Tự chủ tuyển sinh không có nghĩa là trường ĐH cứ phải tự tổ chức kỳ thi riêng

23/02/2023 06:40
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng khi những kỳ thi xét tuyển riêng ồ ạt nhưng chưa có một hành lang pháp lý nào bảo đảm chất lượng cho những kỳ thi này.

Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 10 cơ sở giáo dục đại học thông báo tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá chuyên biệt… (kỳ thi riêng) để tuyển sinh năm 2023 gồm: kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, thi đánh giá của Bộ Công an,...

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn rằng, hiện nay việc tổ chức kì thi riêng chỉ được quy định ở Điều 12 trong quy chế tuyển sinh đại học thì có đủ căn cứ pháp lý và đảm bảo tính an toàn vì chưa ai kiểm chứng được chất lượng của những đề thi riêng này.

Bàn về vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho hay:

"Ban đầu có rất ít cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi xét tuyển riêng nhưng đến thời điểm hiện tại đã xảy ra hiện tượng nhiều trường “đua” nhau trong việc tổ chức cũng như lấy kết quả của các kỳ thi này để xét tuyển đầu vào.

Tuy nhiên, đối chiếu với Luật Giáo dục Đại học cũng như Luật Giáo dục thì thấy chưa có một quy định nào về việc quản lý cũng như các tiêu chí tổ chức kỳ thi xét tuyển riêng này mà hầu hết là do các trường tự ra đề, tự tổ chức và tự đánh giá năng lực của thí sinh".

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (Nguồn: Toquoc.vn).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (Nguồn: Toquoc.vn).

Theo nữ đại biểu, ngành giáo dục nước ta đã rất nỗ lực, cố gắng khi rút gọn 2 kỳ thi trước đây thành 1 là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay nhằm giảm tải áp lực cho người học cũng như tiết kiệm được nhiều nguồn lực cho xã hội.

Thế nhưng, bên cạnh những ý nghĩa rất tích cực thì kỳ thi trung học phổ thông đâu đó đã nảy sinh bất cập trong thời gian qua. Do vậy, "chúng ta rất đau xót khi có nhiều cán bộ giáo dục, giáo viên bị khởi tố vì những vụ việc bị phanh phui là không trung thực, gian lận trong kỳ thi, dẫn tới hậu quả là nhiều thí sinh đỗ “oan”.

Việc này khiến nhiều cơ sở giáo dục đại học e ngại về kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển, đặc biệt là với các trường tốp trên. Vì lo lắng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường nên họ mới tổ chức kỳ thi riêng như hiện tại", nữ đại biểu chia sẻ.

“Chúng ta đã rất nỗ lực để tạo ra 1 kỳ thi 2 mục đích mà bây giờ nhiều trường tổ chức thêm kỳ thi riêng thì chẳng khác nào lại quay trở về 2 kỳ thi như trước kia. Do đó, điều kiện tiên quyết là luôn phải chấn chỉnh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để ngày càng hoàn thiện hơn", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Nữ đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh khâu tổ chức công bằng, minh bạch, để các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì khâu ra đề thi, kết cấu bài thi cũng cần phải được điều chỉnh lại để có sự phân hóa rõ ràng.

Bởi, kỳ thi trung học phổ thông hiện tại có 2 trọng trách là vừa đánh giá để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh và vừa là căn cứ để chọn được thí sinh vào trường đại học.

Tuy nhiên, theo đánh giá thì đề thi của kỳ thi tốt nghiệp hiện tại độ phân hóa chưa cao thể hiện bằng việc thí sinh có điểm 9, điểm 10 rất nhiều.

“Chúng ta bắt buộc phải làm tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bởi một kỳ thi chung nếu được tổ chức công bằng sẽ rất thuận tiện cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng.

Bên cạnh đó, khi đi tiếp xúc cử tri thì tôi cũng nhận được những phản ánh, trăn trở từ phía phụ huynh là các kỳ thi riêng cũng áp lực ngang với kỳ thi đại học trước kia mà lệ phí còn tăng theo hàng năm.

