Các Thông tư xếp hạng đã thúc đẩy giáo viên đi học chứng chỉ chức danh nghề

13/01/2022 06:46
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tác động lớn nhất khi Bộ ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là đẩy nhanh tiến độ học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT- BGDĐT đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều về việc xếp hạng, xếp lương mới đối với giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông.

Tiếp theo, ngày 12/3/2021, Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD ra đời, hướng dẫn về việc thực hiện chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT càng khiến cho giáo viên thêm buồn vì mỗi hạng giáo viên đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Ngày 23/11/2021 vừa qua, Bộ ban hành Công văn số 5392/BGDĐT-NGQLGD yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo “Cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP”…Thế nhưng, giáo viên dưới cơ sở thì gần như đều đã có được chứng chỉ này.

Không biết rồi đây, ngành giáo dục có còn tồn tại một loại chứng chỉ nào hình thức và tốn kém như chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nữa hay không?

Đến thời điểm này, việc học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đã cơ bản hoàn thành (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VOV.vn)

Đến thời điểm này, việc học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

đã cơ bản hoàn thành (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VOV.vn)

Giáo viên phải miễn cưỡng đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Nếu như Bộ thực hiện một cuộc khảo sát online cho hơn một triệu giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông để hỏi có nên học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không thì chúng tôi tin chẳng có giáo viên nào đồng ý tự nguyện để đi học chứng chỉ này.

Bởi, mỗi chứng chỉ dù là hạng nào đi chăng nữa thì giáo viên cũng phải đóng học phí và mua tài liệu dao động từ 2,2- 2,5 triệu đồng cho một vài buổi học mà họ gần như không lĩnh hội được gì vì đa số nội dung học tập là những điều đã cũ, giáo viên đều đã biết, đã vận dụng trong quá trình công tác từ nhiều năm qua.

Nhưng rồi… dù Bộ không cần phải khảo sát, cũng không có văn bản nào yêu cầu bắt buộc phải học chứng chỉ nhưng giáo viên dưới cơ sở cũng đều phải miễn cưỡng đi học.

Bởi lẽ, nếu giáo viên không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì không đủ điều kiện giữ hạng mà mình đã có từ 4-5 năm qua theo cách xếp hạng trước đây của chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT.

Bởi lẽ, sau khi Bộ ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT- BGDĐT và có hướng dẫn của Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD thì những tháng vừa qua các địa phương đã có hướng dẫn cho các nhà trường xếp, chuyển hạng mới cho giáo viên.

Về cơ bản, nếu giáo viên đảm bảo được yêu cầu cứng về văn bằng, chứng chỉ là được nhà trường đề nghị để cấp trên xét chuyển sang hạng mới tương ứng.

Vì thế, những giáo viên nào đang là hạng II (hạng nhiều nhất ở các nhà trường) mà có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II là được đưa vào danh sách để đề nghị chuyển sang hạng mới.

Những giáo viên mà chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì được xếp vào hạng III mới.

Trong khi, hạng II mới được được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38, còn giáo viên hạng III mới áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Thế là những giáo viên chưa có chứng chỉ…sợ!

Không sợ sao được khi thấy đồng nghiệp chỉ hơn mình 1 cái chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà được giữ hạng, lương cũng được định hướng sẽ cao hơn. Trong khi, thêm cái chứng chỉ, tốn thêm hơn 2 triệu đồng, bỏ ra vài buổi học sẽ được hưởng lương hàng chục năm sau đó….

Một số hiệu trưởng đã “động viên” cho giáo viên tham gia học chứng chỉ

Thời gian qua, giáo viên đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phần nhiều là có sự định hướng của cấp trên. Các trường đại học, các trung tâm giáo dục thường xuyên gửi thông báo chiêu sinh đến sở, phòng rồi các đơn vị này chuyển về cho các nhà trường.

Trường thông báo và lập danh sách cho những giáo viên đăng ký học, sau đó liên hệ với cơ sở đào tạo để họ bố trí lớp, lịch học. Nếu trường mầm non, phổ thông mà có số lượng từ 20 người đăng ký trở lên thì sẽ mở lớp tại đơn vị, nếu thiếu thì sẽ ghép với một vài trường học lân cận cho đủ sĩ số.

Việc “động viên” giáo viên trong trường đi học lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được một số hiệu trưởng nhà trường rất sốt sắng, nhiệt tình. Có vị còn nói với giáo viên là các thầy cô cứ đi học cho có chứng chỉ xong nhà trường sẽ tiếp tục đề nghị chuyển sang hạng II mới.

Có hiệu trưởng còn nhắn tin lên nhóm zalo của trường tác động thêm để giáo viên tham gia khóa học.

Giáo viên nào chưa tham gia khóa học còn được hiệu trưởng điện thoại trực tiếp để nói lên tầm quan trọng của chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong việc xếp hạng, xếp lương mới.

Với sự nhiệt tình của lãnh đạo nhà trường như vậy thì giáo viên nào lại không đi học vì tâm lí chung là không học là không được giữ hạng cũ mà phải xuống hạng, kéo theo chế độ lương, phụ cấp tới đây sẽ thấp- nhất là khi các cơ quan chức năng tiến hành cắt thâm niên nhà giáo.

Thực tế thì chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2021 nhưng đến nay đã có giáo viên nào được lĩnh lương mới theo chùm Thông tư này đâu? Các trường học thì cũng chỉ mới dự kiến chuyển, xếp hạng giáo viên theo hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên nhưng gần như cũng chưa có nơi nào ra quyết định xếp hạng mới cho giáo viên.

Đặc biệt, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà… thì Bộ đang bắt tay vào xây dựng, sửa đổi chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Điều này cũng đồng nghĩa việc chuyển, xếp hạng mới cho giáo viên ở các cấp học đang còn nhiều gian nan ở phía trước.

Vì thế, đến giờ phút này có thể khẳng định rằng "tác dụng lớn nhất" của việc ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT vừa qua là đã đẩy nhanh tiến độ việc học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên ở các nhà trường.

Câu chuyện chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là đỉnh điểm của một loại chứng chỉ hình thức, tốn kém nhưng đã được triển khai rộng rãi, toàn diện đến toàn thể đội ngũ nhà giáo từ cấp mầm non đến trung học phổ thông trên cả nước.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI