Thiếu nhân lực, điểm chuẩn thấp nhưng ngành nông - lâm vẫn khó tuyển sinh

11/01/2022 06:42
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong khi các ngành “hot” thu hút quá đông thí sinh nộp hồ sơ thì nhóm ngành nông - lâm nghiệp lại gặp khó trong mùa tuyển sinh những năm gần đây.

Điểm chuẩn gần bằng sàn nhưng vẫn khó tuyển sinh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Huỳnh Thanh Hùng - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh những ngành học thuộc về thế mạnh đào tạo có điểm trúng tuyển cao như Thú y, Nông học... thì ngành Lâm học của Nhà trường dù điểm trúng tuyển gần bằng mức sàn nhưng những năm gần đây đều nhận được ít sự quan tâm của thí sinh.

Lý giải về thực trạng trên, Phó Giáo sư Huỳnh Thanh Hùng cho rằng: "Nhiều em còn có tâm lý e ngại, nghĩ học lâm nghiệp sau đi làm phải sống trong rừng. Cũng không ít gia đình lo sợ con mình vất vả, học xong khó xin được việc ổn định nên số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành này thường rất thấp.

Năm 2021, nhà trường tuyển sinh ngành Lâm học chỉ đạt 50% chỉ tiêu. Thực tế tuyển sinh ngành này là khó chung trong tất cả các trường nông - lâm nghiệp".

Cũng theo Phó Giáo sư Huỳnh Thanh Hùng, hiện nay diện tích rừng của Việt Nam đang suy giảm nghiêm trọng. Chính vì vậy, trồng rừng, phát triển trồng rừng rất cần thiết và ngành Lâm nghiệp ở một số địa phương cũng thiếu nhiều nhân lực.

Ngành Lâm nghiệp đô thị, Lâm sinh hay Quản lý tài nguyên rừng đều là những ngành đào tạo sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm với mức lương khá ổn. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể làm việc tại trạm kiểm lâm, các sở nông, lâm nghiệp, chi cục quản lý rừng, khu bảo tồn thiên nhiên hoặc trở thành kỹ sư chế biến lâm sản, kỹ sư lâm sinh...

Những năm gần đây, tuyển sinh nhóm ngành nông - lâm nghiệp đều nhận được ít sự quan tâm của thí sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên)

Những năm gần đây, tuyển sinh nhóm ngành nông - lâm nghiệp đều nhận được ít sự quan tâm của thí sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên)

Cùng trao đổi về vấn đề trên, Tiến sĩ Đào Việt Hùng - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông của trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, 3 năm trở lại đây, một số ngành như Kinh tế nông nghiệp, Lâm sinh... trường tuyển sinh chỉ đạt 50% chỉ tiêu. Vì đây là ngành xã hội có nhu cầu, dù ít sinh viên nhà trường vẫn mở lớp bình thường, duy trì ngành với quy mô 30-40 sinh viên/lớp.

Tiến sĩ Đào Việt Hùng chia sẻ: "Tư duy học nông nghiệp làm đồng áng, làm vườn đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người. Nhưng hiện nay không còn trường nào dạy trò "con trâu đi trước cái cày theo sau", đặc biệt tại trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), chương trình đào tạo đều hướng cho sinh viên tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp - lâm nghiệp công nghệ cao.

Ví dụ như khoa Nông học của trường, sinh viên sẽ được học các kiến thức làm mô hình nông nghiệp thông minh ở Israel với nhà lưới, tưới phun tự động... hay dùng phân bón trong trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi sạch sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào hạn chế tối đa lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất".

Tăng cường truyền thông, hỗ trợ tối đa cho sinh viên

Để thích ứng với bối cảnh mới và duy trì những ngành học khó tuyển, nhiều trường đào tạo khối ngành nông - lâm đã và đang xây dựng nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tối đa cho sinh viên.

Theo đó, trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh đa dạng các phương thức trong đó có xét tuyển học bạ, mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh. Ngoài ra, học bổng hay tư vấn hướng nghiệp cũng là những chính sách “xương sống” nhằm tạo thêm sức hút cho ngành học.

Phó Giáo sư Huỳnh Thanh Hùng - Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Trường luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của sinh viên. Hàng năm, nhà trường cũng triển khai những đợt vận động kinh phí từ cựu sinh viên, doanh nghiệp... nhằm hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, vào dịp cuối năm, trường tổ chức ngày hội tư vấn việc làm kết hợp cùng với nhiều công ty, doanh nghiệp, giúp sinh viên sớm tiếp cận với xu hướng thị trường việc làm, chọn được nghề phù hợp với năng lực bản thân".

Nhiều trường đào tạo khối ngành nông - lâm đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh tại các trường trung học phổ thông. (Ảnh: Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên)

Nhiều trường đào tạo khối ngành nông - lâm đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh tại các trường trung học phổ thông. (Ảnh: Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên)

Trong khi đó, Tiến sĩ Đào Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn Tuyển sinh và truyền thông của trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, các em tốt nghiệp khối ngành nông - lâm chủ yếu làm việc tại cơ quan nhà nước hoặc trong các doanh nghiệp.

Tại trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên), sinh viên được hỗ trợ bằng chính sách “đặt hàng” từ các doanh nghiệp.

"Đa phần những đơn vị phối hợp với trường trong quá trình sinh viên thực tập đều là doanh nghiệp. Sau tốt nghiệp, các em sẽ được nhận vào làm việc chính thức. Doanh nghiệp liên kết với trường chủ yếu ở những vùng phát triển nông nghiệp tốt như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng", Tiến sĩ Đào Việt Hùng cho biết.

Cuối cùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn Tuyển sinh và truyền thông của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cho hay, nhà trường đang đẩy mạnh kế hoạch tư vấn tuyển sinh đến các trường trung học phổ thông, tuyên truyền giúp học sinh nhìn nhận đúng tầm quan trọng của khối ngành nghề này trong sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong tình hình nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông - lâm nghiệp công nghệ cao như hiện nay.

Ngọc Ánh