Sau khi hết hạn đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT vào ngày 20/7/2022, nhiều giáo viên háo hức, chờ đợi từng ngày Bộ ban hành Thông tư chính thức, để giáo viên được chuyển xếp lương mới, không còn bất công trong xếp hạng giáo viên.
Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, sau khi hết hạn lấy ý kiến dự thảo đã 7 tháng, Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 vẫn chưa được ban hành, đồng nghĩa giáo viên lại phải tiếp tục hồi họp chờ đợi.
Ảnh minh họa - Lã Tiến |
Hàng loạt bất cập nảy sinh khi Thông tư lương sửa đổi chậm ban hành
Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021, rất được giáo viên cả nước chờ đợi vì có quá nhiều bất cập, bất công trong quá trình chuyển xếp lương từ Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và nhiều báo chí đăng tải.
Sau khi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04/2021, giáo viên cả nước cơ bản đồng tình và mong được ban hành chính thức để được chuyển xếp lương mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng hứa sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 trong tháng 11/2022.
Tuy nhiên, hiện nay, đến những ngày giữa tháng 2/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành Thông tư sửa đổi này khiến giáo viên không khỏi sốt ruột.
Hàng loạt vấn đề bất cập nảy sinh khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm ban hành Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01-04 này như:
Thứ nhất, không thể chuyển xếp lương khi Thông tư sửa đổi chưa ban hành.
Thông tư 01-04/2021, có hiệu lực chính thức từ ngày 20/3/2021, nhưng đến nay do nhiều tồn tại, bất cập nên gần 2 năm nhiều địa phương vẫn chưa thể chuyển xếp lương theo chùm Thông tư này.
Nhiều địa phương đã thực hiện các phương án chuyển xếp lương theo chùm Thông tư 01-04, được cấp có thẩm quyền thông qua, nhưng khi dự thảo Thông tư mới xuất hiện, mọi việc đều phải dừng lại, chờ Thông tư mới ban hành.
Do đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 có ý nghĩa quan trọng, nếu chưa được ban hành chính thức, giáo viên không thể chuyển xếp lương mới.
Thứ hai, nhiều giáo viên đang hưởng lương từ Thông tư đã hết hạn.
Nhiều địa phương chưa thể chuyển xếp lương cho giáo viên theo chùm Thông tư 01-04/2021.
Tuy nhiên, vẫn có một số ít địa phương giáo viên đã cho giáo viên chuyển xếp lương theo chùm Thông tư này, mặc dầu vẫn có những bất cập nảy sinh như ở hạng 2 có nơi yêu cầu giáo viên ở hệ số lương 3,99 mới được chuyển sang hạng 2 mới có hệ số lương 4,0, có nơi giáo viên 2,34-3,99 đều được chuyển sang hạng 2 mới với hệ số lương 4,0,...
Tuy nhiên, số ít giáo viên ở những địa phương này được xem là may mắn khi được hưởng lương mới, không cần phải băn khoăn Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 như thế nào.
Đa số giáo viên còn lại thì đang hưởng lương theo chùm Thông tư 20-23/2015, tuy nhiên Thông tư 20-23/2015 đã hết hiệu lực từ ngày 19/3/2021 vì chùm Thông tư 01-04/2021 có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.
Thứ ba, nhiều giáo viên đang hưởng lương kiểu “hên xui”.
Từ khi các Thông tư về lương, chia hạng giáo viên lại xuất hiện việc vô cùng bất cập đó chính là nhiều giáo viên cả nước hưởng lương kiểu “hên xui”.
Có người ở hệ số lương 2,34 – 3,66 được chuyển hẳn sang hệ số lương 4,0, những người này xem như “hên”.
Có người hệ số lương 3,65 chuyển sang 3,66; hệ số lương 3,99 chuyển sang 4,0,…xem như “xui”.
Địa phương nào đã chuyển xếp lương mới, giáo viên xem như “hên”.
Địa phương nào chưa chuyển xếp lương, giáo viên hưởng lương cũ thiệt thòi rất nhiều so với những địa phương đã chuyển xếp lương, xem như “xui”,…
Thứ tư, giáo viên có trình độ đại học hơn 10 năm vẫn còn hưởng lương trung cấp.
