Nhiều kỳ thi riêng, tuyển sinh ĐH dễ quay về thời lều chõng lên thành phố đi thi

13/02/2023 09:58
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Các trường đua nhau mở kỳ thi riêng để tuyển sinh, như vậy phải chăng chúng ta đang từng bước đi lại theo con đường tuyển sinh dại học như trước đây?

Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học ngày càng cắt giảm chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; thay vào đó, xu hướng các cơ sở mở ra kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) hoặc sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh ngày càng nhiều.

Khi quỹ thời gian là một hằng số không đổi, trong khi nhiệm vụ học tập ngày càng nhiều?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Kiên Chung - Giáo viên môn Ngữ văn, trường trung học phổ thông Đức Hợp (tỉnh Ninh Bình) cho biết:

“Năm nay, vì chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp của các trường đại học đều có xu hướng giảm, do vậy số lượng các em học sinh trường trung học phổ thông Đức Hợp chọn thi thêm kỳ thi đánh giá năng lực của trường tăng hơn nhiều so với các năm trước”.

Để đồng hành cùng học sinh, ngay từ năm lớp 11, nhà trường đã có sự phân luồng, định hướng các em ôn tập và tiếp cận sớm với kỳ thi đánh giá năng lực. Cô Chung chia sẻ, để giúp học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi, trong quá trình giảng dạy thầy cô luôn kết hợp lồng ghép các nội dung thi đánh giá năng lực.

Thí sinh tham gia bài thi đánh giá tư duy năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: DN

Thí sinh tham gia bài thi đánh giá tư duy năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: DN

Tuy nhiên, là người trực tiếp đồng hành cùng các sĩ tử vượt vũ môn, cô Chung hiểu và chia sẻ với những áp lực và khó khăn học sinh lớp 12 đang phải trải qua.

Đối với các em học sinh đang chuẩn bị thi đại học, áp lực đầu tiên chính là định hướng về nghề nghiệp:

“Bản thân sẽ chọn ngành gì và tương lai mình sẽ học trường nào, ra làm gì? Đây sẽ là căn cứ để các em lựa chọn hình thức thi phù hợp với các trường đại học.

Và điều này thì không phải học sinh nào cũng tiếp cận đúng hướng, do đó khi tìm hiểu sẽ có bạn hoang mang. Đặc biệt với các trường có tổ chức kỳ thi riêng, lúc này bên cạnh việc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em sẽ phải ôn tập thêm kiến thức để tham gia”, giáo viên này phân tích.

Thứ hai, khi tham gia các kỳ thi riêng đồng nghĩa với việc các em sẽ phải làm quen với việc thích ứng cách học, cách thi mới. Cấu trúc đề thi, phạm vi kiến thức, cách làm bài,... của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các bài thi đánh giá năng lực của các trường hoàn toàn khác nhau, nên đòi hỏi ở học sinh sự nỗ lực hơn rất nhiều.

Cùng lúc chuẩn bị cho nhiều kỳ thi đã khiến nhiều em học sinh gặp quá tải, dẫn đến chểnh mảng trong việc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chia sẻ với phóng viên, cô Chung cho biết thực tế này có tồn tại và điều này là tất yếu vì quỹ thời gian là một hằng số không đổi, trong khi đó nhiệm vụ và mục tiêu học tập của học sinh lại đang mở rộng ra khi các em lựa chọn tham gia nhiều kỳ thi. Do vậy, với những bạn học sinh không có kế hoạch hay chiến lược hợp lý thì dễ hoang mang.

Băn khoăn về tính khách quan, minh bạch của đề thi trong kỳ thi riêng

Theo truyền thống trước đây, thí sinh chuẩn bị ôn thi đại học chủ yếu tập trung ôn theo tổ hợp môn (chủ yếu khoảng 3 môn trọng tâm) trong khi đó hiện nay các kỳ thi riêng do cơ sở giáo dục đại học thường có nội dung và phạm vi kiến thức rộng hơn (ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có nội dung kiến thức bao gồm 8 môn học), do vậy đòi hỏi các sĩ tử phải có kiến thức bao quát, nắm vững kiến thức ở đa dạng lĩnh vực hơn.

Đại diện của một số đơn vị tổ chức kỳ thi riêng chia sẻ, bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học chủ yếu xem xét năng lực tư duy, vận dụng kiến thức của thí sinh, do đó, sĩ tử chỉ cần nắm vững kiến thức chương trình trung học phổ thông đều có khả năng tham gia các kỳ thi.

Ảnh minh họa: DN

Ảnh minh họa: DN

Tuy nhiên, theo đánh giá của thầy giáo Nguyễn Thanh Quang (giáo viên luyện thi đại học môn Sinh học): “Đề thi đánh giá năng lực hiện nay về cơ bản vẫn là tổng hợp lại kiến thức, so với kỳ thi truyền thống không có quá nhiều mới mẻ”.

