mang tính ứng dụng cao. Càng khó khăn, vướng mắc, các giáo viên lại càng phát huy được sức sáng tạo, sự chủ động và tinh thần học hỏi, chia sẻ vì học sinh. Và kết quả được thể hiện rõ trong kì thi tốt nghiệp 2021 với 100% học sinh tốt nghiệp và rất nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học hàng đầu”.
Các ban ngành đoàn thể tặng hoa chúc mừng Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Minh Quang nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Thầy Bỉnh cho biết: “Tôi luôn quan niệm, muốn nâng cao chất lượng giáo dục, muốn học sinh tiến bộ thì cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo viên, bởi thầy cô chính là lực lượng quan trọng tạo nên sự phát triển của nhà trường. Nâng cao vai trò của nhóm chuyên môn, tăng cường làm việc nhóm với giáo viên. Mỗi thầy cô sẽ nghiên cứu và chủ trì các buổi sinh hoạt chuyên môn để ai cũng hiểu rõ và có trách nhiệm với công tác giảng dạy.
Có định hướng nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho các buổi sinh hoạt nhóm chuyên môn gắn với mục tiêu dạy học của từng giai đoạn, tập trung vào các nội dung: Nghiên cứu phương pháp dạy học, giao bài kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Khi học trực tiếp, thầy cô vẫn sử dụng phần mềm để giao bài và chữa bài, giao tài liệu học tập. Hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn trên mạng trước khi diễn ra giờ học ít nhất 2-3 ngày. Nghiên cứu kĩ các nhiệm vụ sẽ giao cho từng đối tượng học sinh. Ví dụ: Học sinh giỏi sẽ có nhiệm vụ khác, học sinh trung bình nhiệm vụ khác, học sinh yếu kém lại ở mức độ khác. Giáo viên trong nhóm không trùng giờ dạy phải tham dự góp ý các giờ ôn tập của đồng nghiệp để cùng tiến bộ, cho dù đó là dạy trực tiếp hay trực tuyến”.
Tạo động lực học tập cho học sinh
Thầy Bỉnh chia sẻ: “Trường ở địa bàn xa trung tâm và có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn nên ít nhiều có những học sinh không thiết tha việc học, chưa xác định được mục tiêu học tập. Thậm chí muốn nghỉ học để đi làm giúp đỡ gia đình, kết hôn sớm, một số do thiếu hiểu biết dễ bị lôi kéo vào các vấn đề xã hội phức tạp. Để hướng đến mục tiêu giúp các em có định hướng tương lai phù hợp, thành công, tôi đã tìm hiểu đặc điểm của học sinh trên địa bàn để đưa ra những định hướng phù hợp, tốt nhất.
Do đa phần các em có đầu vào thấp, kiến thức nền yếu nên thiếu tự tin, không có động lực. Việc xây dựng môi trường học tập hứng thú, tạo động lực cho các em là việc rất quan trọng. Cần có các giải pháp từ công tác chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy, các tổ chức đoàn thể, ban tham vấn học đường để kịp thời khích lệ, động viên học sinh, các em cảm nhận thấy môi trường thân thiện, gần gũi để có động lực phấn đấu.
Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên đề ra các giải pháp mới, xây dựng chương trình phù hợp để nâng dần chất lượng, sát với từng đối tượng học sinh. Thảo luận về phương pháp coi thi trực tuyến, mời phụ huynh vào cùng giám sát với giáo viên, bật camera trong suốt quá trình làm bài, mỗi em làm 01 đề riêng.
Chú trọng nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn học sinh tự học phù hợp với từng đối tượng học sinh phân luồng. Giao cho giáo viên nhiệm vụ biên soạn tài liệu hướng dẫn học tập cho các đối tượng học sinh được cá nhân hóa, nhóm hóa, học sinh giỏi bồi dưỡng cung cấp tư liệu nâng cao; Những em yếu kém, tinh giản nội dung, giảm bớt yêu cầu, tăng cường bám sát cả đối tượng học sinh và kiến thức cơ bản. Để các em diện yếu, kém thấy mình cũng hiểu, giúp các em tự tin và hứng thú".
Khuôn viên Trường Trung học phổ thông Minh Quang (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Học sinh Trường Trung học phổ thông Minh Quang (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC. |
Theo thầy Bỉnh: "Ứng dụng Công nghệ thông tin để học sinh học tập, ôn thi trực tuyến hiệu quả và ứng dụng trong việc quản lí, giám sát dạy và học, kết hợp trên phần mềm giúp giáo viên mang lại giờ học trực tuyến chất lượng. Tổ chức phân luồng, ôn tập, bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém ngay từ lớp 10,11 và tập trung cao độ ở lớp 12. Tổ chức khảo sát chất lượng thường xuyên. Từ kết quả của các kì khảo sát đó, nhà trường vạch ra đường hướng cụ thể cho các giai đoạn tiếp theo, cũng là cơ sở để phân luồng học sinh theo năng lực từng em và có mục tiêu dạy học rõ ràng, phù hợp.
Do địa bàn vùng núi nên vẫn còn nhiều hoàn cảnh học sinh khó khăn, công tác xã hội hóa không thực hiện được thường xuyên. Tuy nhiên, xác định đây là mục tiêu phát triển lâu dài và mang lại giá trị nhân văn ý nghĩa, nên việc duy trì Quỹ hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là rất cần thiết. Dù việc ủng hộ chưa mang giá trị lớn về vật chất nhưng đã tạo nên động lực to lớn cho chính các em và gia đình từng nghĩ đến việc thôi học sẽ tiếp tục học tập rèn luyện tốt”.
Chăm lo đời sống cho giáo viên
Thầy Bỉnh chia sẻ thêm: “Những năm đầu thành lập, nhà trường có đến 80% giáo viên hợp đồng, nhưng đều chung đặc điểm là nhà xa, lương thấp khiến các thầy cô còn nhiều lo lắng về ăn ở, sinh hoạt, từ đó dẫn đến tâm lí chưa yên tâm gắn bó lâu dài với nhà trường.
Tôi hiểu rằng chỉ có đảm bảo cho các thầy cô “an cư” thì thầy cô sẽ “lạc nghiệp”. Vì vậy, việc đề xuất với Công đoàn ngành Giáo dục xây dựng nhà công vụ để tạo điều kiện có chỗ ở cho các đồng chí giáo viên công tác xa nhà là điều rất quan trọng.
Công trình Nhà công vụ giáo viên tại khuôn viên nhà trường hoàn thành năm 2019 với quy mô 02 tầng, 06 phòng ở, với đầy đủ các trang thiết bị tối thiểu, đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của giáo viên, nhân viên nhà trường. Đây là nguồn động viên to lớn về vật chất và tinh thần, đã giúp cho gần 20 đồng chí giáo viên hoàn toàn yên tâm gắn bó, cống hiến tận tâm với nhà trường”.