Năm nay, nhiều thí sinh đạt 28, 29 điểm ở phương thức xét tuyển học bạ bậc trung học phổ thông (hay còn gọi là điểm chuẩn học bạ) vẫn trượt đại học.
Thực trạng có ngành lấy đầu vào với điểm chuẩn học bạ hơn 30 điểm khiến thầy cô, chuyên gia giáo dục lo ngại “lạm phát” điểm chuẩn học bạ khi xét tuyển đại học.
Điểm chuẩn học bạ nhiều tăng 5-7 điểm
Năm 2022, khá nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn học bạ chạm ngưỡng, thậm chí vượt mức 30 điểm trong đó phải kể đến như Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội), Trường Đại học Văn hoá Hà Nội hoặc nngành Truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn cao nhất lên đến 32,18 điểm.
Năm nay, điểm chuẩn học bạ nhiều ngành tăng từ 5-7 điểm. Các chuyên gia nhận định, nhìn chung, đây là tỷ lệ tăng điểm xét tuyển học bạ rất lớn trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng Ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính cho biết, chất lượng đào tạo đến điểm số của học sinh trung học phổ thông đang có sự không đồng đều, quy chuẩn chung trên phạm vi cả nước. Khi kết quả học tập của học sinh trung học phổ thông tăng thì trường đại học lấy điểm chuẩn học bạ tăng lên là quy luật khách quan, dễ hiểu.
“Việc tăng điểm chuẩn học bạ không làm ảnh hưởng đến số lượng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường ở phương thức xét tuyển này. Bởi, xét về mặt bằng chung, điểm học bạ của học sinh đều cao và đạt điểm chuẩn thì sẽ trúng tuyển. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là điểm học bạ có thực chất phản ánh đúng năng lực học sinh hay không. Nếu không đúng thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục đào tạo đại học.
Trường đại học không can thiệp được vào điểm học bạ của học sinh mà chỉ có thể đưa ra điều kiện đi kèm nhằm sàng lọc khi sử dụng phương án xét tuyển học bạ do điểm học bạ năm nay “đẹp” hơn các năm trước.
Do đó, Học viện Tài chính không thuần túy chỉ sử dụng điểm học bạ mà sẽ có thêm những tiêu chí khác. Để tránh trường hợp sinh viên có đầu vào với điểm số cao nhưng không đáp ứng yêu cầu đào tạo dẫn đến đầu ra thấp, trường đã quy định chỉ xét học bạ với đối tượng học sinh giỏi ở trung học phổ thông.
Ngoài ra, nhà trường xét thứ tự ưu tiên đối với thí sinh có năng khiếu đặc biệt, thành tích tốt trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, có chứng chỉ đạt chuẩn quốc tế. Mục đích của việc này là để chọn lọc những thí sinh thực sự xứng đáng, đủ năng lực đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường”, Phó Giáo sư Thạch chia sẻ.
Cùng đưa quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vinh - Phó Trưởng khoa, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, khi điểm học bạ của học sinh cao lên thì sẽ có nhiều học sinh lựa chọn phương thức xét tuyển học bạ để gia tăng cơ hội trúng tuyển đại học. Điểm chuẩn học bạ tăng “đột biến” cũng đặt ra “nghi vấn” có hay chăng việc làm đẹp học bạ của học sinh ở các trường trung học phổ thông.
Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vinh, Phó Trưởng khoa, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Lý giải hiện tượng điểm chuẩn học bạ tăng mạnh, Tiến sĩ Vinh chỉ ra một số nguyên nhân. Theo đó, năm nay, các trường đại học sử dụng nhiều phương án tuyển sinh (có trường sử dụng 6 - 8 phương án) nên số lượng chỉ tiêu xét tuyển kết quả học tập bậc trung học phổ thông ít hơn. Số lượng thí sinh có điểm cộng tăng cao nên điểm chuẩn cũng tăng theo.
Ngoài ra, việc đăng kí xét tuyển trên cổng thông tin chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hạn chế chỉ tiêu vì các trường đều phải đảm bảo đúng số lượng mà Bộ giao.
“Việc sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển đại học phổ biến những năm gần đây, vì vậy, học sinh, phụ huynh, giáo viên cũng ít nhiều có những can thiệp để làm “đẹp học bạ” (tất nhiên không phải tất cả đều như vậy).
Điều này dễ dẫn tới trường hợp giáo viên có xu hướng giúp đỡ, nâng điểm cho học sinh. Đây là một “kẽ hở” cần có những chế tài để xem xét đúng giá trị thực của học bạ, nhất là những học bạ có sự chênh lệch điểm nhiều giữa các năm học.
Mỗi trường đại học đều đưa ra những phương án tuyển sinh để lựa chọn người học đáp ứng những yêu cầu. Vì thế, giao cho chính các trường đó thực hiện khâu “sàng lọc”, khảo sát. Bởi xét đến cùng, hiệu quả đào tạo là điều mà các trường phải chịu trách nhiệm. Vị thế, thương hiệu nhà trường cũng từ hiệu quả đó mà hình thành”, Tiến sĩ Vinh chia sẻ.
Cũng theo Tiến sĩ Vinh, nếu muốn quản lý kết quả học tập trung học phổ thông thì phải quản lý chặt chẽ và nghiêm túc ngay ở cấp trung học. Tuy nhiên điều này là rất khó. Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể yêu cầu thực hiện việc kiểm tra kết quả học bạ trung học phổ thông đối với những trường hợp có điểm học bạ bất thường để tạo tính công bằng trong giáo dục đào tạo.
“Học bạ điện tử là một trong những giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, tăng công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh. Song, việc kiểm soát khó triệt để. Bởi, việc nhập điểm lên hệ thống là thao tác thuộc về sự chủ động hoàn toàn của giáo viên. Nếu bản thân giáo viên có “ý định” cho học sinh điểm cao thì dù có số hóa, áp dụng công nghệ thì vẫn rất khó quản lý.
Do đó, cần có những quy định chặt chẽ ở khâu nhập điểm như quy định khung giờ hoặc khi đã nhập lên học bạ điện tử thì không được sửa chữa, nếu có thì phải giải trình. Cần có quy định chế tài riêng đối với giáo viên nhập điểm để nâng cao tính chuyên nghiệp cho giáo viên, tránh tình trạng “nâng đỡ”, “sửa điểm” khiến học sinh ảo tưởng về điểm số, trường đại học khó khăn trong tuyển sinh”, Tiến sĩ Vinh nhận định.
Có thể thấy, cùng với việc xét tuyển bằng học bạ, các trường đại học nên có những tiêu chí đi kèm, không nên dựa hoàn toàn vào điểm số như: phỏng vấn, sử dụng kết quả đánh giá năng lực, tổ chức làm bài khảo sát riêng nếu đảm bảo yêu cầu.
Thực hiện tốt điều này sẽ không chỉ giúp trường đại học lựa chọn thí sinh phù hợp với ngành học, nâng cao chất lượng đầu ra, mà còn góp phần khắc phục nguy cơ gia tăng tình trạng “làm đẹp” điểm ở trung học phổ thông dẫn tới “lạm phát” điểm chuẩn học bạ khi xét tuyển đại học.