Lãnh đạo trường đại học nói gì về ngành "hot" trí tuệ nhân tạo?

06/01/2022 06:40
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành trí tuệ nhân tạo có nhiều cơ hội việc làm, mức lương vượt trội các ngành khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là một trong những công nghệ quan trọng hàng đầu, giúp con người giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. AI cũng là ngành trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại Việt Nam, những năm gần đây, một số trường đại học đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là ngành học “hot”, hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Giỏi tiếng Anh, Toán là một lợi thế

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Trường Thịnh - Phụ trách trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trí tuệ nhân tạo là trí tuệ do con người lập trình với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.

Một số ví dụ điển hình về AI có thể kể đến như trợ lý ảo trên điện thoại, xe không người lái, các sản phẩm tổng hợp giọng nói, hệ thống nhận diện khuôn mặt...

“Thực tế, nhiều trường đại học đã đưa những môn có kiến thức liên quan đến trí tuệ nhân tạo vào chương trình học nhưng chưa đào tạo thành một ngành riêng lẻ. Để mở ngành này, trước hết cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo vấn đề về nguồn nhân lực. AI là ngành mới nên rất cần những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, giảng viên chuyên môn cao đảm nhận giảng dạy”, Phó giáo sư Nguyễn Trường Thịnh chia sẻ.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tuyển sinh ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo từ năm 2019, đào tạo trong 4 năm, dạy và học 100% bằng tiếng Anh. Hàng năm trường chỉ tuyển khoảng 25 chỉ tiêu và miễn hoàn toàn học phí cho sinh viên ngành này.

Ngoài xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trường cũng có thêm tiêu chí phụ để lựa chọn được sinh viên phù hợp nhất.

Theo đó, những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ và đạt giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật là một lợi thế.

Trí tuệ nhân tạo là trí tuệ do con người lập trình với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. (Ảnh minh họa: Nguồn Báo Lao Động)

Trí tuệ nhân tạo là trí tuệ do con người lập trình với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. (Ảnh minh họa: Nguồn Báo Lao Động)

"Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Robot Trí tuệ nhân tạo hàng năm tại trường đều gấp 4- 5 lần so với chỉ tiêu. Vì đây là ngành khoa học mũi nhọn và nhà trường định hướng xây dựng lực lượng kỹ sư về AI chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 nên đầu vào tuyển chọn rất khắt khe. Những sinh viên trúng tuyển phải thật giỏi, thật ưu tú và có tố chất”, Phụ trách trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Trường Thịnh, ngành trí tuệ nhân tạo không chỉ kén người học mà còn kén cả người dạy. Chính vì vậy, trường cũng thường xuyên mời chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đến chia sẻ, thỉnh giảng để sinh viên có thể tiếp cận với những kiến thức AI thực tế, vừa bổ sung thêm các kỹ năng làm việc, nghiên cứu theo chuẩn quốc tế.

Nói về cơ hội việc làm của ngành trí tuệ nhân tạo, thầy Nguyễn Trường Thịnh nhận định sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội. Thị trường lao động hiện tại rất cần đội ngũ nhân lực có kiến thức ở lĩnh vực này, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí là các công ty lớn trên thế giới.

Cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập hấp dẫn

Cũng là cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về trí tuệ nhân tạo, Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Điểm đầu vào chương trình tiên tiến Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo luôn nằm hàng "top" ở Bách Khoa".

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, những năm trước, chương trình này vẫn sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kèm theo yêu cầu điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc trung học phổ thông trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 7.0 trở lên.

Tuy nhiên, từ năm 2022, có thể chương trình tiên tiến Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy do chính trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Kỳ thi này có yếu tố phân loại cao hơn, cấu trúc đề thi và các môn thi tương đối khác biệt so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đề thi gồm 3 phần: phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS.

Chia sẻ về tố chất của người học ngành AI, Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh: "Đối với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để đáp ứng được chương trình đào tạo của trường thì việc đầu tiên là phải đảm chất lượng đầu vào. Sinh viên phải thật kiên trì và luôn đề cao tính tự học.

Với những em học ngành trí tuệ nhân tạo thì năng lực tư duy và kiến thức Toán học rất quan trọng. Nếu không có nền tảng toán học thì sẽ không phát triển được trong lĩnh vực này".

Theo Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, sinh viên học ngành trí tuệ nhân tạo phải nắm vững các kiến thức nền tảng về toán học. (Ảnh: trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

Theo Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, sinh viên học ngành trí tuệ nhân tạo phải nắm vững các kiến thức nền tảng về toán học. (Ảnh: trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền cho hay, với định hướng đào tạo chuyên gia, sinh viên học chương trình tiên tiến Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tại Nhà trường sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức hàn lâm, song song với việc được chú trọng gia tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm tại hệ thống các phòng lab nghiên cứu, cũng như tại các công ty, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

Sinh viên năm cuối sẽ được hướng dẫn bởi các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là các chuyên gia đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Google, Facebook, Microsoft, Amazon…

Cũng theo vị Phó Hiệu trưởng này, sinh viên sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm sẽ rộng mở, mức lương vượt trội các ngành khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Cử nhân ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo có thể làm việc ở các bộ phận phân tích dữ liệu, điều tra, khảo sát và dự báo tại các tổ chức trong hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Ngoài ra, sinh viên sau tốt nghiệp cũng có nhiều cơ hội làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, bộ phận phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo, xử lý, phân tích dữ liệu lớn tại những tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước… hoặc tự khởi nghiệp, phát triển các ứng dụng phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo phục vụ đời sống.

Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền chia sẻ, hiện tại, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đang đào tạo chương trình học này theo mô hình cử nhân (4 năm), cử nhân - kỹ sư (5,5 năm), và cử nhân - thạc sĩ (5,5 năm).

"Sinh viên ra trường có thể đi làm ngay nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích các em học lên thạc sĩ bởi nghiên cứu sâu về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thì mới có nền tảng vững chắc, đủ sức và lực để phát triển sự nghiệp, cạnh tranh trong lĩnh vực này", Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết thêm.

Ngọc Ánh