Trong một năm học, tháng 11 được xem là tháng cao điểm của các nhà trường bởi nhiều phong trào được tổ chức vào dịp này nhằm hướng tới chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.
Phong trào của thầy cô cũng có, phong trào của học trò cũng có. Nhưng dù là tổ chức cho thầy hay cho trò thì giáo viên cũng đều phải tham dự.
Ngoài việc tham gia các phong trào thì thầy và trò còn tham gia các hội thi, phải dạy bù, học bù cho ngày 20/11. Vì thế, thời khóa biểu các tuần trong tháng 11 gần như kín cả.
Rất nhiều phong trào, hội thi được tổ chức vào tháng 11 (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: P.L.) |
Phải công nhận rằng, việc tổ chức nhiều phong trào trong tháng 11 cũng giúp cho thầy cô và học trò trong trường có dịp gần gũi với nhau nhiều hơn khi cùng tham gia tập luyện, cùng tham gia hoạt động.
Thế nhưng, nhiều phong trào quá khiến cho cả thầy và trò cùng uể oải nhưng cứ phải cố gắng tuân theo các kế hoạch của ngành, của nhà trường phát động.
Tháng 11 bao giờ ngành giáo dục, đoàn- đội các cấp và nhà trường thường phát động, tổ chức rất nhiều phong trào cho học sinh. Nào là thi làm báo tường, vẽ tranh, làm thiệp chúc mừng thầy cô, thi cắm hoa, thi văn nghệ chào mừng, đá bóng giao hữu…
Chính vì thế mà học sinh cũng bận không kém gì thầy cô giáo. Bởi, phong trào nào được phát động đều phải có sự chuẩn bị của học sinh thì mới tham gia thi được.
Chẳng hạn như làm thiệp hay cắm hoa chỉ vài em trong lớp tham dự nhưng thi văn nghệ và làm báo tường, các hoạt động thể thao thì phải huy động gần như cả lớp.
Mỗi lớp 1-2 tiết mục văn nghệ nhưng vì có tiết mục nhảy, múa thành ra học trò phải tập luyện nhiều tuần. Mỗi tuần phải vào trường trái buổi mấy lần, tuần nào bận thì học xong là các em ở lại để tập.
Khi các em ở lại tập thì giáo viên và các bạn không tham gia tập luyện cũng ở lại để giám sát và cũng là cách động viên các em và bạn bè trong lớp học của mình.
Gần 2.000 học sinh Trường Trưng Vương trải nghiệm “Tình đất phương Nam” |
Làm báo tường thì huy động cả lớp viết bài, rồi chọn bài, chọn những bạn có năng khiếu vẽ, những bạn viết chữ đẹp để viết và nhiều khi loay hoay cả tuần chưa xong.
Nhiều lớp nhỏ không biết viết, biết sưu tầm bài vở thì giáo viên càng cực hơn bởi phải đảm nhận gần hết công việc.
Đối với giáo viên thì dịp này càng có thêm nhiều công việc để tham gia. Hội thi giáo viên giỏi cấp trường cũng rơi vào tháng 11 nên nhiều thầy cô tất bật chuẩn bị để giảng dạy các tiết thực hành cho tốt. Nhiều thầy cô thì được phân công làm giám khảo nên cũng thường xuyên phải có mặt ở trường.
Tháng 11 thường diễn ra tiết thao giảng chuyên đề cấp trường để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Khi tổ chuyên môn nào được phân công thực hiện thì các giáo viên trong tổ cũng phải hội họp, thảo luận, xây dựng tiết dạy một cách chu đáo nhất.
Ngày thực hiện tiết chuyên đề thì toàn thể giáo viên trong trường đến dự. Dự 45 phút nhưng phải chuẩn bị hàng tuần trước đó, ngày thực hiện thì cũng góp ý cho nhau cả buổi.
Hiệu quả thì cũng chẳng được là bao nhưng cũng khiến cho nhiều thầy cô tất bật. Thế nhưng, đó là các hoạt động chuyên môn nên năm nào cũng phải vậy.
Ngoài hội thi giáo viên giỏi cấp trường, thao giảng chuyên đề thì giáo viên còn phải đăng ký tiết dạy tốt, học tốt. Tất nhiên, tiết học này cũng có nhiều giáo viên dự giờ, đánh giá tiết dạy nhằm tìm ra những giáo viên dạy tốt, những lớp học tốt để tuyên dương, trao thưởng vào dịp 20/11.
Và, một khi thầy cô thi, thao giảng, đăng ký tiết dạy tốt thì học sinh cũng được “kéo vào” chuẩn bị cùng để cho tiết dạy thành công. Vì thế, không chỉ thầy vất vả mà trò cũng tất bật theo thầy.
Điều oái oăm nhất là để chuẩn bị cho ngày nghỉ 20/11 thì nhà trường phải bố trí cho giáo viên và học sinh dạy bù và học bù ngày này từ trước.
Nếu như năm nào mà xã (phường) tổ chức họp mặt ngày Nhà giáo Việt Nam nữa là trường phải bố trí dạy bù cho 2 ngày học. Học sinh thì các em ngồi thêm mỗi buổi 1 tiết học nhưng giáo viên phải đến trường thêm nhiều buổi nữa.
Có bữa lên trường chỉ dạy bù 1 tiết rồi về. Vì những buổi dạy bù thì thường được chen vào 1 tiết, mà nghỉ một buổi dạy thì giáo viên mất 3-5 tiết. Thành ra, nhiều thầy cô cứ dạy bù dài dài..
Phong trào nhiều nhưng giáo viên và học sinh trong trường cũng rất khó có ý kiến góp ý bởi có phong trào thì nhà trường phát động, có phong trào công đoàn phát động, có phong trào đoàn- đội phát động…
Phong trào nào cũng đưa ra những mục đích rõ ràng, cụ thể, đều hướng tới ý nghĩa tích cực, tạo động lực cho học sinh phấn đấu, rèn luyện, hướng các em đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Còn giáo viên thì là dịp để trau dồi, học hỏi thêm kiến thức kinh nghiệm...
Nhất là các cuộc thi, hội thi, các phong trào bao giờ cũng gắn thêm cụm từ "nhằm chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam" nên nó càng thêm "thiêng liêng" hơn bao giờ hết.
Tháng 11 vì thế mà tất bật, vất vả cho cả thầy và trò ở các nhà trường nhưng năm nào cũng vậy, giáo viên và học sinh cứ mải miết chạy theo...!