Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở một số cơ sở giáo dục trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, có đề xuất rằng có thể cho cho học sinh “học gửi” - gửi học sinh trường này sang trường khác học.
Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, nhiều giải pháp, đề xuất thiết thực được đưa ra trước thực trạng thiếu giáo viên môn học lựa chọn, trong đó có trường tìm đến phương án gửi học sinh. Tuy nhiên, xoay quanh câu chuyện nếu gửi học sinh thì đang có nhiều ý kiến bàn luận.
Bộ Sách giáo khoa Mỹ thuật lớp 10 thiết kế theo Chương trình giáo dục phổ thông mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). |
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, phương án gửi học sinh trường này sang trường khác học đối với bất kỳ môn học nào đều không khả thi.
Lý giải điều này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, khoảng cách giữa các trường trung học phổ thông thường xa nhau. Và điều này khiến học sinh di chuyển vất vả hơn rất nhiều chứ chưa kể đến chất lượng dạy và học ra sao. Hơn nữa, “học gửi” thì trường sắp thời khóa biểu như thế nào lại cần phải có lời giải phù hợp để cân bằng giữa các môn học với nhau.
“Đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học tập là yêu cầu trên hết, việc di chuyển từ trường này qua trường khác bằng phương tiện cá nhân mà chỉ để học một, hai môn lựa chọn thì không những mất nhiều thời gian mà còn có thể tiềm ẩn rủi ro tai nạn giao thông, gây mất an toàn”, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh nói.
Chia sẻ với băn khoăn của nhà trường, cô Nguyễn Thị Kha, giáo viên Trường Trung học phổ thông A Duy Tiên (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) nêu ý kiến, cho học sinh đi “học gửi” có thể giải quyết trước mắt tình trạng thiếu giáo viên cho một số trường mà vẫn tạo điều kiện để học sinh tham gia học tập theo đúng nguyện vọng.
“Song, nhà trường cần thiết phải xây dựng phương án chi tiết để thỏa mãn các điều kiện cụ thể như thời gian học, sắp xếp thời khóa biểu các môn học như thế nào, phương tiện đi lại ra sao, lựa chọn trường, ghép lớp dựa trên tiêu chí nào để đảm bảo an toàn, quyền lợi, tính công bằng cho người học. Có như vậy thì “học gửi” mới mang lại hiệu quả thiết thực”, cô Kha nói.
Cũng trao đổi về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Khiết, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên B (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, thực tế cho thấy, thiếu giáo viên là khó khăn chung của nhiều trường trung học phổ thông trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới nhất là bài toán “khan hiếm” giáo viên bộ môn tự chọn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng dân tộc thiểu số…
“Đối với các trường có số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng học Âm nhạc, Mỹ thuật tỷ lệ thấp, thì phương án học gửi cũng nên được nhà trường tính đến. Tuy nhiên, nhà trường cũng cần phải xem xét các điều kiện đi kèm để vừa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, vừa đảm bảo quyền lợi cho cả người học và người giảng dạy”, thầy Khiết nhận định.
Cũng theo chia sẻ của thầy Khiết, các điều kiện đi kèm có thể kể đến như trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên phải đáp ứng chuẩn yêu cầu đào tạo…
Trên thực tế, số lượng giáo viên chuyên biệt môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở các cấp học khác hiện nay vẫn đang thiếu cục bộ chứ chưa kể đến cấp trung học phổ thông.
Đánh giá về đề xuất gửi học sinh này, thầy Nguyễn Hoàng Kim, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết, thời điểm này nhà trường chưa có kế hoạch cụ thể về việc đưa vào giảng dạy các môn lựa chọn như Âm nhạc, Mỹ thuật.
“Đề xuất cho học sinh “học gửi” của một số trường chỉ là biện pháp tạm thời, góp phần giải quyết thực trạng thiếu giáo viên và phù hợp với số lượng học sinh đăng ký học ít. Riêng đối với trường chuyên thì việc đưa vào dạy các môn tự chọn cần phải có nhiều thời gian hơn, bởi là trường chuyên, khối kiến thức các môn học khác vốn đã nhiều”, thầy Nguyễn Hoàng Kim chia sẻ.
Theo chia sẻ của một số hiệu trưởng các trường trung học phổ thông với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà trường cần thiết phải thiết kế được phương án giảng dạy linh hoạt, thấu tình, đạt lý, nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học lâu dài, bài bản, chứ không thể để học sinh di chuyển từ trường này, sang trường khác chỉ để học một, hai tiết học tự chọn.
Có thể thấy, Âm nhạc và Mỹ thuật là môn học rất cần cho sự phát triển toàn diện kỹ năng của học sinh. Tình trạng “trắng” giáo viên cho hai môn học này dẫn đến nhiều trường chưa thể triển khai dạy các môn học ngay trong năm học tới.
Đánh giá về đề xuất “học gửi” đối với các môn tự chọn, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, nhà trường chỉ áp dụng “học gửi” khi đảm bảo các điều kiện cơ bản như tổ chức xe đưa đón học sinh, trang thiết bị đầy đủ, cơ sở vật chất dạy và học đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo chung.
Ngoài ra, các trường có thể cân nhắc phương án tuyển giáo viên hợp đồng, cơ cấu lại nguồn nhân sự trên cơ sở đảm bảo quyền lợi, công bằng cho giáo viên và học sinh.