Nên có thêm chi phí hỗ trợ đi lại đối với thầy cô đi học bồi dưỡng

29/11/2022 06:49
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Có thầy cô kiến nghị, cần tạo điều kiện về mặt thời gian và có thêm chi phí hỗ trợ đi lại để thầy cô yên tâm học tập, nâng cao năng lực chuyên môn. 

Hiện hầu hết các địa phương trên cả nước đã hoặc đang tiến hành kiểm tra giữa học kỳ 1. Năm nay, khối học sinh lớp 6-7 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có một số môn học tích hợp mới: Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên (tích hợp Vật lý, Sinh học và Hóa học).

Tùy theo tình hình thực tế đội ngũ giáo viên ở từng trường, các môn học tích hợp sẽ được phân công cho 1 người giảng dạy, hoặc 2-3 giáo viên cùng đảm nhận một môn học. Vì vậy, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành tìm hiểu tình hình thực tế ở môn số địa phương để hiểu rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình kiểm tra, đánh giá các môn học mới này.

Học sinh vùng khó “đuối” trước yêu cầu kiến thức của Chương trình mới

Tại trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bá Ngọc (tỉnh Phú Yên), do đội ngũ giáo viên hiện có chưa được đào tạo dạy liên môn, vì vậy với các môn học tích hợp, nhà trường vẫn bố trí 2 giáo viên cùng giảng dạy: môn Lịch sử và Địa lý 2 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên 2 giáo viên (trong đó, 1 giáo viên đảm nhận dạy phân môn Vật lý, Hóa học, 1 giáo viên dạy phân môn Sinh học).

Cô trò trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bá Ngọc. Ảnh: Website nhà trường

Cô trò trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bá Ngọc. Ảnh: Website nhà trường

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Sỹ - Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bá Ngọc cho biết hiện nay trường đã tiến hành xong việc kiểm tra, đánh giá học sinh giữa học kỳ 1.

Qua đánh giá, thầy Sỹ mức độ học sinh tiếp cận với chương trình mới chỉ đạt ở mức trung bình, lý do là đặc thù học sinh của trường thuộc vùng miền núi, năng lực của các em có phần hạn chế hơn so với học sinh ở khu vực miền xuôi, các thành phố lớn. Mặt khác, nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới nhìn chung phần kiến thức khá nặng, đối chiếu với năng lực học sinh của địa phương cũng là một trở ngại trong quá trình tiếp cận.

Nắm được những khó khăn hiện tại của nhà trường, từ đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học của chương trình mới, thiếu trang thiết bị dạy học,... ngay từ đầu năm học, lãnh đạo nhà trường đã có nhiều chỉ đạo quan trọng nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

“Đầu năm học mới, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt, xây dựng kế hoạch giảng dạy môn học, rồi phân công giảng dạy,... Ngoài ra, hàng tháng nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên đề, góp ý xây dựng giảng dạy để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình dạy học,...”, thầy Sỹ cho hay.

Việc xây dựng đề thi nhằm kiểm tra, đánh giá học sinh được thiết kế căn cứ theo phân phối chương trình dạy học. Trao đổi thêm với phóng viên, thầy Phan Cao Trạng - Tổ trưởng tổ chuyên môn Lý-Hóa-Sinh cho biết, hiện với môn Khoa học tự nhiên, thầy Trạng đảm nhận dạy phân môn Vật lý và Hóa học do trước đây thầy được đào tạo 2 môn này, phân môn Sinh học do một giáo viên khác trong tổ nữa đảm nhận.

“Đề thi được xây dựng bám sát với phân phối chương trình môn học. Ví dụ, ở học kỳ 1, môn Sinh học chiếm 50%, môn Vật lý và Hóa học mỗi môn chiếm 25% cấu trúc đề thi. Sang học kỳ 2, môn Vật lý chiếm 50%, hai môn còn lại là Sinh học và Hóa học chiếm 25%”, thầy Trạng chia sẻ.

Trước khi xây dựng đề kiểm tra giữa kỳ 1 môn Khoa học tự nhiên, hai thầy cô giáo đảm nhận dạy sẽ họp và thảo luận, thống nhất cấu trúc đề thi. Mỗi thầy cô giáo sẽ đảm nhận ra đề thi môn học mình dạy, và thầy Trạng, với vai trò là tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ là người phụ trách tổng hợp và chốt lại đề thi.

Tương tự, khi chấm bài, hai thầy cô sẽ đảm nhận chấm riêng phần kiến thức phân môn của mình, sau đó ghép lại và tính điểm tổng kết chung của cả bài Khoa học tự nhiên.

