Xét tuyển sớm vừa gây thêm vất vả, vừa không công bằng giữa các trường

21/12/2022 06:56
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xét tuyển sớm tiềm ẩn nguy cơ thiên vị một số trường đại học, học sinh vội vàng trước mỗi mùa tuyển sinh. 

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức giao ban quý IV về tuyển sinh và đào tạo năm 2022 đại học và cao đẳng sư phạm. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống tuyển sinh cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. Đồng thời, năm 2023 sẽ xem xét không thực hiện xét tuyển sớm như năm 2022.

Yêu cầu mang ý nghĩa thực tiễn

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 20 phương thức xét tuyển đại học được áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm 2022, chỉ có 4 phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bao gồm:

Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông;

Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế;

Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với kết quả học tập cấp trung học phổ thông;

Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với điểm thi năng khiếu.

Như vậy, với các phương thức còn lại, thí sinh đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển sớm.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một cán bộ làm công tác tuyển sinh của trường đại học ở Hà Nội cho rằng, năm học 2022, nhà trường sử dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh đại học khác nhau. Cho đến thời điểm này, các thí sinh trúng tuyển đã nhập học và duy trì trạng thái học tập ổn định.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

“Về công tác tuyển sinh, theo quan điểm của tôi, lưu ý của Bộ về rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ những phương thức không phù hợp mang ý nghĩa thực tiễn rất lớn.

Dẫn chứng cụ thể, trong tuyển sinh đại học năm 2022, nhiều trường đề xuất các phương thức xét tuyển mà cá nhân tôi cũng thấy lạ.

Tất nhiên, không thể phủ nhận việc nhiều phương thức tuyển sinh thì tạo lợi thế là thí sinh sẽ được gia tăng cơ hội trúng tuyển đại học, cao đẳng hơn. Song, về đường dài, việc nhiều phương thức tuyển sinh đại học sẽ để lại những hệ quả khôn lường, nhất là một số phương thức lại được sử dụng để phục vụ công tác tuyển sinh sớm.

Đơn cử, trong tổng số tất cả các phương thức tuyển sinh, thí sinh đã có 14 phương thức được sử dụng để có thể tuyển sinh sớm”, vị này chia sẻ.

Xét tuyển sớm thí sinh có thể lỡ mất cơ hội vào trường mình mơ ước

Xét tuyển sớm là áp dụng các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm thi của thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ví dụ như: Xét học bạ, điểm thí sinh tại kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế, và các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng…

Khi thí sinh nộp hồ sơ theo hình thức xét tuyển sớm, nếu đủ điều kiện thì nhận được thông báo kết quả: đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm và cần phải chờ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đạt yêu cầu và được công nhận tốt nghiệp thì mới chính thức được nhận giấy báo trúng tuyển và gọi nhập học.

Cùng đưa ra những bất cập trong công tác tuyển sinh sử dụng nhiều phương thức và hình thức tuyển sinh sớm, thầy Trần Vũ Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Tân Trào đã có những chia sẻ và góp ý để công tác tuyển sinh năm 2023 được thuận lợi hơn. Đặc biệt, theo thầy Phương, phương án xét tuyển sớm tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiên vị đối với một số trường.

“Năm 2022, thực tế là các trường sử dụng hình thức xét tuyển sớm vất vả ngang với các trường xét tuyển theo lộ trình của Bộ”, thầy Phương nhận xét.

Lý giải về vất vả này, thầy Phương cho rằng, các trường xét tuyển sớm cũng không tập trung được thí sinh trúng tuyển sớm. Bởi vì, trường chỉ được phép thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào trường theo hình thức xét tuyển sớm chứ không được thông báo thí sinh đã trúng tuyển vì còn đợi công bố điểm thi tốt nghiệp.

Cũng theo vị này, năm 2022, công tác tuyển sinh được Bộ hướng dẫn có những điểm tích cực. Nhất là việc thống nhất, khống chế thời gian công bố điểm, không gây xáo trộn cho thí sinh.

