Thêm 1 chức danh quản lý - chủ tịch hội đồng trường là thừa!

18/02/2022 06:45
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo cô Vũ Thị Ngọc Dung, đúng lý ra hội đồng trường trong nhà trường phổ thông công lập rất quan trọng, nhưng thực tế thì nó chưa phát huy được sức mạnh.

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Thông tư này dự kiến sẽ được thay thế cho Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017.

Điều đáng nói, theo dự thảo của thông tư này thì dự kiến sẽ có thêm 1 vị trí lãnh đạo nữa trong các trường phổ thông công lập đó là chủ tịch hội đồng trường.

Chức danh chủ tịch hội đồng trường là thừa

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vũ Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chủ tịch hội đồng trường nên là một thành viên trong ban giám hiệu nhà trường, có thể là hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng, hoặc chủ tịch công đoàn.Tuy nhiên, tốt nhất thì hiệu trưởng nên kiêm nhiệm luôn chức danh này.

Cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (ảnh: NTCC)

Cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (ảnh: NTCC)

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho hay, theo quy định thì hội đồng trường sẽ quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng như chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch và mục tiêu phát triển của nhà trường, các dự án trong từng giai đoạn và năm học, cùng rất nhiều vấn đề quan trọng khác trong nhà trường.

Thế nhưng, trên thực tế thì hiện nay, hội đồng trường trong các trường phổ thông vẫn chưa phát huy được hết sức mạnh do đó khi quyết định những vấn đề quan trọng, có tầm nhìn chiến lược của trường chủ yếu vẫn là cấp ủy, các thành viên trong Ban Giám hiệu, các thành viên cốt cán của trường học.

Cũng đồng quan điểm này, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, dự thảo của thông tư này cho thêm một chức danh lãnh đạo mới trong nhà trường phổ thông công lập là chủ tịch hội đồng trường là rất thừa.

Thầy Huỳnh Thanh Phú giải thích, đã từ nhiều năm nay, chức danh chủ tịch hội đồng trường chủ yếu chỉ là “hữu danh vô thực”.

Trong trường phổ thông công lập, hiệu trưởng sẽ là cán bộ quản lý đứng đầu nhà trường hay là chủ tịch hội đồng trường? Nếu giáo viên trúng cử chức danh chủ tịch hội đồng trường thì cũng cần phải làm rõ tiêu chuẩn của giáo viên làm chủ tịch hội đồng trường.

“Nếu chủ tịch hội đồng trường là người hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cho nhà trường, còn hiệu trưởng chỉ là người thực hiện. Vậy khi hiệu trưởng triển khai để xảy ra sai phạm thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?” – thầy Huỳnh Thanh Phú đặt vấn đề.

Thông thường, trong các nhà trường phổ thông hiện nay thì hiệu trưởng làm theo các nghị quyết của chi bộ, nếu có thêm chủ tịch hội đồng trường thì sẽ thực hiện vai trò gì?

Ngoài ra, cũng cần phải có quy định rõ thêm chủ tịch hội đồng trường được ký, đóng dấu văn bản nào, trường hợp nào?

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, khi có thêm một chức danh lãnh đạo trong trường phổ thông công lập thì cần phải làm, hiểu “đến nơi đến chốn”, và thuận lợi nhất vẫn là “hiệu trưởng kiêm luôn chủ tịch hội đồng trường”, còn nếu giáo viên kiêm chức danh này thì cần làm rõ ai là người hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cho trường học.

Cuối cùng, thầy Huỳnh Thanh Phú đề xuất, nên để mô hình chủ tịch hội đồng trường áp dụng cho các trường ngoài công lập, trường quốc tế thì tốt hơn, mà ở những nơi này người ta vẫn thường gọi là chủ tịch hội đồng quản trị.

“Không thể đem mô hình của trường ngoài công lập áp dụng cho trường công lập. Nếu chúng ta không có chế độ chính sách, cơ sở pháp lý cụ thể thì có thể gây mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường” – thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh.

Nếu hiệu trưởng kiêm chủ tịch hội đồng trường sẽ xảy ra chuyên quyền

Một giáo viên ở trường trung học phổ thông Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi đọc xong dự thảo của Thông tư này khẳng định rằng, nếu hiệu trưởng kiêm chủ tịch hội đồng trường thì sẽ xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền, và trường phổ thông công lập dần dần sẽ biến thành trường ngoài công lập.

Một giáo viên khác ở trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cũng đồng tình quan điểm nói trên, và cho rằng bao nhiêu chức vụ chính trong trường phổ thông công lập hiện nay đều do hiệu trưởng kiêm nhiệm hết.

Nếu hiệu trưởng kiêm luôn chủ tịch hội đồng trường thì việc thực hiện nhiệm vụ của hội đồng trường thường cũng do hiệu trưởng quyết hết, vai trò của các thành viên khác rất mờ nhạt.

Kể cả việc hội đồng trường buông lỏng giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, dẫn đến việc hiệu trưởng sẽ tự tung tự tác.

Việt Dũng