Khi chưa ban hành được Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021, giáo viên chưa được chuyển xếp lương, vẫn hưởng lương theo chùm Thông tư 20-23/2015 dẫn đến bức xúc rất lớn cho lực lượng giáo viên đã có trình độ đại học nhiều năm, có nhiều thành tích nhưng vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng, đi ngược với chủ trương khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và được chi trả thu nhập phù hợp.
Những kiến nghị về việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021
Giáo viên đã chờ đợi để được chuyển xếp lương theo chùm Thông tư 01-04/2021, việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư lương cho giáo viên là vô cùng cấp thiết, nó góp phần giúp giáo viên yên tâm công tác.
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa ban hành Thông tư lương sửa đổi là có phần chậm trễ, nhiều giáo viên bị xếp lương “hên xui”, bất công khiến nhiều người chán nản, bỏ việc.
Do đó, người viết xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo một số việc sau đây:
Thứ nhất, nhanh chóng ban hành Thông tư lương sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021.
Việc này không thể chậm trễ được nữa, giáo viên đang rất mong chùm Thông tư lương sửa đổi, bổ sung được ban hành để được chuyển xếp lương mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên công bố lý do có phần chậm trễ trong việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung lương giáo viên để mọi người thấu hiểu, cảm thông.
Thứ hai, sau khi ban hành thì chuyển xếp lương trong thời gian 10 ngày.
Thông tư sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh những tồn tại, hạn chế của chùm Thông tư 01-04/2021 có hiệu lực 20/3/2021, nên vừa ban hành thì có hiệu lực ngay lập tức và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định trong thời gian 10 ngày phải chuyển xếp lương cho giáo viên cả nước, không để các địa phương “ngâm” việc bổ nhiệm, xếp lương mới.
Thứ ba, cho giáo viên truy lĩnh phần chênh lệch khi được chuyển xếp lương từ thời điểm 20/3/2021 đến ngày có quyết định được chuyển xếp lương mới.
Từ ngày 20/3/2021, chùm Thông tư 01-04/2021 có hiệu lực, đồng nghĩa chùm Thông tư 20-23/2015 hết hiệu lực, nếu vẫn còn hưởng lương theo chùm Thông tư 20-23/2015 sẽ không đúng về quy định pháp lý.
Nên, cách đơn giản nhất là sau khi chuyển xếp lương mới cho giáo viên, trong quyết định nên để thời gian được hưởng từ ngày 20/3/2021, giáo viên được truy lĩnh phần chênh lệch từ ngày 20/3/2021 đến thời điểm có quyết định.
Thứ tư, giáo viên đạt tiêu chuẩn bỏ hạng nào thì bổ nhiệm, xếp lương ở hạng đó.
Thực tế việc xếp lương kiểu “hên xui”, bất công là rào cản lớn nhất và gây nhiều bức xúc trong giáo viên.
Nhiều giáo viên có bằng đại học, thạc sĩ, nhiều thành tích, hiệu trưởng,…lại đang xếp lương ở hạng IV, hưởng lương trung cấp trong khi nhiều giáo viên làm việc “tàng tàng”, thậm chí có giáo viên bị kỷ luật vẫn được xếp lương ở hạng I, II, vô cùng bất cập.
Xếp lương theo hạng là đúng, giáo viên làm ở vị trí việc làm nào thì được hưởng lương ở vị trí đó, giáo viên làm việc hiệu quả cao, năng suất cao thì nhận lương cao hơn là đúng đắn.
Nhưng ở Thông tư 01-04/2021 và cả dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 đều chưa thể hiện được việc trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc.
Nên, giáo viên cả nước mong chờ lần ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 này phải quy định giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn nào được hưởng lương ở hạng đó, giáo viên không đảm bảo tiêu chuẩn của hạng phải được xếp lương ở hạng thấp hơn, có lên hạng, xuống hạng,…để tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, cố gắng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.