Do vậy, song song với đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy định cho các kỳ thi xét tuyển riêng. Những quy định đó phải mang tính khoa học và có những yêu cầu ràng buộc, có những tiêu chuẩn rõ ràng. Vì khi có sự quản lý chặt chẽ thì chất lượng mới được bảo đảm", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

Cũng bàn về vấn đề trên, Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, theo quy định hiện hành, các trường đại học được tự chủ trong việc tuyển sinh. Do đó, việc tuyển sinh của trường nào thì trường đó phải tự chịu trách nhiệm.

Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Nguồn: VNU).

Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Nguồn: VNU).

Tuy nhiên, quy chế đó đã đầy đủ, đảm bảo để các trường thực hiện nghiêm túc, đủ làm hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo hay chưa thì lại thuộc về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nếu nhận thấy quy chế tuyển sinh đại học chưa có đủ chất lượng, chưa đáp ứng được nhiệm vụ thì có thể ban hành thêm những quy định cụ thể nằm trong quy chế tuyển sinh một cách chi tiết, cụ thể, làm hành lang pháp lý chặt chẽ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Theo Giáo sư Đào Trọng Thi, hiện nay, nhiều người vẫn đang hiểu sai ý nghĩa của việc tự chủ, tự chủ không có nghĩa là mình tự làm tất cả mà tự chủ là tự quyết định và lựa chọn nên tự chủ tổ chức tuyển sinh cũng không có nghĩa là các cơ sở phải tự tổ chức kỳ thi. Một số trường đại học nếu không đủ khả năng tổ chức một kỳ thi riêng nhưng thấy kỳ thi do cơ sở khác tổ chức phù hợp với mình thì hoàn toàn có thể sử dụng.

Điều 12 của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non nêu rõ các quy định về cơ sở đào tạo tổ chức thi tuyển sinh.

Theo đó, khoản 1 của Điều này nhấn mạnh, các kỳ thi phục vụ xét tuyển do cơ sở đào tạo tự tổ chức, hoặc do một nhóm cơ sở đào tạo hợp tác tổ chức và giao một cơ sở đào tạo chủ trì (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo tổ chức thi).

Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo tổ chức thi phải bảo đảm đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi khách quan, nghiêm túc, chuyên nghiệp, an toàn, thuận tiện và hiệu quả; cụ thể như sau:

a) Phải có bộ phận chuyên trách công tác khảo thí đủ năng lực quản lý và tổ chức thực hiện toàn bộ quy trình của công tác thi;

b) Đội ngũ cán bộ tham gia công tác tổ chức thi phải đủ số lượng, có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn phù hợp để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong từng quy trình của công tác thi;

c) Các quy trình và phân công trách nhiệm các bộ phận tham gia phải đầy đủ, rõ ràng và hiệu quả, bảo đảm tính độc lập, khách quan giữa các khâu và các bộ phận; có biện pháp hiệu quả chống gian lận và lạm dụng;

d) Cơ sở vật chất, trang thiết bị và phần mềm phải phù hợp với quy mô và hình thức tổ chức thi, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ hiệu quả cho thực hiện các quy trình trong công tác tổ chức thi, bao gồm cả yêu cầu về bảo mật, an toàn, an ninh, chống gian lận trong kỳ thi;

đ) Trường hợp tổ chức thi trực tuyến phải thực hiện đầy đủ biện pháp để bảo đảm kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như đối với hình thức thi trực tiếp, đồng thời toàn bộ diễn biến của buổi thi được ghi hình, ghi âm và lưu trữ.

Ngoài ra, Điều 12 của Quy chế này cũng nêu, cơ sở đào tạo tổ chức thi phải xây dựng quy chế thi và đề án tổ chức thi (có thể tích hợp trong đề án tuyển sinh), công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị đồng thời gửi về cơ quan quản lý trực tiếp và Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo ít nhất 30 ngày trước khi thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi.

Cơ sở đào tạo tổ chức thi chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi công tác trước, trong và sau kỳ thi, bao gồm cả trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về chất lượng đề thi, quy chế thi, đề án tổ chức thi và việc triển khai đề án tổ chức thi.

Khánh An