Theo thầy Trạng, vì đặc điểm học sinh vùng miền núi, năng lực các em còn hạn chế, do vậy các câu hỏi đưa ra chủ yếu ở mức tìm hiểu, nhận biết nhiều hơn vận dụng.

Thầy Phan Quốc Hưng đánh giá: “Điểm kiểm tra của các em rất thấp, không hình thành được cái phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của môn học mới". Ảnh: Website trường Trung học cơ sở Cần Đăng

Thầy Phan Quốc Hưng đánh giá: “Điểm kiểm tra của các em rất thấp, không hình thành được cái phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của môn học mới". Ảnh: Website trường Trung học cơ sở Cần Đăng

Trình độ học sinh còn hạn chế cũng là trở ngại lớn cho các thầy cô khi dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Phan Quốc Hưng - Tổ trưởng tổ chuyên môn Sử-Địa trường Trung học cơ sở Cần Đăng (tỉnh An Giang) cũng thừa nhận khó khăn khi năng lực học sinh chưa đảm bảo đáp ứng theo học chương trình của sách mới.

Vị tổ trưởng tổ chuyên môn chia sẻ: “Các em học sinh nếu chăm chỉ thì tiếp thu rất nhanh. Tuy nhiên, đặc thù học sinh trường tôi đa số là con em vùng nông thôn, bố mẹ đều đi làm thuê ở thành phố hết. Vì vậy, tính tự giác học tập của học sinh không cao. Chưa kể, rất nhiều em học sinh có tư tưởng đi học cho vui, hết cấp 2 các em sẽ nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp gia đình.

Do vậy, tình trạng chung ở các lớp học là khoảng 50% học sinh trong lớp có lực học dưới mức yêu cầu của mục tiêu chương trình đề ra”.

Đánh giá kết quả kiểm tra giữa học kỳ 1 vừa qua, thầy Hưng lắc đầu: “Điểm kiểm tra của các em rất thấp, không hình thành được cái phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của môn học mới. Chương trình mới này nội dung hay hơn so với sách cũ, tuy nhiên với học sinh khu vực nông thôn, tôi cho rằng kiến thức khá nặng và học sinh rất khó tiếp cận và lĩnh hội được hết các kiến thức người viết sách mong muốn”.

Đề xuất có thêm sách hướng dẫn dành riêng cho học sinh miền núi

Trước những khó khăn như vậy, thầy Phan Cao Trạng bày tỏ mong muốn sớm có các lớp học bồi dưỡng, giảng dạy giúp giáo viên có đủ điều kiện đảm nhận dạy các môn học tích hợp, nhằm hạn chế khó khăn khi cùng 1 môn học mà có 2 giáo viên dạy.

Giáo viên vùng miền núi gặp khó khăn khi thường phải di chuyển xa xôi để tới các địa điểm tập huấn, chưa kể, phải lo công việc giảng dạy ở trường, vừa chăm lo việc nhà. Do vậy, thầy Trạng nêu kiến nghị:

“Giáo viên sẵn sàng đi học bồi dưỡng thêm để có đủ điều kiện giảng dạy theo yêu cầu chương trình mới. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng để các thầy cô tích cực tham gia, cần tạo điều kiện về mặt thời gian và có thêm chi phí hỗ trợ đi lại để thầy cô yên tâm học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường”.

Ngoài ra, với tình hình chung hiện nay, rất nhiều thầy cô giáo ở các trường vùng miền núi cho rằng chương trình mới có nội dung kiến thức còn nặng so với học sinh vùng khó, do vậy, các thầy cô đề xuất cần có thêm tài liệu bổ trợ để giảng dạy thêm cho học sinh miền núi, tránh quá trình “đuối” kiến thức kéo dài, gây phân hóa sâu sắc năng lực học sinh giữa các vùng miền.

“Tôi rất mong Bộ Giáo dục sớm có kế hoạch xây dựng, ban hành sách hướng dẫn dành cho học sinh vùng miền núi khó khăn, cụ thể nội dung kiến thức cần đơn giản và dễ hiểu hơn để giúp học sinh đặc thù nơi đây dễ tiếp thu kiến thức”, thầy Trạng nói.

Ngoài ra, thầy Phan Quốc Hưng cũng đặt thêm vấn đề về sự quan tâm, phối hợp giáo dục con em của phụ huynh, đặc biệt ở khu vực nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn nhằm định hướng, khuyến khích học sinh có mục tiêu kiên định trong học tập, khám phá tri thức. Chỉ có học tập mới thay đổi được số phận.

Bắc Sơn