Sở GD Đà Nẵng: Khó khăn lớn nhất của phát triển GD ngoài công lập là đất đai

30/07/2022 06:38
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lý do được Sở GD Đà Nẵng nêu ra là, đất dành cho giáo dục thì phải quy hoạch và thông qua đấu thầu. Trong khi quỹ đất ở trung tâm thành phố không còn nhiều.

Thời gian qua, Thành phố Đà Nẵng không ngừng đầu tư, tạo điều kiện phát triển giáo dục nhằm từng bước thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, rốt ráo thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 bằng những kế hoạch cụ thể.

Hệ thống giáo dục ngoài công lập giúp giảm áp lực rất lớn cho trường công lập

Ngày 10/7/2020, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2435/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Hệ thống giáo dục ngoài công lập của Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách xã hội hóa. Ảnh: AN
Hệ thống giáo dục ngoài công lập của Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách xã hội hóa. Ảnh: AN

Nội dung đề án nêu chi tiết, cụ thể về phát triển hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập cũng như phương án kêu gọi đầu tư, xã hội hóa giáo dục trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.

Theo đề án này, tính đến năm học 2019-2020, đối với hệ thống trường mầm non, thành phố Đà Nẵng có 217 trường, trong đó có 146 trường thuộc loại hình ngoài công lập (chiếm 66,4%);

Hệ thống trường tiểu học có 102 trường, trong đó có 4 trường ngoài công lập (chiếm 3,9%);

Hệ thống trường trung học cơ sở có 59 trường, trong đó có 2 trường ngoài công lập (chiếm 3,4 %).

Hệ thống trường trung học phổ thông có 32 trường, trong đó có 11 trường ngoài công lập (chiếm 34,4%).

Cũng trong năm học này, quỹ đất dành cho giáo dục là hơn 2,06 triệu m2. Bình quân toàn thành phố đạt 7,7 m2/học sinh. Tuy nhiên quỹ đất phân bổ không đồng đều giữa các quận huyện và giữa các ngành học, bậc học. Đặc biệt, đối với hệ thống trường ngoài công lập, hầu hết các trường mầm non diện tích đất chỉ đạt 6,1 m2/học sinh.

Theo đánh giá của đề án này thì trong 5 năm qua (từ 2015-2020), ở tất cả các cấp học, ngành học đều thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong khuôn khổ quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường chuyên biệt, trung tâm giáo dục thường xuyên đã nhận được sự tài trợ đáng kể của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ở ngành học mầm non, cấp trung học phổ thông đã có nhiều tổ chức xã hội, cá nhân tham gia mở trường tư thục.

Đánh giá về quá trình xã hội hóa giáo dục ở Đà Nẵng, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, xã hội hóa trong giáo dục là công việc thường xuyên nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện giáo dục địa phương.

Thành phố luôn khuyến khích cá nhân và tổ chức đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và mở thêm trường học mới, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Qua đó, phát triển giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, hướng đến mục tiêu chất lượng, phát triển chiều sâu; chú trọng giáo dục tài năng, giáo dục mũi nhọn.

Việc hình thành hệ thống các trường ngoài công lập góp phần thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục của thành phố, giảm áp lực cho trường công lập.

Đà Nẵng miễn giảm tiền thuê đất cho trường/lớp dân lập, tư thục

Cũng theo Đề án này, mục tiêu xây dựng mạng lưới trường, lớp đến năm học 2025-2026 của Đà Nẵng có 452 trường học với khoảng 339.315 học sinh. Trong đó, có 182 trường ngoài công lập.

Trong đề án này, Đà Nẵng nêu cụ thể mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập từng cấp học như sau:

Đối với bậc mầm non: Đến năm học 2025-2026, có 238 trường trong đó có 160 ngoài công lập (chiếm 67,2%); có 80.685 trẻ mầm non trong đó 45.000 trẻ ngoài công lập (chiếm 55,8% so với tổng số trẻ).

Đà Nẵng khuyến khích mở các loại hình trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ngoài công lập ở khu vực trung tâm thành phố và các vùng kinh tế phát triển nhằm huy động nguồn lực của xã hội, của những gia đình có thu nhập đầu tư phát triển giáo dục.

Đối với bậc tiểu học: Đến năm học 2025-2026 có 109 trường trong đó 6 trường ngoài công lập (chiếm 5,5%); có 123.795 học sinh trong đó 3.500 học sinh ngoài công lập (chiếm 2,8% so với tổng số học sinh).

