Để cố đạt IELTS, nhiều thí sinh đã phải trả giá

24/01/2022 06:52
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Về tổng thể xã hội thì việc đua nhau thi chứng chỉ IELTS không hẳn có lợi, đây là sự lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc với con số rất lớn trên cả nước.

Chứng chỉ tiếng Anh IELTS là đánh giá năng lực ngoại ngữ, phù hợp với những học sinh đi du học, học chương trình quốc tế,…hoặc với các đơn vị tuyển dụng. Những năm gần đây IELTS được sử dụng để xét tuyển đại học và có không ít học sinh đang cố “chạy theo” chứng chỉ này để mong muốn đảm bảo có vị trí trong một trường đại học.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Hoàng Minh - Giáo viên dạy tiếng Anh Trung học phổ thông tại quận Long Biên, Hà Nội. Thầy Minh cho biết: “ Hiện nay không ít học sinh học “cấp tốc” chủ yếu là học sinh lớp 12 hoặc sinh viên năm cuối. Tôi thấy đây là một thực trạng đáng buồn hơn là đáng mừng bởi đây chỉ là học đối phó, không có thực chất học thuật.

Tính chất của IELTS là học thuật nên nhiều bạn học muốn học từ chuyên ngành, những từ mà người bản xứ cũng chưa chắc đã hiểu. Do đó, điểm số sẽ được khá cao nhưng kỹ năng tiếng Anh thực tế không cải thiện là bao, và cũng không phải có chứng chỉ này là sẽ rất giỏi tiếng Anh. Hơn nữa, giá trị của chứng chỉ này chỉ có thời hạn trong vòng hai năm. Tuy nhiên, số điểm đó sẽ còn giá trị lâu hơn nhiều nếu chúng ta thực sự học IELTS với mong muốn cải thiện khả năng ngôn ngữ, thay vì chỉ chạy theo mục đích tuyển sinh hay tốt nghiệp.

Nếu các em học sinh đã từng học và thi IELTS, biết mình đang ở đâu và đặt mục tiêu sát với khả năng thì học cấp tốc là hợp lý. Còn nếu trình độ đang thấp mà lại muốn đạt điểm nhanh và phải có được chứng chỉ này với mục đích xét tuyển đại học thì hoàn toàn không nên, bởi nhiều bạn có thể ôn luyện, học các mẹo vặt, học nhồi từ vựng theo chủ đề để nhanh chóng đi thi đạt điểm cao. Như vậy kỹ năng nghe hiểu đó sẽ không thật sự, khó duy trì được cuộc nói chuyện trao đổi dài với người nước ngoài bởi sẽ thiếu từ”.

Tính chất của IELTS là học thuật nên nhiều bạn học muốn học từ chuyên ngành, những từ mà người bản xứ cũng chưa chắc đã hiểu. Do đó, điểm số sẽ được khá cao nhưng kỹ năng tiếng Anh thực tế không cải thiện là bao, và cũng không phải có chứng chỉ này là sẽ rất giỏi tiếng Anh. Ảnh minh họa: T.D.
Tính chất của IELTS là học thuật nên nhiều bạn học muốn học từ chuyên ngành, những từ mà người bản xứ cũng chưa chắc đã hiểu. Do đó, điểm số sẽ được khá cao nhưng kỹ năng tiếng Anh thực tế không cải thiện là bao, và cũng không phải có chứng chỉ này là sẽ rất giỏi tiếng Anh. Ảnh minh họa: T.D.

Cần phải học đều các môn khác

Cũng về vấn đề này, em Nguyễn Hà Giang sinh năm 2003 (Mỹ Đình, Hà Nội), hiện đang học Đại học FPT, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hà Giang cho biết: “Năm ngoái, khi chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông, em đã tập trung ôn luyện để thi lấy chứng chỉ IELTS với hi vọng được xét tuyển thẳng vào đại học.

Bây giờ nghĩ lại em thấy nhiều lúc áp lực vì chuyện thi chứng chỉ cũng ảnh hưởng tới các môn học khác ở trường, Hà Giang nói vì không biết cách quản lý thời gian học tập, quá tập trung vào tiếng Anh nên kết quả học tập trung bình các môn khác bị điểm thấp. Hà Giang cho biết thêm rất nhiều bạn bè của em đã bỏ qua, xem nhẹ các môn học trên lớp để lao vào luyện thi IELTS nên kết quả điểm học bạ bị thấp.

Tuy nhiên, theo Hà Giang thì cách lấy chứng chỉ IELTS để vào đại học có thể dẫn đến trượt tốt nghiệp do không đủ điểm các môn học khác, hoặc quá tự tin vào “tấm bùa” tiếng Anh này khiến việc xét tuyển kết hợp với học bạ không được như mong muốn. Bản thân em có chứng chỉ IELTS nhưng vì điểm học bạ quá thấp nên bị trượt vào đại học công lập”.

Lo ngại bất bình đẳng khi xét tuyển đại học bằng IELTS

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc (Hà Nội) chia sẻ: “Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế giúp đại học có thêm lựa chọn tuyển sinh, nhưng gây lo ngại về sự bất bình đẳng giữa thí sinh thành thị và nông thôn. Số lượng các trường sử dụng phương thức này ngày một tăng, trong bối cảnh xét tuyển đầu vào đại học ngày càng ít phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vậy theo tôi nên đưa thêm vào phương thức xét tuyển bằng các chứng chỉ tiếng Anh trong nước như B1, B2, C2,…của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tôi thấy phổ điểm tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 phản ánh rõ sự chênh lệch trình độ ngoại ngữ giữa thành phố lớn và nông thôn. Điểm tiếng Anh thấp ở các địa phương thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung Bộ; cao ở thành phố hoặc các tỉnh kinh tế phát triển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng,... Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đang bị chia nhỏ với nhiều phương thức.

