Đắk Nông gặp khó về nguồn kinh phí cho GV tham gia dạy phổ cập, xóa mù chữ

21/02/2023 06:42
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đắk Nông xác định phổ cập, xóa mù chữ là nhiệm vụ cấp bách, là nền tảng nâng cao chất lượng GD, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những điểm khó. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ để lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 18/3/2023.

Ý kiến đóng góp từ các địa phương cho thấy: thời gian qua, công tác xóa mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn tồn tại một số bất cập, khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đức Chính - chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên - Chính trị, tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông) đã có những chia sẻ về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đồng thời chỉ ra những khó khăn, biện pháp khắc phục của ngành giáo dục địa phương với công tác này.

Theo đó, trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông luôn xác định phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị, là nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết định, kế hoạch, đề án xóa mù chữ một cách đồng bộ, quyết liệt.

Từ khi thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, tổ chức được 101 lớp với 3.558 học viên.

Lớp học xóa mù chữ ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC

Lớp học xóa mù chữ ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC

Năm 2022, tỉnh Đắk Nông duy trì đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Tuy nhiên, theo số liệu điều tra năm 2022, hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn khoảng 13.072 người từ 15 đến 60 tuổi mù chữ.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tỉnh Đắk Nông cũng gặp một số khó khăn nhất định như:

Thứ nhất, công tác điều tra, huy động mở lớp, chế độ cho giáo viên về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ... còn nhiều bất cập vì nguồn kinh phí chi cho công tác này chưa đáp ứng được so với số lượng người mù chữ thực tế tại địa phương.

Thứ hai, người dân khó bố trí, sắp xếp thời gian tham gia lớp xóa mù chữ (do bận công việc) nên đã ảnh hưởng đến công tác xóa mù chữ chung tại các địa phương.

Thứ ba, dân di cư tự do hằng năm của tỉnh Đắk Nông năm sau tăng nhiều hơn năm trước, chủ yếu là người dân tộc từ các tỉnh phía Bắc vào, mức độ biết chữ hạn chế, điều này gây khó khăn trong việc tổ chức các lớp xóa mù.

Thứ tư, công tác quản lý nhân khẩu ở một số địa phương chưa được chú trọng, còn nhiều bất cập nên việc quản lý, điều hành về công tác xóa mù chữ đôi khi còn lúng túng.

Thứ năm, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác xóa mù chữ; một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc, nâng cao tỷ lệ người biết chữ, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, cụ thể:

Thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về chỉ tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tham mưu các cấp uỷ, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, thường xuyên nhằm làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc, tầm quan trọng của phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp để tăng cường công tác chỉ đạo về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tránh chủ quan, buông lỏng sau khi công nhận đạt chuẩn; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật giúp các đơn vị duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ một cách vững chắc.

Xây dựng, phát triển, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; thực hiện tốt chính sách đối với nhà giáo và huy động mọi nguồn lực để mở các lớp học xóa mù tự nguyện...

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, tăng cường đồ dùng, thiết bị dạy học tạo điều kiện nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Đắk Nông tăng cường các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Ảnh: NVCC

Đắk Nông tăng cường các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Đức Chính cho biết, hiện nay, tỉnh còn một số huyện có tỷ lệ người mù chữ cao như Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil.

Trao đổi thêm với phóng viên, bà Đinh Thị Hằng - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) cho biết, huyện có 6/7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, giao thông chia cắt. Do đó, tỷ lệ người mù chữ trên địa bàn huyện cũng tương đối cao.

Theo số liệu thống kê, số người chưa biết chữ từ 15 đến 60 tuổi là 4.575 người.

Bắt đầu từ năm 2019, huyện Đắk Glong đã tổ chức được 3 lớp xóa mù chữ với trên 100 học viên; năm 2020 tổ chức được 5 lớp với 146 học viên; năm 2022 huyện vừa hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 với 17 lớp - tổng số 583 học viên. (Riêng năm 2021 do không có kinh phí nên huyện không tổ chức lớp xóa mù chữ).

Là người trực tiếp phụ trách công tác này tại địa phương, bà Đinh Thị Hằng chỉ ra một số vướng mắc đặc thù như:

Những người mù chữ thường ở các vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, điều kiện kinh tế khó khăn nên công tác vận động trực tiếp rất vất vả, đặc biệt trong vấn đề đi lại.

Điều kiện dạy học thiếu thốn, người dân còn phải đi làm nên sẽ xếp lịch học buổi tối. Trong khi ở cụm 8, xã Đắk R’măng không có điện nên giáo viên phải tổ chức lớp học bằng nguồn sáng tới từ đèn pin, đèn dầu.

“Mới đây, điểm trường cụm 8, xã Đắk R’măng cũng đã nhận được sự giúp đỡ của mạnh thường quân, cung cấp một số đèn năng lượng để phục vụ cho công tác xóa mù chữ ở địa phương”, bà Đinh Thị Hằng cho hay.

Huyện thường xuyên tổ chức các lớp xóa mù chữ nhưng do tình trạng di dân di cư vào (chủ yếu là người thuộc các dân tộc miền núi phía Bắc, cũng mù chữ) nên số lượng mù chữ ở địa phương vẫn liên tục tăng lên. Chưa kể, tình trạng tái mù chữ vẫn có nên phải tiến hành vận động ra lớp xóa mù chữ liên tục.

Hiện tại, kinh phí thực hiện công tác xóa mù chữ tới từ nguồn kinh phí cấp để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nên còn hạn chế. Vì vậy, địa phương phải vận động xã hội hóa nguồn chi cho người dạy để tổ chức một số lớp xóa mù chữ.

“Trong năm 2023, phụ thuộc vào nguồn kinh phí được cấp, địa phương dự kiến tổ chức trên 10 lớp xóa mù chữ. Hiện tại, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong đang phối hợp với các đơn vị ở xã để làm công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và vận động để họ đăng ký tham gia các lớp xóa mù chữ”, bà Đinh Thị Hằng nói.

Chia sẻ thêm về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo “Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/ 3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ", trong đó có nội dung nêu:

"5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 20 như sau:

“1. Đối với xã: Có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1; đối với xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 25 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 như sau:

“1. Đối với xã: Có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 62 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2; đối với xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.”

Theo Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, để đạt được mục tiêu như vậy đối với một số xã có tỷ lệ mù chữ cao như Quảng Hòa, Quảng Sơn, Đắk R’măng, Đắk Som sẽ cần thời gian dài và phải có sự tính toán theo lộ trình để đạt được kết quả tốt nhất.

Anh Trang