Thứ trưởng Bộ GD nêu giải pháp để đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề

17/11/2022 06:41
Thuỳ Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong rằng các nhà giáo đang công tác trong Ngành cần tiếp tục nhận thức đầy đủ sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của “NGƯỜI THẦY”.

LTS: Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục đều chỉ ra rằng nhà giáo chính là yếu tố có tính quyết định đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh để hiểu hơn về vai trò, sứ mệnh của thầy, cô trong sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Phóng viên:Theo Thứ trưởng, người thầy có vị trí, vai trò như thế nào trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Nhà giáo có vai trò rất đặc biệt và quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong “Khuyến nghị năm 1966 về vị thế giáo viên” đã khẳng định: “Nhà giáo không chỉ là một phương tiện để thực hiện các mục tiêu giáo dục; nhà giáo chính là chìa khóa cho sự bền vững và năng lực quốc gia thông qua việc đạt được các chuẩn đầu ra của giáo dục và kiến tạo các xã hội dựa trên kiến thức, giá trị và đạo đức”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.

Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh”. Luật Giáo dục cũng khẳng định: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ngô Thị Minh (ảnh: NVCC)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ngô Thị Minh (ảnh: NVCC)

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW (khóa XI) của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, vai trò của người giáo viên cũng có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn. Giáo viên phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức.

Giáo viên phải đảm nhiệm 5 vai trò: vai trò của một nhà giáo dục; vai trò là người hỗ trợ cho học sinh và đồng nghiệp; vai trò người cố vấn; vai trò nhà nghiên cứu giáo dục và vai trò người học tập suốt đời.

Phóng viên: Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã cải tiến rất nhiều chế độ, chính sách cho nhà giáo, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến hệ quả là nhiều nhà giáo không thể toàn tâm, toàn lực cống hiến cho giáo dục, đào tạo. Thưa Thứ trưởng, làm sao xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ đức, tài, được chuẩn hóa về số lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Kể từ khi nước nhà giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới sự nghiệp giáo dục; có nhiều chính sách nhằm đãi ngộ, động viên, tôn vinh đội ngũ nhà giáo.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, nhà giáo ở Việt Nam chịu sự chi phối cùng lúc bởi hệ thống pháp lý rộng lớn, với sự đan xen giữa quản lý ngành, lĩnh vực và quản lý theo địa bàn, lãnh thổ, có sự phân cấp từ Trung ương đến địa phương, chưa có Luật Nhà giáo để khẳng định rõ hết đặc thù nghề nghiệp, dẫn đến một số khó khăn nhất định khi tiếp cận hệ thống chính sách cũng như trong sử dụng, quản lý nhà giáo các cấp.

Để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; tạo động lực để đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước: “Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, mục tiêu “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”. Thống nhất nhận thức chung: việc chăm lo, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; các giải pháp xây dựng và phát triển nhà giáo phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, giữa các Bộ, ngành liên quan; rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương với việc nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.

Đổi mới công tác tuyên truyền về vai trò, vị thế quan trọng, then chốt của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; làm cho xã hội, phụ huynh học sinh thấu hiểu, chia sẻ với đặc thù lao động của nhà giáo, từ đó có thái độ ứng xử phù hợp, ủng hộ, hỗ trợ nhà giáo hoàn thành nhiệm vụ giáo dục cao cả và rất nặng nề hiện nay.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế của nhà giáo. Xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”; tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Thứ ba, quan tâm tạo điều kiện cả về cơ sở vật chất và môi trường làm việc của đội ngũ nhà giáo; xây dựng môi trường văn hóa học đường thực sự mô phạm, dân chủ, văn minh, thân thiện và sáng tạo, tạo điều kiện để nhà giáo phát huy năng lực, tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Phát huy những giá trị tốt đẹp của tinh thần “tôn sư, trọng đạo” phù hợp với điều kiện mới.

Thứ tư, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tri ân và tôn vinh đội ngũ nhà giáo xứng đáng với những cống hiến thầm lặng nhưng vẻ vang của người thầy.

Các cấp quản lý giáo dục cần tiếp tục rà soát, xem xét giảm bớt các loại sổ sách, giấy tờ không cần thiết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dành thời gian để giáo viên tập trung cho nhiệm vụ chuyên môn và phát triển năng lực bản thân; quan tâm hỗ trợ, chia sẻ, động viên kịp thời khi giáo viên có khó khăn; đánh giá một cách công tâm, chính xác kết quả công tác của giáo viên; tạo sự đồng thuận, chung tay của phụ huynh học sinh và toàn xã hội đối với nhiệm vụ giáo dục của giáo viên.

Thứ năm, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng tinh gọn nội dung, chương trình đào tạo, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, kiến thức chuyên môn và kỹ năng sống, kỹ năng sư phạm, năng lực quản lý, quản trị hiện đại; phát huy tính độc lập, sáng tạo, tự nghiên cứu, học tập suốt đời của nhà giáo phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông.

Đa dạng các phương thức tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và chuẩn trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Khuyến khích giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tự đào tạo nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Phóng viên:Thời gian qua có nhiều văn bản quy định và điều chỉnh chính sách đối với nhà giáo, dẫn đến những bất cập chồng chéo. Có ý kiến cho rằng, chừng nào có Luật Nhà giáo, quy định rõ vị trí, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên nói chung (kể cả công lẫn tư) thì mới giải quyết hết các vấn đề còn vướng mắc hiện nay. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Trước hết, cần phải nhận thức rằng: Việc đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục; hoàn thiện các quy định về nhà giáo trong Luật Giáo dục, bổ sung, pháp điển hoá các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo còn phù hợp với thực tế và đã có tác động tích cực đối với sự phát triển của đội ngũ nhà giáo; kiến tạo một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của giáo viên, không thể coi nhà giáo là viên chức đơn thuần như hiện nay để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước; tạo bình đẳng giữa nhà giáo khu vực công lập và ngoài công lập.

Việc có Luật Nhà giáo góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung.

Phóng viên: Nhân dịp 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, với vai trò là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà có gửi gắm gì tới đội ngũ thầy cô đã và đang công tác trong ngành giáo dục?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Dạy học là nghề cao quý và có những yêu cầu riêng, đòi hỏi mỗi người khi tham gia đều phải có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, xác định rõ trách nhiệm về sự mẫu mực “mô phạm”, sự cống hiến và cần có sự nỗ lực, tận tụy, thậm chí hy sinh không mệt mỏi cho sự nghiệp “trồng người” thay vì phải vất vả kiếm thêm thu nhập để bảo đảm kế sinh nhai trong cơ chế thị trường như một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay.

Ðể có thể đáp ứng yêu cầu “hành nghề sư phạm”, trước hết, đội ngũ nhà giáo cần phải có đạo đức nghề nghiệp tức là có tình yêu với nghề giáo, tâm huyết và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục; có tình yêu với học trò và sự xả thân “tất cả vì học sinh thân yêu”. Sau nữa là luôn tự hoàn thiện, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và đáp ứng các nhiệm vụ theo những yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp để có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả về việc nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới.

Xét nhiều mặt, nghề dạy học đòi hỏi sự tận tụy, yêu nghề, yêu trẻ, tôn trọng người học, có sự chăm chút cho công việc của mình…, gắn với những phẩm chất nhất định về tri thức, về thái độ, về tình cảm, về đạo đức…, mà nếu thiếu những điều đó thì sẽ không được coi là nhà giáo.

Khi xã hội tôn trọng người thầy, đề cao nghề dạy học thì cũng có nghĩa là trân quý “người giáo viên nhân dân” thể hiện được tư cách, thái độ cao quý trong công việc dạy học của mình ở khía cạnh xem nghề dạy học là vì nhân dân, cho nhân dân, mang tính nhân dân để phục sự nghiệp giáo dục đào tạo. Để đạt được điều này, cần và rất cần sự quan tâm, chăm lo về chế độ chính sách, về thể chế, về công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn, sự đãi ngộ, tôn vinh và đánh giá đúng vị trí, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại và sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo hiện nay.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các thế hệ nhà giáo đã tận tâm, tận lực vì sự nghiệp giáo dục. Tôi cũng mong rằng các nhà giáo đang công tác trong Ngành cần tiếp tục nhận thức đầy đủ sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của “NGƯỜI THẦY”, dành hết tâm huyết, trí tuệ và tình cảm cho công việc của mình, lấy sự trưởng thành của các thế hệ học trò làm niềm vui và phần thưởng cao quý nhất đối với bản thân; từ đó tự tin, tự hào và tự trọng để hoàn thành nhiệm vụ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Ngô Thị Minh.

Thuỳ Linh