Đặc biệt chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vốn được học sinh ở vùng nông thôn kỳ vọng nhất, mấy năm nay đang dần thu hẹp lại, nhiều trường đại học xét tuyển hết những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, rồi mới xét tới thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hơn nữa, các trường đại học đều dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của một số trường đại học trong nước để xét tuyển, vậy tại sao chứng chỉ tiếng Anh trong nước như khung ngoại ngữ 6 bậc được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định lại không được các trường đưa vào cùng xét tuyển. Do đó, theo tôi sự ưu tiên đó chưa thực sự công bằng".

Mặt khác, phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS có bất cập là số lượng thí sinh ảo rất nhiều, một thí sinh đăng ký rất nhiều trường đại học với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, sau đó lựa chọn học ở một trường. Ảnh minh họa: T.D.
Mặt khác, phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS có bất cập là số lượng thí sinh ảo rất nhiều, một thí sinh đăng ký rất nhiều trường đại học với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, sau đó lựa chọn học ở một trường. Ảnh minh họa: T.D.

Thầy Ngọc nói: "Không phủ nhận những học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, nhưng đó mới chỉ là thước đo của năng lực ngoại ngữ, chứ chưa phải là đại diện cho tất cả kiến thức mà học sinh có. Nếu đi du học nước ngoài thì tôi không bàn đến chứng chỉ IELTS này, nhưng đây là đào tạo trong nước với giáo trình của Bộ, vậy tại sao không đưa thêm vào xét tuyển bằng các chứng chỉ tiếng Anh trong nước để tất cả học sinh có cơ hội như nhau?

Khi quy định cho các trường đại học có quyền tự quyết, đây chính là cơ hội tốt để các trường tự thay đổi mình. Nhưng các trường cũng cần phải tìm ra những giải pháp phù hợp với thực tế của Việt Nam để có được nguồn tuyển chất lượng, mà việc sử dụng các chứng chỉ tiếng Anh trong nước hay quốc tế cũng là một tiêu chí, vậy tại sao không đưa thêm tiêu chí của Việt Nam vào, việc này giúp các trường tuyển được những thí sinh có năng lực tốt trong tương lai ở đều các bộ môn.

Mặt khác, phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS có bất cập là số lượng thí sinh ảo rất nhiều, một thí sinh đăng ký rất nhiều trường đại học với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, sau đó lựa chọn học ở một trường. Tuy nhiên, xét về tổng thể xã hội thì việc đua nhau học và thi chứng chỉ IELTS không hẳn có lợi, đây là sự lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc với con số rất lớn so với lượng thí sinh trên cả nước.

Chứng chỉ IELTS chỉ nên là 1 trong các tiêu chí để xét tuyển với tỷ lệ hạn chế và cho một số ngành học nhất định, có nhiều đặc điểm phù hợp mang tính quốc tế, hơn là mở rộng một cách tràn lan. Nhiều trường hiện nay nâng chuẩn tiếng Anh đầu vào cho sinh viên lên cao hơn đào tạo tiến sĩ như vậy, sẽ có những sinh viên năng lực chuyên môn rất tốt, giỏi Toán, Lý, Hóa,… nhưng hạn chế ngoại ngữ nên không thể vào trường. Rất vô lý".

Phụ huynh ganh đua, vô tình tạo áp lực cho trẻ?

Thầy Ngọc cho biết: "Trong quá trình thi IELTS có 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, và học sinh cũng không nên nghĩ rằng năm nay mình thi IELTS được 7.0 thì có nghĩa 2 năm sau vẫn đạt 7.0.

Vậy nên, việc học ngoại ngữ phải gắn liền với đời sống, dùng và trau dồi hàng ngày thì mới nhớ được. Còn nếu chỉ học để đi thi thì cũng không khác gì học “gạo” để lấy chứng chỉ. Qua nhiều nghiên cứu thấy rằng nếu một học sinh học tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9 thật bài bản, có trau dồi thường xuyên thì mới có được một số lượng từ nhất định.

Rõ ràng, để đạt được chứng chỉ IELTS, học sinh cần phải có một lượng vốn mấy nghìn từ cơ bản, ít nhất trình độ vào khoảng 4.0, rồi phải có ngữ pháp, có kĩ năng nghe, nói, đọc, viết thì mới có thể học được. Việc hiện nay nhiều bậc phụ huynh đua nhau cho con đi luyện IELTS từ cấp I, tôi thấy như vậy là vô bổ và không cần thiết. Điều quan trọng nhất IELTS hướng tới là đánh giá khả năng dùng tiếng Anh của bạn như thế nào so với người bản xứ, và chứng chỉ này để đi du học hoặc tuyển dụng vào các tập đoàn nước ngoài.

Còn việc các gia đình cho con học IELTS từ bé, thứ nhất là tốn tiền, thứ hai là không phục vụ mục đích gì. Bây giờ các con tiểu học nói tiếng mẹ đẻ còn chưa thông thì làm sao mà có khả năng thi được IELTS. Tôi thấy việc này là các phụ huynh “đua” nhau mà thôi, con mình phải hơn con người khác và như vậy là tạo thêm áp lực lên con trẻ, rất có thể khiến các em sợ phải học tiếng Anh”.

Tùng Dương