Vì sao ngành Nông, Lâm điểm chuẩn chỉ 15-16 nhưng tỷ lệ nhập học thuộc top thấp?

22/12/2022 06:47
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tỷ lệ nhập học khối Nông, Lâm và Thủy sản thuộc 1 trong 4 lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh đầu vào đại học thấp nhất trong 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022.

Theo nhiều chuyên gia, lĩnh vực Nông, Lâm và Thủy sản là lĩnh vực có cơ hội việc làm khá tốt, lấy điểm chuẩn (điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông) 15-16 điểm cho tổ hợp ba môn, nhưng lại không hấp dẫn đối với thí sinh. Tỷ lệ nhập học khối ngành này thuộc 1 trong 4 lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh đầu vào đại học thấp nhất trong 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022.

Tỷ lệ nhập học của khối ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản trong 3 năm qua (đơn vị:%). Ảnh: TL

Tỷ lệ nhập học của khối ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản trong 3 năm qua (đơn vị:%). Ảnh: TL

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học chung cả nước là 86,41%, 467.791/541.301 thí sinh nhập học. Trong đó, tỷ lệ nhập học của khối ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản chỉ đạt 44,2%, bằng 50% so với tỷ lệ chung cả nước.

Năm 2021, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học chung cả nước là 93,2%; tỷ lệ nhập học của khối ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản là 62,32%, cao hơn gần 20% so với năm ngoái.

Theo thống kê tuyển sinh đợt 1 năm 2022, trong số 564.735 thí sinh trúng tuyển thì 463.123 em nhập học, đạt tỷ lệ 82%. Trong đó, tỷ lệ nhập học khối ngành này chỉ đạt 42,91%.

Như vậy, trong vòng 3 năm, tỷ lệ nhập học ngành Nông, Lâm và Thủy sản chỉ có một năm (năm 2021) trên 50%, còn lại năm 2020 và năm 2022 đều dưới 50%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học chung cả nước.

Chưa kể, điểm chuẩn của khối ngành này trong 3 năm qua cũng thấp hơn so với mặt bằng chung các khối ngành khác, chủ yếu dao động trong khoảng 15-16 điểm.

Để có dẫn chứng cụ thể, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê chi tiết, đối sánh điểm chuẩn trong 3 năm 2020, 2021, 2022 của ngành Thủy sản, Nông học, Lâm học của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế).

Ngành Thủy sản:

Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh: điểm chuẩn năm 2020 là 16 điểm; năm 2021 là 15 điểm; năm 2022 là 16 điểm.

Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế): điểm chuẩn năm 2020 là 15 điểm; năm 2021 là 16,3 điểm; năm 2022 là 15,3 điểm.

Trong 3 năm liên tiếp, điểm chuẩn ngành này chỉ dao động trong khoảng 15-16 điểm.

Ngành Nông học:

Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh: điểm chuẩn năm 2020 là 17,25; năm 2021 và 2021 đều là 17 điểm.

Còn Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế): điểm chuẩn năm 2020, 2021, 2022 đều là 15 điểm.

Như vậy, điểm chuẩn ngành Nông học có sự dao động không lớn qua các năm, có trường điểm chuẩn 3 năm giống nhau.

Ngành Lâm học:

Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh: điểm chuẩn năm 2020, 2021, 2022 đều là 16 điểm.

Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế): điểm chuẩn năm 2020, 2021, 2022 đều là 15 điểm.

Đối với ngành Lâm học, điểm chuẩn ít có sự dao động, nhiều trường điểm chuẩn giữ nguyên qua từng năm.

Như vậy, với khối ngành Nông, Lâm và Thủy sản, mức điểm chuẩn thường dao động trong khoảng 15-18 điểm, nhiều ngành lấy điểm chuẩn 15,16 điểm, mức điểm khá thấp so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, dù lấy điểm chuẩn không cao nhưng qua đợt tuyển sinh vừa qua, rất nhiều trường đào tạo khối ngành này tỷ lệ nhập học thấp, không đủ chỉ tiêu. Vì vậy, các trường phải xét tuyển bổ sung như Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Trà Vinh,..

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định hầu hết các ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Nguyên nhân do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của thí sinh có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.

Do đó, việc một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng dễ thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.

Dù lấy điểm chuẩn khá thấp nhưng khối ngành Nông, Lâm và Thủy sản vẫn khó thu hút thí sinh theo học. Nguồn: VNUA

Dù lấy điểm chuẩn khá thấp nhưng khối ngành Nông, Lâm và Thủy sản vẫn khó thu hút thí sinh theo học. Nguồn: VNUA

Từ thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nói: "Riêng lĩnh vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên Bộ này phải đứng ra chủ trì xây dựng đề án và kế hoạch triển khai cụ thể trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo.

Các trường có đào tạo lĩnh vực này cần có đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu cần, báo cáo Thủ tướng để xây dựng cơ chế đặc thù thu hút người học".

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh buộc các trường phải nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo; giúp toàn hệ thống giáo dục đại học loại bỏ những cơ sở đào tạo, ngành đào tạo yếu kém, nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo đại học.

Anh Trang