Tốt nghiệp diện đặt hàng NĐ 116 nhưng thi tuyển 2 năm không đỗ có phải bồi hoàn?

08/09/2022 06:58
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chưa đề cập trường hợp sinh viên dự tuyển 2 năm liên tục đều không trúng tuyển có áp dụng quy định bồi hoàn hay không khiến địa phương gặp khó.

Băn khoăn về đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116

Năm học 2022-2023, tỉnh Đồng Nai thiếu gần 2.500 giáo viên các bậc học. Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Đăng Bảo Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cho biết:

“Để đảm bảo nguồn giáo viên thay thế số lượng giáo viên nghỉ hưu các cấp học vào năm 2026 và trên cơ sở tổng hợp nhu cầu từ địa phương, năm học 2022- 2023, tỉnh Đồng Nai dự kiến giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo 2.441 chỉ tiêu giáo viên theo Nghị định 116”.

Ông Đỗ Đăng Bảo Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai. Nguồn: Báo Đồng Nai

Ông Đỗ Đăng Bảo Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai. Nguồn: Báo Đồng Nai

Số lượng trên mới là dự kiến, theo ông Đỗ Đăng Bảo Linh, trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai giao nhiệm vụ và đặt hàng đào tạo, có một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

Thứ nhất, một trong những điều kiện để giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo là cơ sở đào tạo giáo viên phải xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật. Hiện nay, nhiều trường đại học sư phạm, đại học có đào tạo ngành sư phạm chưa hoàn thành xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật nên chưa đáp ứng điều kiện để địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo.

Thứ hai, chưa có cơ chế tuyển dụng đặc biệt đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên mà vẫn thực hiện theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức. Điều này nghĩa là, với những sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng, các em vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Theo đó, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển.

Thứ ba, một trong các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ là “sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp. Trong khi đó, việc tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên thực hiện theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức. Nghị định chưa đề cập trường hợp sinh viên dự tuyển 2 năm liên tục đều không trúng tuyển có áp dụng quy định bồi hoàn hay không, đây là vấn đề mà nhiều địa phương quan tâm.

Khó khăn tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 140

Không chỉ vướng ở Nghị định 116, nhiều địa phương cũng đang khó khăn khi triển khai Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về ưu tiên tuyển dụng giáo viên theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cho biết: “Hiện nay, Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai cùng các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về ưu tiên tuyển dụng giáo viên theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa đạt được kết quả như mong đợi”.

Ông Đỗ Đăng Bảo Linh chia sẻ, đối với việc tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 140, từng địa phương sẽ có những khó khăn mang tính đặc thù.

Trong đó, một trong những lý do phổ biến là nguồn tuyển hạn chế vì sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đa phần được giữ lại trường hoặc lựa chọn tiếp tục học lên và sau đó, công tác tại nhiều cơ sở giáo dục đào tạo bậc đại học; hay địa phương cũng còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc giữa điều khoản của Nghị định (sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc… có kết quả học tập, rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học) và nguồn lực thực tế.

Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng. Nguồn: Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Cao Bằng.

Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng. Nguồn: Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Cao Bằng.

Cùng những trăn trở về việc tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 140, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng cho hay, từ khi triển khai thực hiện Nghị định tỉnh Cao Bằng mới tuyển được 3-4 chỉ tiêu thuộc diện này. Sau khi tuyển dụng thành công, tỉnh phân bổ 1-2 chỉ tiêu về các trường trung học phổ thông, số chỉ tiêu còn lại giao cho phòng Giáo dục và Đào tạo sắp xếp về các cơ sở giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

“Cao Bằng là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế nên việc thu hút những sinh viên xuất sắc, giỏi về tỉnh dạy khó khăn hơn các tỉnh khác nhiều. Hơn nữa, hiện nay, trong khi nhiều tỉnh đã có chính sách thu hút riêng đối với những giáo viên dạy tại tỉnh thì do hạn chế về kinh phí, Cao Bằng vẫn chưa thể triển khai được chính sách thu hút riêng được”, ông Vũ Văn Dương nói.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng chia sẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã từng đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh nên có chính sách thu hút giáo viên đến làm việc tại tỉnh, tuy nhiên do nguồn kinh phí chưa đảm bảo và chưa sắp xếp được, đề xuất này vẫn chưa được thông qua.

Đắk Nông cũng là tỉnh đang gặp khó khi triển khai tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 140, ông Lê Văn Long, Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông) cho hay: từ khi triển khai Nghị định 140/2017/NĐ-CP về ưu tiên tuyển dụng giáo viên theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ tỉnh đều không có nguồn tuyển và chủ yếu vẫn tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 115. Vì phần lớn các sinh viên thuộc diện Nghị định này đều có nhu cầu về các thành phố lớn công tác, rất ít em có nhu cầu về tỉnh lẻ, đặc biệt như tỉnh miền núi, biên giới như Đắk Nông.

Anh Trang