Tuyển dụng GV cao đẳng: Khi nâng chuẩn thầy cô có được hưởng chế độ theo NĐ 71?

25/10/2022 06:56
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu quy định tự bồi dưỡng để đạt chuẩn, khi giáo viên đăng ký học dài hạn thì sẽ không đảm bảo việc dạy học tại các cơ sở giáo dục.

Vừa qua, tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn trình độ đến năm 2030 là thực sự cần thiết và mang lại ý nghĩa thiết thực trong thời điểm hiện nay.

Cơ hội mở rộng nguồn tuyển, giải quyết việc làm, khắc phục thiếu giáo viên

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, trường hợp nghị quyết được ban hành sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn nói riêng và ngành giáo dục cả nước nói chung nhất là việc nới rộng nguồn tuyển giáo viên, giải quyết bài toán thiếu giáo viên.

Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn)

Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn)

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, nếu nghị được quyết ban hành thì: Thứ nhất sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho người học tốt nghiệp sư phạm hệ cao đẳng.

Hiện tại, nhiều người học đã tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm chưa làm giáo viên (do còn học nâng chuẩn) hoặc chuyển sang ngành nghề khác vì nhiều nguyên nhân. Do đó, nếu nghị quyết được ban hành thì những đối tượng này sẽ có nhiều cơ hội làm việc trong ngành giáo dục.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở có thêm nguồn giáo viên để tuyển dụng, khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học, nhất là môn đặc thù khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ ba, vẫn còn thời gian để cho các giáo viên nâng chuẩn trình độ.

Những giáo viên tốt nghiệp hệ cao đẳng nếu được tuyển dụng vẫn còn nhiều thời gian để thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Công Liêm cho biết, từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, giáo viên từ cấp tiểu học trở lên phải có trình độ đại học mới đạt chuẩn trình độ đào tạo.

Chính vì thế, việc tuyển dụng giáo viên khó khăn hơn do thiếu nguồn tuyển ở một số chuyên ngành, lĩnh vực. Đặc biệt là thiếu giáo viên tiểu học, thiếu giáo viên các môn Tin học, Tiếng Anh... theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Nếu nghị quyết được ban hành, sẽ giúp các tỉnh miền núi nói chung và Lạng Sơn nói riêng có thể tạo thêm nguồn tuyển giáo viên ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, từ đó, góp phần khắc phục phần nào tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

Cũng theo báo cáo của Trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn, số người học tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm chưa có việc làm những năm gần đây vẫn còn khá lớn.

Cụ thể, năm học 2015-2016 là 247 người, năm 2017 là 91 người, năm 2019 là 17 người và năm 2020 là 3 người. Ngoài ra, còn có sinh viên người địa phương tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm tại các trường đại học khác cũng chưa có việc làm.

Do vậy, nếu có nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Lạng Sơn; giúp cho số sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng trái ngành đào tạo đều có cơ hội tham gia dự tuyển để làm giáo viên, kéo họ quay trở lại làm việc với ngành giáo dục”, Phó Giám đốc Sở cho biết.

Cần chi tiết môn học, lộ trình giáo viên tự bồi dưỡng để tránh vướng mắc

Bên cạnh những thuận lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cũng chia sẻ một số bất cập nếu nghị quyết được ban hành nhưng không tính đến các chi tiết, hướng dẫn giải pháp cụ thể.

Theo đó, nếu yêu cầu giáo viên chưa đạt chuẩn phải tự bồi dưỡng theo lộ trình quy định thì phải tính toán đến trường hợp giáo viên đăng ký đi học dài hạn có đảm bảo việc dạy học tại các cơ sở giáo dục không? Bởi, do thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển mới tính đến phương án mở rộng đối tượng tuyển dụng. Nếu tuyển về, lại vướng thời gian đi học, không giảng dạy đủ giờ thì giải pháp không còn ý nghĩa nữa.

Vậy, làm thể nào để vừa đảm bảo có giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, vừa để giáo viên hoàn thành trách nhiệm tự học, tự bồi dưỡng để nâng trình độ đạt chuẩn?

Theo vị Phó Giám đốc Sở, quy định có thể cho phép giáo viên đăng ký đào tạo nâng chuẩn theo lộ trình bằng hình thức vừa học, vừa làm. Như thế, sẽ tạo điều kiện cho giáo viên được học tập, bồi dưỡng ngay tại địa phương để không ảnh hưởng đến việc giáo viên phải mất thời gian di chuyển về các trường đại học.

Với tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ, giáo viên đang được cử đi đào tạo nâng chuẩn trình độ, trong đó, năm 2021 là 329 giáo viên, năm 2022 là 165 giáo viên. Toàn tỉnh hiện nay còn 224 giáo viên trong diện phải nâng chuẩn trình độ đào tạo nhưng chưa tiến hành đào tạo. Những giáo viên được cử đi đào tạo nâng chuẩn, được hưởng chế độ theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP.

“Vậy, đối với những giáo viên có trình độ cao đẳng khi được tuyển dụng theo nghị quyết của Quốc hội (nếu có) thì việc thực hiện tự bồi dưỡng sẽ như thế nào? Có được hưởng chế độ theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP hay không cũng phải quy định rõ”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đặt vấn đề.

Quy định rõ ràng để tránh tuyển dụng ồ ạt

Về mặt khách quan, nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 nếu được ban hành sẽ mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng theo hướng cho "nợ chuẩn" này sẽ làm tăng thêm số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Chính vì vậy, nếu thực hiện, cần lưu ý một số điều như sau:

Một là, quy định rõ những môn học cần tuyển dụng đối với những giáo viên tốt nghiệp cao đẳng.

Ví dụ như, tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm đối với giáo viên văn hóa cấp tiểu học, giáo viên Tiếng Anh, giáo viên Tin học…

Quy định rõ ràng như vậy để tránh việc địa phương tuyển ồ ạt ở tất cả các môn.

Tất nhiên, để làm được điều này thì phải có tính toán, khảo sát tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhu cầu tuyển dụng thực tế tại các địa phương.

Hai là, quy định thời gian cam kết phải hoàn thành việc tự bồi dưỡng của giáo viên để đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

Thời gian đào tạo cho giáo viên không thể dàn trải mà phải được bố trí hợp lý nhằm tạo điều kiện cho giáo viên vừa học bồi dưỡng, vừa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.

Ba là, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn để thực hiện chế độ, chính sách, đánh giá xếp loại viên chức, đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, bổ nhiệm giáo viên để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm.

Bốn là, giao trách nhiệm cho địa phương có lộ trình cử giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm thực hiện bồi dưỡng nâng chuẩn theo quy định.

Tính đến ngày 10/10/2022, biên chế giáo viên hiện có của tỉnh Lạng Sơn 12.919 người (mầm non 3.809, tiểu học 4.484, trung học cơ sở 2.976, trung học phổ thông 1.650).

Theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị, năm học 2022-2023, tỉnh Lạng Sơn được giao bổ sung 257 biên chế giáo viên (mầm non: 117 giáo viên; tiểu học: 100; trung học cơ sở: 26; trung học phổ thông: 14. Tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng theo quy định để đảm bảo bổ sung kịp thời biên chế giáo viên cho các cơ sở giáo dục.

Ngọc Mai