Đối với bậc trung học cơ sở: Đến năm học 2025-2026 có 64 trường trong đó 2 ngoài công lập (chiếm 3,1%); có 90.915 học sinh trong đó 3.500 học sinh ngoài công lập (chiếm 3,85% so với tổng số học sinh).

Đối với bậc trung học phổ thông: Đến năm học 2025-2026, có 38 trường trung học phổ thông trong đó 14 trường trung học phổ thông và trung học phổ thông liên cấp ngoài công lập (chiếm 36,8%); có 40.840 học sinh trong đó 5.430 học sinh ngoài công lập (chiếm 15,2% so với tổng số học sinh).

Tổng vốn đầu tư để thực hiện nhu cầu xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường giai đoạn 2021-2025 là 4.399 tỷ đồng, trong đó nguồn huy động xã hội hóa tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học 207 tỷ đồng (chưa kể các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngoài công lập).

Về phân kỳ đầu tư xây dựng, giai đoạn 2021-2025, thành phố Đà Nẵng sẽ xây mới 43 trường, trong đó có 21 trường ngoài công lập.

Về đảm bảo diện tích đất đai cho xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu hỗ trợ về chính sách đất đai (miễn giảm tiền thuê đất hoàn toàn hoặc trong một thời gian nhất định) cho các trường/ lớp dân lập, tư thục.

Về vốn, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư, huy động nguồn thu từ các khoản đóng góp tự nguyện, từ thiện cho giáo dục, mở rộng các Quỹ khuyến học; khuyến khích cá nhân và tổ chức đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và mở thêm trường học mới.

Đặc biệt, vấn đề đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, Đà Nẵng sẽ tiếp tục quảng bá, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cá nhân tham gia xây dựng, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cá nhân tham gia xây dựng, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Tạo điề kiện cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia xây dựng trường học.

Triển khai kêu gọi đầu tư xây dựng trường học có yếu tố nước ngoài ở các cấp học.

Tăng cường mở rộng quan hệ trao đổi và hợp tác quốc tế để giáo dục thành phố sớm hòa nhập vào nền giáo dục các nước trong khu vực và trên thế giới. Tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức xã hội từ thiện, tập trung mở rộng hợp tác song phương, đa dạng hóa các hình thức liên kết đào tạo trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo, nhất là lĩnh vực du học tại chỗ, du học nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực.

Những vướng mắc về đất đai

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, trong ba năm qua (2019-2022), giáo dục ngoài công lập giải quyết các vấn đề về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho các lực lượng xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, giảm chi ngân sách, huy động sự đóng góp của toàn xã hội. Điển hình nhất là hệ thống trường mầm non ngoài công lập đã phát triển tương đương với hệ thống trường mầm non công lập (tỉ lệ 50-50).

Ảnh cắt màn hình

Ảnh cắt màn hình

Ảnh cắt màn hình

Ảnh cắt màn hình

Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết: "Bên cạnh việc phát triển hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập thì thành phố cũng tạo điều kiện cho các trường trung học phổ thông ngoài công lập phát triển (đến nay có 12 trường).

Còn đối với giáo dục đại học, hệ thống trường ngoài công lập tại Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh, đủ sức cạnh tranh với nhiều trường công lập ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước như Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Đông Á...”.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, trên nền tảng chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển các nguồn lực của thành phố ưu đãi thì những trường đại học này cũng đã có sự chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ để dần khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình.

Tuy nhiên, việc kêu gọi các nhà đầu tư hướng đến hình thành môi trường giáo dục chất lượng cao ở Đà Nẵng cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Thành phố luôn muốn các nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư để thành lập nên các trường ngoài công lập chất lượng cao. Nhưng gặp phải khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề đất đai.

Đất dành cho giáo dục thì phải quy hoạch và thông qua đấu thầu. Trong khi quỹ đất ở trung tâm thành phố không còn nhiều, các nhà đầu tư lại muốn lựa chọn vị trí đất ở trong các khu dân cư để thuận lợi thu hút học sinh. Còn khi đưa họ đến vùng đất quy hoạch lớn dành cho giáo dục ở rìa thành phố thì nhà đầu tư lại chưa muốn.

Qũy đất dành cho giáo dục ở các quận trung tâm như: Hải Châu, Thanh Khê hay Sơn Trà hiện còn rất ít. Trong khi muốn xây dựng những trường chất lượng cao thì phải có không gian, quỹ đất rộng rãi.

Về chính sách hỗ trợ thì thành phố Đà Nẵng áp dụng Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục”, ông Linh nói.

AN NGUYÊN