Thầy Phương chỉ ra hệ quả từ hình thức xét tuyển sớm đối với bản thân thí sinh và các cơ sở đào tạo đại học.

Thứ nhất, thí sinh dễ bỏ lỡ cơ hội vào trường đại học mình thực sự mơ ước.

Thầy Phương cho rằng, tuyển sinh sớm cũng gây thiệt thòi cho thí sinh. Trường hợp thí sinh chờ đợi mãi không thấy điểm trúng tuyển, sốt ruột thì sẽ lựa chọn các trường xét tuyển sớm.

Thứ hai, các trường không tuyển sinh sớm sẽ bị thiệt thòi.

Chưa kể, bỏ hình thức xét tuyển sớm cũng tránh được trường hợp xuất hiện nhiều thí sinh ảo. Cụ thể, một trường xét tuyển sớm với chỉ tiêu là 200 trong tổng số 300 chỉ tiêu toàn trường. Đến khi nhập học, số chỉ tiêu xét tuyển sớm nhập học chỉ có 100. Như vậy, trường sẽ rơi vào trạng thái tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Kết hợp điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ ngoại ngữ có bất công bằng?

“Năm 2022, nhà trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh, đó là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển thẳng; và sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trường không sử dụng phương thức kết hợp giữa điểm thi và điểm đánh giá năng lực, tư duy mà chỉ chọn tách biệt. Một là sử dụng điểm thi, hai là điểm đánh giá năng lực, tư duy.

Theo tôi, các phương thức kết hợp được một số trường lựa chọn để xét tuyển đại học như sử dụng thêm chứng chỉ ngoại ngữ hay điểm học bạ trung học phổ thông thì phải căn cứ vào điều kiện, yêu cầu học thực tế của từng trường”, thầy Phương cho hay.

Năm 2021, trường có sử dụng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết hợp với điểm học bạ. Tuy nhiên, năm 2022, trường bỏ phương thức này vì không còn cần thiết và ý nghĩa nữa.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn cụ thể về phương thức sử dụng kết quả thi và sử dụng điểm học bạ độc lập nhau.

Tuy nhiên, với các trường đặc thù như công an, quân đội, việc sử dụng kết quả thi trung học phổ thông cùng với xét điểm trung bình các môn học trong học bạ thì sẽ là điều kiện để củng cố, tăng thêm độ khó nhằm đánh giá năng lực toàn diện thí sinh theo cả quá trình”, thầy Phương chia sẻ.

Dư luận bàn nhiều về việc sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học sẽ tạo ra bất công bằng. Về vấn đề này, thầy Phương nêu quan điểm:

“Tôi nghĩ, phương thức tuyển sinh sử dụng kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế không phải tạo yếu tố thiếu công bằng cho thí sinh. Mà chứng chỉ này là nguồn động viên cho thí sinh có ý thức cố gắng học tốt ngoại ngữ.

Phương thức tuyển sinh này thường được các trường thông báo sớm, thậm chí trước khi xây dựng đề án tuyển sinh. Nếu thí sinh đạt chứng chỉ ngoại ngữ thì có thể lựa chọn phương thức xét tuyển này để tăng cơ hội trúng tuyển. Nếu thí sinh không có chứng chỉ thì không đăng ký xét theo phương thức này, cũng không sao. Dĩ nhiên, thí sinh không có chứng chỉ thì sẽ giảm đi một cơ hội chứ không phải là hoàn toàn bị mất hết đường vào ngôi trường đại học mơ ước”, vị Trưởng phòng Đào tạo nêu ý kiến.

Được biết, năm 2022, Trường Đại học Tân Trào không thực hiện hình thức tuyển sinh sớm. Với những phương thức tuyển sinh như năm 2022, trường sẽ tiếp tục giữ ổn định để tuyển sinh trong năm 2023.

Ngọc Mai