Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm bất cập, khắc phục thế nào?

22/10/2022 06:34
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nội dung giáo dục địa phương được tách riêng thành một môn học, rất khó phân công giáo viên giảng dạy, là một trong những bất cập của chương trình mới.

Nội dung giáo dục địa phương được tách riêng thành một môn học khó để phân công giáo viên giảng dạy. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp còn thiếu gắn kết với các môn học, bất cập trong đánh giá học sinh.

Khó phân công giáo viên giảng dạy Nội dung giáo dục địa phương

Nội dung giáo dục địa phương (cấp trung học cơ sở) mỗi năm có 35 tiết dạy thì có tới 6 phân môn khác nhau, đó là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc và Mĩ thuật, Giáo dục công dân (cấp trung học phổ thông: Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Phân môn của môn nào thì giáo viên môn đó dạy nhưng cũng gộp chung thành một môn và cùng trong một cuốn sách giáo khoa địa phương, do 5 đến 6 giáo viên thực hiện. Khi nhận xét, đánh giá lại chung một mức, một cột.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Sau một năm thực hiện ở lớp 6, các trường gặp khó khi xếp thời khóa biểu, phân công chuyên môn, chia định mức số tiết cho giáo viên nên nhiều trường đã phân công cho một giáo viên dạy toàn bộ các phân môn của Nội dung giáo dục địa phương.

Trong khi, các phân môn Nội dung giáo dục địa phương ở chương trình 2006 vẫn có phần địa phương được gắn với chính môn học đó, rất hợp lý và logic.

Vì được bố trí vào các môn học chính khóa nên việc dạy và kiểm tra Nội dung giáo dục địa phương cũng thuận lợi hơn nhiều và cũng thể hiện mối liên quan giữa kiến thức chung và kiến thức địa phương của môn học.

Giáo viên nào đang dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp?

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp do giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội phối hợp thực hiện bao gồm chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp.

Các chuyên đề, có 2 đến 3 giáo viên cùng thực hiện nhưng đánh giá lại chung một cột, một mức, còn thiếu gắn kết với các môn học.

Chính vì thế, việc trao đổi, thảo luận về chuyên môn, phân công giảng dạy, tổ chức ôn tập, kiểm tra định kỳ, vào điểm, nhận xét cho các môn học này vẫn đang rất khó khăn.

Trong lúc chương trình mới đòi hỏi đổi mới phương pháp dạy học, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh nhưng nội dung giảng dạy giáo viên còn chưa nắm vững, chưa thoát được sách giáo khoa, làm sao mà "đổi mới" và "hình thành"?

Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm được đánh giá thế nào?

Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực ra cũng rất khó để đòi hỏi về chất lượng bởi có môn giáo viên chỉ dạy một vài tiết học rồi gán ghép cơ học với nhau trong các đề kiểm tra.

Theo hướng dẫn tại Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đánh giá theo mức “Đạt” và “Chưa đạt”.

Có thể nhận thấy, cuối cùng giáo viên nào cũng quy về “Đạt” vì một môn học có mấy phân môn làm sao mà đánh giá "Chưa đạt".

Trong khi đó, các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa rõ ràng nên hầu hết các trường tự xoay sở, thực hiện mỗi nơi một kiểu; việc quản lý, điều hành đang lúng túng, cuối cùng giáo viên phải chịu trận.

Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa thể đáp ứng việc dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chẳng hạn, một số chuyên đề, chủ đề của Hoạt động trải nghiệm như: tham quan, cắm trại, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng cần được thực hành, tổ chức ở ngoài thực địa, đi thực tế thì hầu hết các nhà trường không có kinh phí để tổ chức.

Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn xây dựng kế hoạch hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thế nào?

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 3468/SGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn kế hoạch xây dựng Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong trường trung học năm học 2022-2023. (*)

Theo đó, Công văn có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thực hiện dạy học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động bắt buộc 03 tiết/tuần, hiệu trưởng phân công người phụ trách, thực hiện trong kế hoạch giáo dục và trên thời khóa biểu nhà trường.

Kế hoạch tổ chức các hoạt động được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường; tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động trong và ngoài nhà trường.

Đáng chú ý, chế độ làm việc của giáo viên kiêm nhiệm hoặc phụ trách được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông và các quy định liên quan.

Đối với công tác hỗ trợ khởi nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tổ chức tuyên truyền cho học sinh về các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thông qua việc lồng ghép vào chương trình môn học Công nghệ, các hoạt động giáo dục, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông.

Cùng với đó, phát triển các câu lạc bộ khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để học sinh hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Nhìn chung, một số chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là khá hợp lí với thực tiễn của các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố.

Tài liệu tham khảo:

(*) https://hcm.edu.vn/thong-bao/huong-dan-xay-dung-ke-hoach-giao-duc-ngoai-gio-len-lop-hoat-dong-trai-nghiem-va/ctmb/41000/69228

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên