Giáo viên chứng minh môn tích hợp chỉ là sự lắp ghép cơ học

14/10/2022 06:48
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên khẳng định, môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí chỉ là sự lắp ghép cơ học, chưa thấy tích hợp ở đâu.

Trên các diễn đàn giáo viên, nhiều thầy cô đã chứng minh, nội dung chương trình môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở thực chất chỉ là sự lắp ghép cơ học, chưa thấy tích hợp rõ nét ra sao.

Môn Khoa học tự nhiên

Môn Khoa học tự nhiên, ghép 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học vào một cuốn sách. Mỗi nội dung của từng môn được sắp xếp theo cấu trúc vài chủ đề một phân môn.

Cấu trúc chương trình môn Khoa học tự nhiên lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9 đều có 3 phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lí, Hoá học, Sinh học được sắp xếp theo trình tự thời gian như sau:

Lớp 6: Hoá học (20%) - Vật lí (32%) - Sinh học (38%); Lớp 7: Hoá học (24%) - Vật lí (28%) - Sinh học (38%); Lớp 8: Hoá học (31%) - Vật lí (28%) - Sinh học (31%); Lớp 9: Hoá học (31%) - Vật lí (30%) - Sinh học (29%).

Tổng số tiết 3 môn Vật lí, Hoá học, Sinh học trong chương trình hiện hành là 595 tiết. Tổng số tiết của môn Khoa học Tự nhiên là 560 tiết, giảm 35 tiết so với chương trình hiện hành.

Khoảng 7, 8 tuần đầu học sinh lớp 6, lớp 7 sẽ học cuốn chiếu phân môn Hóa học, thời lượng 4 tiết/tuần. Các tuần tiếp theo sẽ học Vật lí, kết thúc môn Vật lí chuyển sang học môn Sinh học - khiến học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Môn Lịch sử và Địa lý

Về nội dung giáo dục, môn Lịch sử và Địa lí gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng. Tính tích hợp thể hiện ở các chủ đề chung, nhưng bị lặp lại về kiến thức.

Lịch sử và Địa lí là phân môn độc lập nên phải tổ chức thực hiện dạy đồng thời với thời lượng 3 tiết/tuần, tương đương mỗi phân môn 1,5 tiết.

Vì vậy phải xây dựng kế hoạch và thời khóa biểu thay đổi sau 4, 5 tuần thực hiện, có trường một tuần điều chỉnh thời khóa biểu 1 lần để đảm bảo tỉ lệ cân đối về lượng kiến thức khi kiểm tra định kì.

Ví dụ về việc phân chia tiết trong môn Lịch sử và Địa lý 6 như sau:

Kì 1, tuần 1, 2, 3, 4: Lịch sử 2 tiết/tuần = 8 tiết; Địa lí 1 tiết/tuần = 4 tiết.

Tuần 5, 6, 7, 8 Lịch sử 1 tiết/tuần = 4 tiết; Địa lí 2 tiết/tuần = 8 tiết. Kiểm tra giữa học kì 1 – tuần 9: tỉ lệ: 50/50.

Tuần 9, 10, 11, 12, 13: Lịch sử 2 tiết/tuần = 10 tiết; Địa lí 1 tiết/tuần = 5 tiết.

Tuần 14, 15, 16, 17: Lịch sử 1 tiết/tuần = 5 tiết; Địa lí 2 tiết/tuần = 10 tiết. Kiểm tra học kì 1 – tuần 18: tỉ lệ: 50/50. Tổng cộng: Lịch sử 27 tiết và Địa lí 27 tiết.

Kì 2, tuần 19, 20, 21, 22: Lịch sử 2 tiết/tuần = 8 tiết; Địa lí 1 tiết/tuần = 4 tiết. Tuần 23, 24, 25, 26: Lịch sử 1 tiết/tuần = 4 tiết; Địa lí 2 tiết/tuần = 8 tiết.

Tuần 27, 28, 29, 30: Lịch sử 2 tiết/tuần = 8 tiết; Địa lí 1 tiết/tuần = 4 tiết. Kiểm tra giữa học kì 2 – tuần 27: tỉ lệ 50/50.

Tuần 31, 32, 33, 34, 35: Lịch sử 1 tiết/tuần = 5 tiết; Địa lí 2 tiết/tuần = 10 tiết. Kiểm tra học kì 2 – tuần 18: tỉ lệ: 50/50. Tổng cộng: Lịch sử: 25 tiết; Địa lí: 26 tiết.

Tổng cộng số tiết cả năm học: phân môn Lịch sử: 52 tiết và phân môn Địa lí: 53 tiết.

Cần sớm khảo sát, đánh giá về môn tích hợp

Trên các diễn đàn, thầy cô mong muốn ngành giáo dục cần thu thập các nguồn thông tin, lắng nghe ý kiến giáo viên, chuyên gia, nhà khoa học, học sinh và cha mẹ học sinh để có các cải tiến phù hợp.

Người viết mong rằng, ngành giáo dục sớm tiến hành khảo sát ý kiến giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh để hiểu thực chất của việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có các môn tích hợp.

Đổi mới là cần thiết, phải làm liên tục để khắc phục cái hạn chế vốn có và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, phù hợp với mục tiêu và mục đích giáo dục của thời đại. Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là “vẽ thêm chân cho gà, vẽ thêm vòi cho voi”, đổi mới là học hỏi, tiếp thu chọn lọc chứ không phải nhặt nhạnh, lắp ghép, thay vỏ.

Đặc biệt để đổi mới thành công cần căn cứ vào thực lực hiện có và có sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, tiếp thu ý kiến của người trực tiếp thực hiện để chỉnh sửa làm sao đổi mới thực sự mang lại hiệu quả cho học sinh.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Cao Nguyên. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Cao Nguyên