Đã lâu mới có dịp gặp lại cô bạn T. hiệu trưởng một trường tiểu học của một thị trấn. Sau những câu thăm hỏi của những người bạn lâu ngày gặp lại, chủ đề lại xoay quanh chuyện trường, chuyện lớp đặc biệt là chuyện thưởng tết vào cuối năm.
Ảnh minh họa: LĐO |
Ngân sách rót về eo hẹp, trường khéo chi cũng khó đủ
Bạn T. cho biết, mình đã không ít lần thấy nghẹn lòng vì thương giáo viên khi tết về không có lấy một đồng tiền thưởng.
Không ít lần nghe được những lời bóng gió đầy ẩn ý từ đồng nghiệp. Nào trường người ta, tết đến giáo viên được thưởng tiền hàng chục triệu, còn mình vài trăm cũng không có. Nào trường kia, thầy cô ấm no, xúng xính đi mua sắm, còn trường mình một đồng cắc cũng không. Cũng là giáo viên sao chênh lệch quá vậy?
Có giáo viên còn thẳng thừng, hiệu trưởng người ta rộng rãi, thoáng tay vì biết thương giáo viên nên nhiều người được nhờ. Hay hiệu trưởng người ta biết vun vén, khéo chi tiêu…Còn trường mình…những câu nói bỏ lửng nhưng ai cũng hiểu họ đang muốn nói đến điều gì.
Bạn tôi nói rằng, cũng khó trách giáo viên vì họ làm sao hiểu được mỗi địa phương mỗi khác, chuyện có được thưởng tết hay không, thưởng nhiều hay ít không chỉ phụ thuộc vào tài chi tiêu của hiệu trưởng mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc cấp ngân sách ở từng địa phương.
Chi còn chưa đủ lấy đâu để thưởng?
Nói rồi bạn cho biết, ở một số địa phương cấp ngân sách cho các hoạt động cho nhà trường dựa vào sĩ số học sinh, sĩ số giáo viên hoặc vào loại trường.
Tuy nhiên, địa phương nơi trường đóng lại cấp ngân sách cho các hoạt động một cách đổ đồng như nhau nên trường có 8 lớp cũng bằng trường 28 lớp. Cụ thể, một năm trường bạn nhận được khoảng 200 triệu đồng tiền hoạt động.
Tuy thế, phải để lại 10% cho quỹ tiết kiệm của địa phương, 10 triệu đồng cho bảo hiểm cháy nổ, 30 triệu đồng (trường có 30 cán bộ công nhân viên) cho tiền thưởng tết cho cán bộ, viên chức theo quyết định của tỉnh.
Số tiền chỉ còn khoảng 140 triệu đồng phải chi những khoản tiền cố định hàng tháng như tiền điện, nước, mạng, điện thoại…
Trường chi ít nhất, mỗi tháng những khoản trên hết khoảng 5 triệu đồng/tháng, trường đông học sinh, nhiều lớp học, số tiền phải chi còn cao hơn rất nhiều.
Đó là chưa kể đến những khoản phải chi khác như sửa chữa bàn ghế, bảng, sửa điện, nước, hệ thống quạt, sơn, quét vôi phòng học, mua sắm một số trang thiết bị học tập cho nhà trường…
Khoản tiền phải bỏ ra nhiều nhất là thuê riêng người quét dọn, lau chùi nhà vệ sinh cho học trò. Giá thuê rẻ nhất cũng từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền mua dụng cụ, nước tẩy rửa. Một năm học, số tiền phải chi cho hoạt động này khoảng hơn 20 triệu đồng (với trường học có quy mô nhỏ).
Ngân sách eo hẹp, các khoản chi chính đáng cũng quá nhiều thì làm sao có thể kết dư quỹ để chi thu nhập tăng thêm cho các thầy cô giáo vào cuối năm?
Vì thu nhập tăng thêm một số trường học phải tăng cường biện pháp xin ủng hộ từ phụ huynh
Cô hiệu trưởng bạn tôi đã bật mí, một số trường học có khoản tiền dôi dư cuối năm để thưởng thu nhập tăng thêm cho giáo viên là do họ đã làm tốt công tác xã hội hoá.
Nghĩa là, cho phép giáo viên vận động, kêu gọi sự đóng góp từ phụ huynh cho loại quỹ mang tên quỹ hội phụ huynh. Thế là những khoản như tiền vệ sinh, tiền trang trí phòng học, mua trang thiết bị, đồ dùng học tập…đã không phải chi từ tiền ngân sách được cấp về.
Nhiều khoản không phải chi từ ngân sách, cuối năm số tiền kết dư này sẽ được chi tăng thêm cho giáo viên.
Thế là, ngân sách còn dư nhiều hay ít phụ thuộc vào việc vận động phụ huynh đóng góp được nhiều khoản hay ít khoản. Và, trong cùng một địa bàn, trường được thưởng thu nhập tăng thêm nhiều hay ít một phần là do sự chi tiêu khéo léo, hợp lý của hiệu trưởng. Nhưng chủ yếu vẫn là, do nhà trường huy động được nhiều sự hỗ trợ kinh phí từ phụ huynh.
“Giá như giáo viên có được khoản tiền tết như nhiều ngành nghề khác, giá như đời sống của thầy cô cũng khấm khá hơn thì có lẽ họ cũng chẳng trông mong được vài ba triệu đồng tiền thưởng vào mỗi dịp tết đến xuân về.
Và như thế, áp lực cũng không đè nặng lên vai một số hiệu trưởng, nhờ đó tình trạng lạm thu ở trường học cũng không còn nhiều như hiện nay”. Cô hiệu trưởng nói trong tiếng thở dài đến nao lòng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.