Chưa kể, nội dung, chất lượng đề thi và tính khách quan cũng đang là câu hỏi lớn được đặt ra. Vị giáo viên đặt vấn đề: “Chúng ta biết rằng năm 2022 vừa rồi, đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có sai 2 câu do thiếu dữ kiện. Điều đáng nói, lỗi sai này được phát hiện do học sinh tự tuồn đề thi ra chứ không phải do chính nhà trường công bố.

Như vậy, việc đề thi đúng hay sai, tính khách quan, minh bạch của kỳ thi chúng ta cũng khó lòng để đánh giá đầy đủ được”.

Bên cạnh đó, theo thầy Quang, kỳ thi đánh giá năng lực chỉ phù hợp với một số ngành nghề nhất định:

“Theo quan sát và từ những chia sẻ của học trò mình, tôi thấy rằng một số ngành nghề đặc thù khi sử dụng bài thi đánh giá năng lực (bài thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia) để tuyển sinh dường như chưa thực sự phù hợp, ví dụ như ngành ngôn ngữ hay khối ngành Y Dược”.

Thầy Quang tâm sự với phóng viên về một trường hợp học trò của mình khi trúng tuyển ngành ngôn ngữ Anh bằng bài thi đánh giá năng lực: “Bạn học sinh này có điểm thi tiếng Anh không được cao, nhưng nhờ những môn khác trong bài thi đánh giá năng lực kéo điểm lên nên đã đỗ ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên khi vào học chính thức, do năng lực học chuyên ngành hạn chế nên em ấy đã mất thời gian 1 năm để học lại. Như vậy rõ ràng chúng ta thấy rất lãng phí, khi trường đại học không tuyển sinh được trúng đối tượng, mà sinh viên khi vào học cũng không đáp ứng được yêu cầu của ngành học.

Hay đối với khối Y Dược cũng vậy, bài thi đánh giá năng lực phân chia tỷ trọng các câu hỏi ở các phân môn tương đối giống nhau tuy nhiên đối với các học sinh thuộc khối ngành Y - Dược thì kiến thức các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh lại cần nhiều hơn”.

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Trước thực tế đó, vị giáo viên này cũng bày tỏ lo ngại khi ngày càng nhiều các cơ sở giáo dục đại học đua nhau mở kỳ thi riêng, điều này khiến không ít học sinh cảm thấy hoang mang, dẫn đến việc ôm đồm quá nhiều kỳ thi, cuối cùng kết quả lại không đạt như kỳ vọng. Chưa kể, kinh phí cho các kỳ thi riêng này cũng không phải là nhỏ.

“Giai đoạn trước đây, mỗi trường tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng, cuối cùng có hiện tượng học sinh “lều chõng” lên thành phố để ôn thi tại các trung tâm, sinh ra tiêu cực.

Và hiện tại, các kỳ thi riêng cũng đang có xu hướng mở nhiều lên, tôi cảm nhận dường như chúng ta từng bước đi lại theo con đường ngày xưa… Mà tiêu cực trong mỗi kỳ thi thì người thiệt nhất vẫn là các thí sinh ”, thầy Quang chia sẻ băn khoăn.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả tuyển sinh đại học, tránh tình trạng các kỳ thi riêng “trăm hoa đua nở”, thầy Quang kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải quản lý hoạt động và chất lượng các kỳ thi đánh giá năng lực.

“Mặc dù những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh tích cực về chất lượng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuy nhiên cá nhân tôi thấy rằng vẫn cần phải có thêm những câu hỏi mang tính thực tiễn, đánh giá vào đề thi nhiều hơn thay vì chỉ nặng về kiểm tra kiến thức.

Đối với các kỳ thi riêng, tôi nghĩ rằng có quá nhiều trường cùng tổ chức sẽ gây rối cho thí sinh; thay vào đó, chỉ nên cho một số cơ sở giáo dục lớn, có uy tín đứng ra tổ chức. Ngoài ra, để đánh giá tốt hơn thì các kỳ thi đánh giá năng lực nên chuyển thể kiến thức được truyền tải trong sách giáo khoa thành các câu hỏi tình huống, giải quyết vấn đề, dạng câu hỏi thí nghiệm, câu hỏi thực tế cuộc sống mà các em đã được phổ cập kiến thức từ lớp dưới thay vì những phần kiến thức quá tầm với các em.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có sự quản lý chặt chẽ hoạt động các kỳ thi để đảm bảo công bằng, minh bạch cho các thí sinh”, giáo giáo viên nêu đề xuất.

Bắc Sơn