Dạy tăng tiết quá nhiều thay đồng nghiệp F0, nhưng không được thanh toán

21/03/2022 06:36
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mệt lả người, cơm ăn còn không nổi, ngày nào giáo viên cũng phập phồng lo lắng một điều: ngày mai tổ mình có ai nghỉ nữa không?

Một thực tế ghi nhận tại nhiều trường học tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận hiện thiếu khá nhiều giáo viên ở bậc tiểu học và trung học cơ sở.

Nếu như bình thường, nhà trường chỉ cần bố trí giáo viên dạy tăng tiết, dù rất mệt nhưng nhiều thầy cô chia sẻ giống như việc mình đi làm thêm để tăng thu nhập nên mọi việc cũng đều ổn.

Nhiều giáo viên đang chịu áp lực dạy thay vì đồng nghiệp bị F0 (Ảnh tác giả)

Nhiều giáo viên đang chịu áp lực dạy thay vì đồng nghiệp bị F0 (Ảnh tác giả)

Tuy nhiên trong mùa dịch bệnh Covid bùng phát như hiện nay, giáo viên bị F0 khá nhiều thì những trường học hiện đang thiếu nhân lực luôn đối mặt với việc dạy "chạy xô" lớp này đến lớp kia vì các thầy cô giáo còn phải gánh tiết dạy cho đồng nghiệp quá nhiều.

Hụt hơi vì phải dạy thay quá nhiều

Bậc tiểu học ở thị xã La Gi hiện chỉ học 1 buổi ở trường (thay vì 2 buổi như trước đây). Vì thế, nếu trong trường có giáo viên mắc Covid, nhà trường cũng dễ dàng phân công giáo viên dạy thay cho đồng nghiệp vào buổi học còn lại mà không khó khăn gì.

Bên cạnh đó, Ban giám hiệu cũng có thể vào đảm nhận thay giáo viên chủ nhiệm trong thời gian thầy cô giáo nghỉ bệnh.

Tuy nhiên, với bậc trung học cơ sở lại không hề đơn giản. Do giáo viên dạy đơn môn nên chỉ những thầy cô trong cùng một tổ chuyên môn mới có thể giúp nhau giảng dạy. Ngay cả Ban giám hiệu cũng chỉ hỗ trợ đúng chuyên môn của mình.

Bởi thế, nếu trong một tổ chuyên môn chỉ cần vài ba thầy cô giáo F0 đã trở nên rối khi không biết lấy giáo viên ở đâu để dạy hỗ trợ.

Cô giáo H. (đề nghị không nêu tên) giáo viên một trường trung học cơ sở chia sẻ: "Bình thường mình đã dạy tăng 12 tiết so với tiết quy định vì trường thiếu giáo viên. Nay trong tổ có 2 thầy cô giáo là F0 nên cả tổ phải chia nhau gồng gánh.

Buổi sáng dạy 5 tiết đã hụt hơi. Tan trường và về đến nhà đã 12 giờ trưa cũng chỉ kịp pha gói mì tôm ăn vội đã phải quay lại trường dạy tiết đầu tiên vào lúc 12 giờ 45 phút.

Nhà gần trường nên cô H. có thể về, những đồng nghiệp khác đành phải chọn ở lại trường mua cơm hộp vào ăn để dạy buổi chiều cho kịp.

Một ngày phải dạy 10 tiết ròng rã chưa nói đến việc dạy trực tiếp lớp này xong, lại chạy qua phòng khác kết nối máy móc dạy trực tuyến hoặc song song on-off lớp kia.

Dạy suốt một ngày, không có giờ nghỉ, giờ giải lao (chuyển tiết 5 phút đủ để di chuyển qua các lớp) nên giáo viên nhiều khi quay cuồng, mệt bở hơi tai. Mỗi ngày kết thúc buổi dạy về đến nhà cũng là lúc lên đèn. Mệt lả người, cơm ăn còn không nổi. Ngày nào cũng phập phồng lo lắng một điều: ngày mai tổ mình có ai nghỉ nữa không?

Đâu chỉ mỗi việc lên lớp dạy thay là xong. Để dạy được tiết học cho tốt, giáo viên phải soạn bài, lên phương án dạy, phải tìm hiểu về lớp, các đối tượng học sinh.

Thầy giáo P. cười đùa nói với người viết rằng “người bị F0 ở nhà không chết chứ dạy kiểu này thì người dạy mới nhanh chết đó”.

Dạy thay cho giáo viên bị F0, nhà giáo có được tính tiền tăng tiết?

Do chưa có một quy định rõ ràng nào từ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ở các địa phương hiện có nhiều luồng thông tin trái chiều trong việc giáo viên dạy thay cho những thầy cô giáo bị Covid nên không ít thầy cô chán nản.

Người thì nói rằng, chỉ khi nào giáo viên bị nhiễm bệnh nằm viện bảo hiểm xã hội thanh toán thì giáo viên dạy thay mới nhận được chế độ tăng tiết.

Tuy nhiên, hiện F0 chỉ điều trị tại nhà (trừ những trường hợp nặng) nên thầy cô giáo trong trường chỉ có thể dạy hỗ trợ thôi.

Người lại khẳng định, giáo viên dạy thay cho đồng nghiệp bị F0 sẽ được tính là làm thêm giờ nên được thanh toán đầy đủ.

Đem những thắc mắc hỏi Ban giám hiệu, cũng chưa có ai dám trả lời chắc chắn cho giáo viên biết có trả tiền phụ trội hay không vì cho đến thời điểm này nhà trường vẫn chưa nhận được hướng dẫn.

Chi trả tiền phụ trội cho giáo viên dạy thay đồng nghiệp là đúng với Luật lao động

Tại Khoản 6,7,8 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

6. Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

Trong trường hợp này, giáo viên đã dạy thay cho đồng nghiệp nghỉ vì Covid (được xem như nghỉ ốm) sẽ phải được thanh toán tiền dạy thêm giờ.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục hiện đang loay hoay vì chưa biết thực hiện thế nào do các trường học vẫn chưa nhận được một văn bản hướng dẫn chính thức từ cấp trên.

Chúng tôi cho rằng, Bộ Giáo dục cần có những hướng dẫn cụ thể để nhà trường có căn cứ pháp lý thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho những nhà giáo bị F0 cũng như những thầy cô giáo dạy thay dạy thế.

Ngoài việc phải hoàn thành tốt công việc được giao của mình, phải gồng mình làm thêm việc của đồng nghiệp nên nhà giáo cần được bồi dưỡng xứng đáng. Có như vậy, lòng nhiệt huyết, sự tận tụy mới không bị giảm sút và mới tạo thêm động lực để thầy cô giáo chăm chút cho những bài dạy của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên