“Ai nắm tài chính thì người đó quyết định”

07/10/2022 06:41
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện Luật vẫn chưa quy định đầy đủ về hoạt động của Hội đồng trường ở các trường tự chủ như thế nào, vai trò thể hiện ra sao?

Ngày 6/10, tại Huế, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức buổi tọa đàm về: "phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học theo định hướng tự chủ".

Tại phiên thảo luận đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của nhiều Chủ tịch Hội đồng trường về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Mối quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng ra sao?

Một vấn đề được nhiều Chủ tịch Hội đồng trường quan tâm, thảo luận là giải quyết mối quan hệ giữa Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng trường – Hiệu trưởng ra sao để tránh chồng chéo, bất cập.

Theo Giáo sư Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện Luật vẫn chưa quy định đầy đủ về hoạt động của Hội đồng trường ở các trường tự chủ như thế nào, vai trò thể hiện ra sao?

Giáo sư Lê Anh Tuấn (ảnh: Doãn Nhàn)

Giáo sư Lê Anh Tuấn (ảnh: Doãn Nhàn)

“Hiện nay trong thành phần của Hội đồng trường chỉ có Chủ tịch là không kiêm nhiệm. Như vậy, có thể thấy hoạt động của Hội đồng trường phải dựa trên báo cáo của Hiệu trưởng và từ đó tạo khó, tạo sức ép cho Hiệu trưởng.

Hiệu trưởng báo cáo Hội đồng trường và Hội đồng trường giám sát Hiệu trưởng. Về mặt lý thuyết thì rất logic nhưng thực tiễn thì Hiệu trưởng gặp rất nhiều khó khăn, chiụ nhiều áp lực. Do đó, Hội đồng trường cần tính đến các ban có bổ nhiệm rõ ràng, có chức năng quyền hạn để kết nối giữa Hội đồng trường với các thực thể trong nhà trường.

Để từ đó Hội đồng trường nắm rõ vấn đề từ các ban chuyên môn chứ không phải do Hiệu trưởng trình lên”, thầy Tuấn nói.

Đồng quan điểm, Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đặt vấn đề, mô hình hoạt động của Hội đồng trường theo Luật như thế nào? Thực tế tại các trường hiện nay, khi Hội đồng trường hoạt động tốt thì tạo áp lực rất lớn cho Hiệu trưởng.

Vì Hiệu trưởng ngoài báo cáo cấp trên, báo cáo cơ quan chủ quản thì nay phải báo cáo thêm Hội đồng trường. Không ai muốn phải báo cáo thêm một cấp nữa. Khi Hội đồng trường yêu cầu có báo cáo thì Hiệu trưởng rất căng thẳng”.

Do đó, thầy Khiêm khuyến nghị chúng ta cần phải có một mô hình hoạt đồng của Hội đồng trường như thế nào để tránh tạo áp lực cho Hiệu trưởng cũng như tạo sự mẫu thuẫn với Hội đồng trường.

"Ai nắm tài chính thì người đó quyết định"

Phát biểu tại tọa đàm, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương – Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho rằng, có một thực tế là các trường ngoài công lập đang phát triển rất nhanh. Và với tiến độ như hiện tại thì trong 5-6 năm tới, các trường này còn phát triển mạnh mẽ nữa. Vì sao lại như vậy?

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương (ảnh: Doãn Nhàn)

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương (ảnh: Doãn Nhàn)

Các trường công lập cứ loay hoay mãi với cơ chế và tiềm lực tài chính còn hạn chế. Còn ở các trường dân lập thì Hội đồng trường ra quyết sách, còn Hiệu trưởng thì đi thuê nên cứ thế mà chạy.

Quay lại với thực tế tại các trường đại học công lập hiện nay, thầy Chương cho rằng, vướng mắc về cơ chế thể hiện rõ trong hoạt động của Hội đồng trường và Hiệu trưởng. Quy định về hai bộ phận này vẫn chưa rõ ràng, trong khi Luật và Thông tư cũng không nêu rõ.

Thầy Chương nêu dẫn chứng rằng, “ai nắm tài chính thì người đó quyết định”. Nên nhiều vấn đề đều tập trung về tay Hiệu trưởng.

“Hội đồng trường dù có ý tưởng to đến đâu nhưng cũng phải bàn với Hiệu trưởng. Còn nhiều cái lòng vòng nữa mà chính nó làm kìm chân sự phát triển”, thầy Chương nói.

AN NGUYÊN