Ngành giáo dục thời gian tới phải cất cánh cùng sự phát triển của đất nước

01/02/2022 06:50
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành giáo dục cần phải tập trung giải quyết 3 vấn đề đó là bồi dưỡng giáo viên, tuyển dụng, sàng lọc giáo viên và tôn vinh, đãi ngộ nhà giáo đúng mức.

Năm 2021 vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của nước ta bị ảnh hưởng nặng nề và ngành giáo dục cũng không ngoại lệ. Với sự nỗ lực không ngừng, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa dạy học vừa phòng chống dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam đã có chia sẻ về những chuyển biến trong việc dạy và học thời Covid-19, đồng thời gửi gắm mong muốn đến ngành giáo dục thời gian tới sẽ cất cánh cùng sự phát triển của đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, năm 2021 là một năm nhiều biến động nhưng ngành giáo dục và đào tạo đã nỗ lực vượt qua các khó khăn, thử thách và có nhiều dấu ấn. Nếu tóm tắt ngành giáo dục trong năm qua, Tiến sĩ muốn nói đến điều gì?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành giáo dục của cả nước. Tuy vậy, các cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và quán triệt triển khai theo phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đó là “tạm dừng đến trường, song không dừng việc học”.

Về mặt tích cực, các cơ sở giáo dục đều hướng tới mục tiêu duy trì và không để gián đoạn việc học ở tất cả các cấp với nhiều hình thức như học trên trực tuyến, học trên truyền hình, kết hợp song song học trực tiếp và trực tuyến trong điều kiện cho phép.

Đội ngũ giáo viên của chúng ta đã chủ động trong việc tự học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin. Điều này là vô cùng cần thiết đối với mỗi người thầy trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã dịch chuyển giáo viên đến với dạy học, bồi dưỡng trực tuyến như một xu thế tất yếu, đồng thời cũng mang lại những cơ hội cho thầy cô tiếp cận và ứng dụng công nghệ số hiện đại để đổi mới các hình thức tổ chức dạy học, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.

Tôi cho rằng có 3 yếu tố cơ bản góp phần vào sự thành công của phương pháp dạy học trực tuyến đó là có giải pháp tốt về mặt công nghệ; nhà trường quản lý chặt chẽ ý thức, nề nếp của học sinh; sự tự giác của mỗi học sinh.

Thực tế, đa phần các em khá thích thú với phương pháp học tập này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít học sinh chểnh mảng trong việc học, học không đúng giờ, không chú ý làm bài tập theo hướng dẫn của giáo viên...

Thời gian tới nếu tiếp tục dạy và học trực tuyến, chúng ta phải giải quyết triệt để những vấn đề trên. Học sinh cần được rèn luyện, nâng cao ý thức tự học, tức là động cơ học phải rõ ràng, trong sáng, học để phát triển bản thân thay vì chạy đua theo thành tích, bằng cấp.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022, nhiều tỉnh, thành sẽ cho học sinh trở lại trường. Theo Tiến sĩ, nhân dịp này chúng ta có nên đổi mới phương thức học tập từ 100% trực tiếp hoặc 100% trực tuyến sang dạy và học kết hợp cả hai hình thức này?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Hậu Covid-19, khi xã hội quay lại trạng thái bình thường mới, hình thức dạy học trực tiếp sẽ không thể xóa bỏ hoàn toàn. Mô hình kết hợp cả trực tuyến lẫn trực tiếp sẽ là tương lai của ngành giáo dục Việt Nam. Tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của cả phụ huynh, học sinh lẫn cơ sở hạ tầng của nhà trường, các địa phương nên xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai cách làm thích ứng.

Tôi nghĩ, giáo viên có thể chủ động hướng dẫn học sinh tiếp cận kiến thức môn học bằng phương thức trực tuyến. Khi học tập trung tại trường, thầy cô nên dành nhiều thời gian tổ chức hoạt động thực hành cho học sinh, giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, tính sáng tạo trong học tập và sinh hoạt hàng ngày, tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình.

Ngoài ra, để phục vụ dạy học kết hợp hiệu quả, hệ thống giáo án phải được giáo viên biên soạn kỹ càng, khối lượng kiến thức cơ bản, phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Tiến sĩ đánh giá như thế nào về quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới ở Việt Nam? Trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông, theo thầy, vấn đề nào cần phải chú trọng để tạo chuyển biến tích cực?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Triển khai chương trình, sách giáo khoa mới là hướng đi đúng đắn của ngành giáo dục Việt Nam. Hiện, chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa bước đầu đã có kết quả tích cực. Việc sử dụng sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học cơ bản đã phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt, việc chuyển từ chương trình theo tiếp cận nội dung sang phát triển phẩm chất năng lực học sinh là một sự thay đổi rất lớn và có ý nghĩa quan trọng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cho thấy một số tồn tại nhất định. Vì vậy, chặng đường sắp tới, trên phương diện quản lý nhà nước và cơ chế chính sách cần phải đổi mới thêm một bước, vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên phải được đặt lên hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.

Riêng về đội ngũ giáo viên, cần tập trung hơn nữa trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đào tạo trong trường sư phạm và bồi dưỡng giáo viên trong quá trình giảng dạy tại các trường phổ thông. Để công tác dạy học đạt kết quả cao, bản thân mỗi người thầy phải luôn tự giác trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ gắn với đời sống kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Công tác tuyển dụng giáo viên cần chặt chẽ hơn nữa, phải loại bỏ ngay những giáo viên có trình độ dưới mức chuẩn, vì những người này có thể làm nguy hại tới tương lai của học sinh. Người thầy phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình, sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay, tiền lương của giáo viên còn rất thấp, vẫn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với công sức các thầy cô tâm huyết bỏ ra. Chính vì vậy, nhà nước và cụ thể chính quyền mỗi địa phương nên có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm.

Khép lại năm cũ, năm Nhâm Dần đã bước sang những ngày đầu tiên. Thầy có gửi gắm điều gì với ngành giáo dục, thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Theo tôi, nhà nước cần đầu tư nhiều hơn đối với ngành giáo dục và đào tạo, thời gian tới nên có những cơ chế mở nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho giáo dục.

Tiếp đến, quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" phải được áp dụng vào thực tiễn. Đổi mới giáo dục phải lấy nhà truờng làm trọng tâm. Các trường học từ mầm non đến đại học cần được tự chủ, đảm bảo ở 3 vấn đề là tự chủ xây dựng chương trình đào tạo, tự chủ trong tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng giáo viên và tự chủ về việc sử dụng nguồn tài chính.

Ngoài ra, các tỉnh, thành đều phải có trách nhiệm trong việc đầu tư cho giáo dục, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hoạt động giáo dục tại nhà trường cần tích cực gắn với tình hình kinh tế, lao động, sản xuất, văn hoá địa phương để đáp ứng mục tiêu xây dựng, phát triển của địa phương. Ví dụ như những tỉnh phát triển mạnh về nông nghiệp, học sinh cần được trang bị những kiến thức như chăn nuôi, chăm sóc cây trồng; những tỉnh phát triển về du lịch thì học sinh phải được đầu tư học ngoại ngữ.

Cuối cùng, để giáo dục cất cánh cùng sự phát triển của đất nước, ngành giáo dục phải giải quyết đồng bộ 3 vấn đề đó là bồi dưỡng giáo viên, tuyển dụng, sàng lọc giáo viên và tôn vinh, đãi ngộ nhà giáo đúng mức.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm.

Ngọc Ánh